Thúc đẩy phát triển thị trường carbon, hướng mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 1
Thúc đẩy phát triển thị trường carbon, hướng mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 2

“Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng Đề án thành lập thị trường carbon. Định hướng xây dựng đề án vẫn bám sát ý tưởng từ năm 2020 tại Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 7/1/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Về hướng phát triển thị trường carbon, hàng hóa giao dịch trên thị trường carbon tập trung vào tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính (hay tín chỉ carbon).

Đối tượng tham gia thị trường carbon là các cơ sở thuộc danh mục phát thải được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 về các lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Ngoài ra, các đối tượng tham gia thị trường còn là các tổ chức trung gian như các ngân hàng đóng vai trò thanh toán các giao dịch thị trường và các tổ chức khác đủ điều kiện của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Dự kiến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tổ chức sàn giao dịch tín chỉ carbon. Phương thức giao dịch tùy thuộc vào từng loại hàng hóa, quy mô và các giai đoạn phát triển của thị trường. Việc đưa vào vận hành hệ thống còn có sự tham gia của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam. Việc quản lý và giám sát trên thị trường carbon do Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm.

Về lộ trình thành lập thị trường carbon, Chính phủ dự kiến chia ra thành 3 giai đoạn: (i) 2023-2024, thiết lập cơ sở pháp lý ban đầu để xây dựng đề án; (ii) 2025-2027, thời gian giao dịch thí điểm trên thị trường carbon; (iii) đến năm 2028, vận hành chính thức thị trường carbon và kết nối với các sàn giao dịch tín chỉ carbon trong khu vực và trên thế giới. 

 Hiện, việc thành lập thị trường carbon đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Thách thức đặt ra xuyên suốt cả ba giai đoạn nêu trên là nhận thức của các doanh nghiệp, các tổ chức tham gia thị trường và của toàn xã hội”.

Thúc đẩy phát triển thị trường carbon, hướng mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 3

“Chuyển sang nền kinh tế xanh, phát triển thị trường carbon là xu hướng chung của toàn cầu. Bên cạnh những thách thức, đây cũng là cơ hội cho cả các nước đang phát triển như Việt Nam.

Là một nước đi sau với trình độ phát triển còn thấp, Việt Nam có quy mô lao động khoảng 55 triệu người với chất lượng lao động còn khiêm tốn, tỷ lệ lực lượng lao động có bằng cấp chứng chỉ khoảng 27% cho thấy vẫn còn khoảng trống lớn về lực lượng lao động chưa qua đào tạo…

Do đó, khi xác định việc chuyển đổi mô hình sản xuất, đòi hỏi lao động phải có kỹ năng mới. Bên cạnh đó, ở giai đoạn đầu chuyển đổi với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì giá thành sản phẩm (như sử dụng năng lượng sạch) có thể sẽ cao hơn… Các yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến các nhóm đối tượng là người có thu nhập thấp.

Ngoài ra,  khi chuyển đổi, những bộ phận lao động kỹ năng thấp, chưa được đào tạo cần được tiếp cận hệ thống đào tạo dạy nghề để thích ứng với bối cảnh mới. Cần có chính sách để hướng đến hỗ trợ những nhóm dân cư có thu nhập thấp, vùng khó khăn… để có thể bắt nhịp với sự thay đổi.

Hiện nay, sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp. Khi công nghệ, mô hình sản xuất thay đổi sẽ có một bộ phận người lao động không thể tham gia vào quá trình đào tạo để thay đổi kỹ năng và có khả năng sẽ bị mất việc. Đây là những vấn đề cần tìm giải pháp khắc phục.

Xét về mặt tổng thể, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phát triển thị trường carbon sẽ có những ngành có thể bán tín chỉ carbon và có những ngành sẽ phải mua hoặc hoán đổi cho nhau. Do đó, cần phải nghiên cứu, xác định ước lượng hoặc dự báo số việc làm có thể bị ảnh hưởng, số người lao động bị mất việc ở những ngành nào, nhóm doanh nghiệp nào…; những việc làm mới, tạo môi trường mới cho người lao động khi chuyển đổi. Trên cơ sở đó có chính sách hỗ trợ người lao động tiếp cận được với kỹ năng mới. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng cần phải điều chỉnh, hướng tới đào tạo nghề xanh…”.

Thúc đẩy phát triển thị trường carbon, hướng mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 4

“Giải quyết các thách thức phát triển dài hạn hơn như biến đổi khí hậu vẫn là một trọng tâm quan trọng trong các hoạt động của ADB. Chúng tôi cam kết mạnh mẽ trong việc giúp đỡ, hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam đạt mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chính sách và biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris như cam kết. Bên cạnh đó, ADB cũng cam kết lâu dài trong phát triển thị trường carbon tại các quốc gia và Việt Nam, nhằm tận dụng và nắm bắt cơ hội thị trường mang lại.

Ngay từ đầu năm 2005, chúng tôi tham gia hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cho các quốc gia và hỗ trợ Chính phủ xây dựng chính sách, cơ sở hạ tầng cũng như nâng cao năng lực để nâng mức sẵn sàng của các quốc gia khi tham gia thị trường carbon và bán tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế. Chúng tôi cũng hỗ trợ một loạt sáng kiến giúp các quốc gia chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp và đẩy nhanh khả năng phục hồi trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Song song với đó, chúng tôi huy động các nguồn lực tài chính và kết nối các tổ chức để hình thành quỹ carbon, giúp mua bán tín chỉ carbon qua các định chế tài chính. Về tài chính, chúng tôi cũng hỗ trợ các bên ký kết hợp đồng dài hạn với giá cố định và cấp vốn ngay từ giai đoạn ban đầu.

Chúng tôi cho rằng Việt Nam cần sớm ban hành công cụ chính sách và tích cực làm việc với các đối tác quốc tế để sẵn sàng xây dựng thị trường carbon. Trong quá trình này, ADB hỗ trợ thúc đẩy cải cách tại các quốc gia đang phát triển và Việt Nam trong việc nâng cao khả năng thích ứng khí hậu và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Chúng tôi cũng cam kết đưa ra nhiều sự hỗ trợ với Việt Nam, cung cấp vốn hỗ trợ, giúp Việt Nam tham gia vào thị trường carbon quốc tế. Thông qua thị trường carbon, các bên tham gia có thể tăng cường giảm phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả và tiết kiệm để đẩy nhanh tiến trình tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển bền vững”.

Thúc đẩy phát triển thị trường carbon, hướng mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 5

“Chúng ta đang thảo luận một trong những vấn đề quan trọng trong thời đại đó là việc thành lập thị trường tín chỉ carbon trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam. Từ phía Liên minh châu Âu (EU), chúng tôi mong muốn hợp tác với Việt Nam. Điều này có thể thấy rõ thông qua Chương trình đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng đang triển khai với nhóm G7 và các nhà tài trợ khác. Đây sẽ một trong những bước ngoặt quan trọng để cùng nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu; đảm bảo thực hiện được mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Liên minh châu Âu đưa ra một sáng kiến trên phạm vi toàn cầu với quỹ lên đến 300 tỷ EUR để xây dựng hạ tầng bền vững, xanh hóa, đặc biệt là trong ngành năng lượng.  Cùng với 27 thành viên và các định chế tài chính, nhà đầu tư của Liên minh châu Âu, chúng tôi đang tích cực hỗ trợ tiến trình triển khai chương trình đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng tại Việt Nam. Đồng thời, với nguồn quỹ được triển khai toàn cầu đã phối hợp cùng các ngân hàng đầu tư tại Việt Nam thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng với hơn 500 dự án…

Đó là những tín hiệu cho thấy Liên minh châu Âu đang rất chú trọng vấn đề này; đồng thời, đang có những dự án triển khai, công bố để đảm bảo có thể cung cấp được nguồn năng lượng bền vững tại Việt Nam”.

Thúc đẩy phát triển thị trường carbon, hướng mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 6

“FairAtmos là công ty công nghệ khí hậu có trụ sở tại Indonesia, hỗ trợ các nhà phát triển dự án thiết kế các dự án cô lập carbon, xác minh các khoản tín dụng carbon, kết nối với các công ty và cá nhân đang tìm cách bù đắp lượng khí thải carbon để đạt được mục tiêu bằng không.

Fair Atmos cũng thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp, cộng đồng và chính phủ các quốc gia để đảm bảo cách tiếp cận toàn diện trong việc giải quyết thách thức biến đổi khí hậu. Hiện Fair Atmos còn hoạt động tại nhiều quốc gia khác như: Malaysia, Indonesia, Lào. Tại Việt Nam, Fair Atmos hiện đang hợp tác với các đối tác để xây dựng các giải pháp dự án chất lượng cao.

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển thị trường carbon trong việc thúc đẩy dự án bảo vệ rừng cũng như sử dụng đất hiệu quả hơn, phát triển nền nông nghiệp dựa trên việc phát thải thấp hơn.

Các quốc gia Đông Nam Á cũng có thể thử nghiệm cách thức hợp tác công - tư trong việc tìm kiếm hiệu quả giải pháp huy động nguồn tài chính phát triển thị trường tín chỉ carbon”.

Thúc đẩy phát triển thị trường carbon, hướng mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 7

“Citibank hoàn tất thương vụ tín chỉ carbon tự nguyện đầu tiên vào cuối tháng 5/2022 với tư cách là bên mua tín chỉ carbon từ một nhà sản xuất và phân phối bếp và máy lọc nước thân thiện với môi trường cho các cộng đồng nông thôn thu nhập thấp ở Việt Nam. Dự án này hỗ trợ hàng triệu người sống trong các hộ gia đình có bếp nấu, giảm đáng kể lượng khí thải CO2 so với việc đun nấu bằng bếp than, bếp củi. Theo đánh giá, một người đốt bếp lò nấu ăn trong một giờ đồng hồ tương đương với việc hút hàng chục điếu thuốc lá, những người xung quanh phải hít khói bếp cũng dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp.

 Tháng 2/2023, Citibank đóng vai trò thu xếp tín dụng và cơ cấu vốn, cũng như đảm bảo việc mua lại các tín chỉ carbon tự nguyện cho dự án trái phiếu liên kết giảm phát thải của Ngân hàng Thế giới, dự án mang tên máy lọc nước cho trường học giúp 2 triệu trẻ em được tiếp cận nguồn nước uống tinh khiết.

Thông qua các dự án kể trên, chúng tôi tự hào đem lại tác động tích cực đến môi trường và sức khoẻ con người khi cung cấp 850.000 bếp nấu và 360.000 máy lọc nước cho hàng triệu hộ gia đình và giảm hàng triệu tấn carbon mỗi năm. 

Ngân hàng hỗ trợ các dự án có mục tiêu giảm phát thải trong các lĩnh vực, cũng như tạo điều kiện cho một số dự án phát thải carbon thấp, để Việt Nam sớm đạt mức phát thải khí nhà kính cân bằng vào năm 2050. Chúng tôi sẽ tiếp tục tiên phong trong nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi và hỗ trợ những đơn vị, tổ chức có nhu cầu mua tín chỉ carbon; đồng thời, làm việc với các cơ quan, tổ chức quốc tế để kết nối cung cầu trên thị trường”.

Thúc đẩy phát triển thị trường carbon, hướng mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 8

VnEconomy 27/11/2023 07:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 48-2023 phát hành ngày 27-11-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Thúc đẩy phát triển thị trường carbon, hướng mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 9