Amazon tham gia vòng gọi vốn 700 triệu USD của startup xe tải điện Mỹ

Đức Anh
Động thái của Amazon theo sau nhiều hãng công nghệ lớn khác như Alphabet và Apple, nhằm khai thác cơ hội trong lĩnh vực vận tải tự lái và chạy điện
Xe tải điện Rivian R1T - Ảnh: Rivian.
Xe tải điện Rivian R1T - Ảnh: Rivian.

Startup xe tải điện Rivian - đối thủ tiềm năng của Tesla vừa công bố nhận được 700 triệu USD đầu tư trong vòng gọi vốn dẫn đầu bởi hãng thương mại điện tử Amazon. 

Công bố này được đưa ra trong vòng chưa đầy 3 tháng kể từ khi Rivian ra mắt 2 sản phẩm đầu tiên - xe bán tải và SUV chạy điện hoàn toàn. Theo một số nhà phân tích, hai dòng xe này có thể tạo ra thách thức trực tiếp đối với cả các nhà sản xuất xe tải lớn như General Motors (GM), Ford, và những công ty mới nổi như hãng xe điện Tesla - cũng đang phát triển dòng xe bán tải chạy điện. Công bố ngày 15/2 của Rivian không tiết lộ chi tiết về số tiền Amazon đầu tư vào công ty này. 

"Nối gót" các đại gia công nghệ

Về phía Amazon, động thái này diễn ra gần một tuần sau khi công ty cùng với hãng đầu tư Sequoia, Lightspeed Venture Partners, Shell Ventures và một số nhà đầu tư khác, thâu tóm cổ phần tại Aurora - startup công nghệ tự lái được điều hành bởi một cựu nhân viên của Tesla và Waymo. Thương vụ này đưa định giá của Aurora lên 2,5 tỷ USD. 

Động thái của Amazon "nối gót" nhiều hãng công nghệ lớn khác như Alphabet (công ty mẹ Google) và Apple, nhằm khai thác các cơ hội trong lĩnh vực vận tải tự lái và chạy điện. 

Ngoài ra, Amazon từ lâu luôn tìm cách thay đổi các phương thức giao hàng của mình - hiện tại đang phụ thuộc vào các đối tác truyền thống như USPS và UPS. Các nhà phân tích cho rằng hãng thương mại điện tử này có thể hứng thú với nền tảng của Rivian để phát triển các phương tiện phục vụ cho nhu cầu vận tải khổng lồ trên toàn cầu. 

"Chúng tôi được truyền cảm hứng bởi tầm nhìn của Rivian về tương lai của vận tải chạy bằng điện", Jeff Wilke, CEO phụ trách khách hàng toàn cầu của Amazon, phát biểu. "RJ Scaringe (CEO Rivian) đã xây dựng một tổ chức ấn tượng với danh mục sản phẩm và công nghệ ấn tượng theo đó. Chúng tôi rất hào hứng khi đầu tư vào một công ty sáng tạo như vậy". 

Vòng gọi vốn lần này của Rivian cũng bao gồm một số nhà đầu tư hiện tại và startup này sẽ vẫn là một công ty độc lập. Hiện Rivian có hơn 750 nhân viên làm việc tại nhiều địa điểm khác nhau gồm Plymouth, Michigan; San Jose và Irvine, California; Normal, Illinois; và Surrey, Anh.

Đến nay, không nhiều người có kỳ vọng về một mẫu ôtô bán tải chạy bằng pin điện cạnh tranh bởi chủ xe thường đặt yêu cầu quá lớn đối với phương tiện này. Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu thay đổi khi Tesla chuẩn bị đưa xe tải điện ra thị trường và khi các nhà phân tích cũng như khách hàng tiềm năng được tận mắt thấy xe bán tải R1T mà Rivian giới thiệu tại Triển lãm Ôtô Los Angeles tháng 11 năm ngoái, cùng với mẫu xe thể thao đa dụng R1S. 

Mối đe dọa với các ông lớn

Rivian dự kiến chính thức bán R1T và R1S tại Mỹ vào năm 2020, và bắt đầu giới thiệu tại thị trường quốc tế vào năm 2021. Cả hai mẫu xe này, ít nhất là ban đầu, đều sở hữu bộ pin công suất 180 kW giờ, gần gấp đôi công suất bộ pin lớn nhất của Tesla. Với công suất này, phương tiện có thể di chuyển liên tục 650km trong điều kiện tối ưu, theo RJ Scaringe - CEO của Rivian. Ngoài ra, hai phương tiện của Rivian có thể tăng tốc từ 0 lên 96,5 km/h trong vòng 3 giây và lên 161 km/h trong chưa đầy 7 giây, với tốc độ tối đa 201 km/h. Đồng thời, tải trọng lên tới 5,5 tấn. 

Xe tải và SUV đang ngày được khách hàng Mỹ ưa chuộng hơn so với các dòng xe ôtô truyền thống và họ sẵn sàng trả thêm tiền để mua, đồng nghĩa với lợi nhuận lớn hơn cho các nhà sản xuất. Mô hình kinh doanh với xe bán tải và SUV chạy điện có thể mang nhiều lợi thế hơn so với sedan điện, bất chấp thực tế các công ty phải đầu tư lớn khi tham gia vào lĩnh vực này và những khó khăn để kiếm tiền từ xe điện. 

Trong một báo cáo vào tuần trước, nhà phân tích Adam Jonas của Morgan Stanley nói rằng xe bán tải chạy điện thành công từ các công ty mới nổi như Rivian hay Tesla có thể là mối đe dọa lớn đối với nhiều nhà sản xuất ôtô Mỹ với doanh thu phụ thuộc lớn vào các dòng xe tải. 

Trong bối cảnh đó, đầu tháng 2, Ford Motor Co. công bố đang phát triển xe bán tải chạy điện riêng. Còn Duncan Aldred, quản lý thương hiệu GMC tại General Motors, cho biết công ty này cũng đang "cân nhắc" động thái tương tự. Ông dẫn bình luận của CEO GM - Mary Barra vào cuối tháng 3 năm ngoái nói rằng hãng này đang "trên đường tiến tới tương lai xe chạy điện hoàn toàn". Hiện tại, GM đã ra mắt mẫu xe điện Chevrolet Bolt EV và dự kiến cho ra hàng chục mẫu khác, bắt đầu với một chiếc crossover Cadillac vào năm 2021. 

Tin mới

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.