07:45 10/05/2022

Bán tháo không ngừng, chứng khoán Mỹ xuống đáy hơn 1 năm

Bình Minh

“Đây là một cuộc định giá lại tài sản trên quy mô lớn. Đây là một sự dịch chuyển quan trọng của các dòng vốn. Và tất cả đều có nguyên nhân là chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)”...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (9/5) khi nhà đầu tư tiếp tục bán tháo, khiến chỉ số S&P 500 rơi thủng mốc 4.000 lần đầu tiên trong hơn 1 năm. Giới phân tích cho rằng thị trường sẽ không sớm chạm đáy.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 653,67 điểm, tương đương giảm 1,99%, còn 32.245,7 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 3,2%, còn 3.991,24 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 4,29%, còn 11.623,25 điểm.

Đây là lần đầu tiên S&P 500 mất mốc 4.000 USD kể từ tháng 3/2021. Hiện chỉ số là thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ đã giảm 17% từ mức đỉnh của 52 tuần vì các nhà giao dịch chưa thể “gượng dậy” sau những cú trồi sụt “chóng mặt” của tuần trước. 10/11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 chốt phiên trong sắc đỏ, riêng chỉ có nhóm tiêu dùng thiết yếu “xanh”.

Trái phiếu kho bạc Mỹ cũng bị bán tháo, khiến lợi suất của kỳ hạn 10 năm lập đỉnh mới kể từ cuối năm 2018 ở mức cao hơn nhiều so với ngưỡng 3%.

“Đây là một cuộc định giá lại tài sản trên quy mô lớn. Đây là một cuộc xê dịch quan trọng của các dòng vốn. Và tất cả đều có nguyên nhân là chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)”, chuyên gia Jeff Kilburg của Sanctuary Wealth nhận định. “Tôi cho rằng cách duy nhất để giá cổ phiếu sớm tìm được đáy trong ngắn hạn và để thị trường hàn gắn là Fed có thể - bằng những công cụ mà họ có - kiểm soát lãi suất trên thị trường. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cần phải giảm dưới 3%”.

Tuần trước, Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm và tuyên bố sẽ bắt đầu cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán từ tháng 6. Theo dự báo, Fed có thể nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm mỗi lần trong 2 cuộc họp tới. Đây là bước nhảy lãi suất mà Fed chưa từng áp dụng kể từ năm 2000.

Đà tăng của lãi suất tiếp tục gây áp lực lớn lên các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn như Meta Platforms và Alphabet. Hai cổ phiếu này giảm tương ứng 3,7% và 2,8%. Amazon, Apple và Netflix giảm 5%, 3% và 4%, trong khi Tesla và Nvdia “bay” hơn 9% mỗi cổ phiếu.

Diễn biến chỉ số S&P 500 trong 1 năm qua - Nguồn: TradingView.
Diễn biến chỉ số S&P 500 trong 1 năm qua - Nguồn: TradingView.

Sự kết hợp giữa lãi suất cao và nguy cơ suy thoái kinh tế trong bối cảnh lạm phát leo thang cũng là nguyên nhân khiến các nhóm cổ phiếu khác điêu đứng, từ cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu như Nike cho tới những cái tên công nghiệp như Caterpillar. Cổ phiếu ngân hàng không nằm ngoài “dòng lũ” bán tháo, với Bank of America giảm 2,8%.

Trong số các thành viên của Dow Jones, Boeing là cổ phiếu “thảm” nhất phiên này, với mức giảm hơn 10%. Kế đó là Chevron giảm 6,7% do giá dầu tụt dốc.

“Chúng tôi dự báo thị trường sẽ còn biến động, nghiêng về giảm, vì nguy cơ xảy ra tình trạng stagflation (kết hợp giữa lạm phát cao và tăng trưởng sụt giảm) sẽ tiếp tục gia tăng. Chúng tôi không đánh giá thấp khả năng có những phiên hồi phục trong một thị trường giá xuống như thế này, nhưng dư địa tăng là hạn chế”, chuyên gia Maneesh Deshpande của Barclays phát biểu.

Các nhà phân tích kỹ thuật cũng nói rằng đang có nhiều dấu hiệu của một đợt sụt giảm kéo dài trên thị trường chứng khoán Mỹ.

“Chúng tôi nhận thấy giá cổ phiếu có thể tiếp tục đi xuống vì chưa thấy có bằng chứng kỹ thuật nào cho thấy một mức đáy bắt đầu hình thành. Các chỉ báo kỹ thuật cho thấy thị trường chưa ở trong trạng thái bán quá nhiều (oversold) tới mức đủ để hồi phục”, chuyên gia JC O’Hara của MKM Partners nhận xét.

Cổ phiếu hãng xe điện Rivian – công ty từng đạt mức định giá hơn 100 tỷ USD sau khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hồi năm ngoái - giảm hơn 20% khi có tin nói rằng hãng Ford đang muốn “xả” 8 triệu cổ phiếu Rivian. Vốn hoá của Rivian hiện còn 20,5 tỷ USD.