15:53 27/10/2020

Bao nhiêu doanh nghiệp được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất?

Phúc Minh

Giả định có khoảng từ 30 - 50% số doanh nghiệp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, tương ứng khoảng từ 120.000 – 200.000 doanh nghiệp được thụ hưởng

Ảnh ,minh họa.
Ảnh ,minh họa.

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bên cạnh mở rộng đối tượng được hỗ trợ, Nghị quyết 154/NQ-CP cũng sửa đổi nội dung hỗ trợ tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất.

Theo đó, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 20% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không quá 3 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét hưởng.

Trước đó, tại tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, quy định điều kiện để người sử dụng lao động được tạm hoãn vào quỹ hưu trí tử tuất giảm từ 20% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ tốt hơn trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh hiện nay.

Theo tính toán, với phương án giảm từ 50% xuống còn 20% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên thì dự kiến có khoảng 70% số doanh nghiệp đủ điều kiện.

Ngoài ra, giả định có khoảng từ 30% đến 50% số doanh nghiệp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, tương ứng khoảng từ 120.000 – 200.000 doanh nghiệp với khoảng từ 3,2 - 5,4 triệu lao động được tạm dừng đóng với số tiền giảm một tháng khoảng từ 3.969 - 6.618 tỷ đồng.

Nghị quyết 154/NQ-CP cũng sửa đổi nội dung về hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động, bỏ điều kiện "đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3, Điều 98 Bộ luật Lao động".

Tại hội nghị về triển khai nghiệp vụ cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động theo Nghị quyết 154/NQ-CP và Quyết định 32/2020/QĐ-TTg vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, trước đó gói 16.000 tỷ đồng giao Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay đối với người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính để trả lương ngừng việc cho người lao động vẫn còn vướng mắc do các quy định của Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg khá chặt chẽ.

Do đó, việc điều chỉnh các quy định cho vay đợt này cũng nhằm tạo sự thông thoáng hơn.

Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh cần phải chủ động trong việc triển khai chính sách, đặc biệt phải tìm đến các hiệp hội doanh nghiệp để phổ biến giúp doanh nghiệp hiểu được nội dung quy định các thủ tục cần thiết.

Ông cũng đề nghị các tổ chức chính trị xã hội như liên đoàn lao động đôn đốc các doanh nghiệp khó khăn vay vốn trả lương, bảo vệ quyền lợi người lao động.

Đến nay, trong các nhóm đối tượng nhận hỗ trợ, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo về cơ bản đã được hỗ trợ với 12 triệu người, tổng số tiền hơn 12.000 tỷ đồng.