17:16 12/01/2021

Bất chấp đại dịch Covid, xuất khẩu tôm vẫn "bật" tăng

Chu Khôi

Trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản suy giảm về giá trị, nhưng xuất khẩu tôm năm 2020 vẫn đạt 3,85 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2019.

Trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản suy giảm về giá trị, nhưng xuất khẩu tôm năm 2020 vẫn đạt 3,85 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2019. Năm 2021, dự báo ngành tôm sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn với kim ngạch xuất khẩu dự kiến sẽ đạt 4 - 4,4 tỷ USD. 

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2020 đạt gần 8,4 tỷ USD, giảm 1,8% so với năm 2019. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong năm 2020, chiếm 59,8% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong năm 2020, giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh nhất ở thị trường Nga, tăng 25,6%; ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản giảm mạnh nhất là Thái Lan với mức giảm 16,3%.

2020: xuất khẩu tôm được mùa - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Namnăm 2019-2020

KIM NGẠCH XUẤT KHẨU TÔM TĂNG 15%

Bất chấp những khó khăn do dịch bệnh Covid kéo dài, hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn do đóng cửa biên giới, vận tải biển bị ngưng trệ, cùng với thiên tai hạn mặn khốc liệt ở ĐBSCL nhưng hoạt động nuôi tôm nước lợ, chế biến, xuất khẩu tôm của Việt Nam năm vừa qua vẫn gặt hái được nhiều thành công. Năm 2020, tổng sản lượng tôm nuôi đạt 900 ngàn tấn. Trong đó, tôm sú đạt gần 268 ngàn tấn, tăng 1%, tôm thẻ chân trắng hơn 632 ngàn tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản suy giảm về giá trị, nhưng xuất khẩu tôm  là mặt hàng chủ lực có mức tăng trưởng 2 con số liên tục từ tháng 6 đến tháng 12. Trong đó, tăng mạnh 25% trong tháng 9 và tháng 10, sang tháng 11 tiếp tục tăng 28%. Tính chung cả năm 2020, xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,85 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2019.

Do dịch Covid-19 vẫn căng thẳng trên thế giới nên xu hướng tiêu thụ tại các thị trường vẫn tập trung vào tôm chân trắng, size cỡ nhỏ cho phân khúc bán lẻ. Do vậy, xuất khẩu tôm chân trắng chiếm 72% giá trị xuất khẩu tôm trong năm nay, ước đạt hơn 2,78 tỷ USD trong năm 2020, trong khi tôm sú chỉ đạt 616 triệu USD, chiếm 16% và tôm biển chiếm 12% đạt 462 triệu USD.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Hậu Giang tổ chức lễ xuất khẩu lô tôm đầu tiên của năm 2021. Lô hàng này của Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang, với lô tôm chế biến giá trị gia tăng cao, được xếp đầy trên các xe container nhận lệnh lên đường đi xuất khẩu. Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, năm 2020 là năm nhiều khó khăn thử thách, nhất là dịch bệnh nhưng xuất khẩu tôm nuôi vẫn phát triển khá ấn tượng. Trong năm, Minh Phú đã xuất khẩu được 55 ngàn tấn tôm thành phẩm, với kim ngạch đạt 580 triệu USD. Mục tiêu năm 2021 là 71 ngàn tấn tôm chế biến, kim ngạch 790 triệu USD.

Ông Lê Văn Quang cũng nêu căn bệnh trầm kha đã kéo dài nhiều năm nay, đó là tình trạng nhà máy luôn đói nguyên liệu chế biến. "Hiện tôm nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được từ 30-50% nhu cầu các nhà máy của Minh Phú. Nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang với thiết kế cần 10 ngàn lao động nhưng hiện chỉ có 5 ngàn công nhân, do không đủ nguyên liệu hoạt động. Trong khi vẫn phải duy trì bộ máy quản lý, vận hành làm tăng chi phí, tăng giá thành và lãng phí nguồn lực đầu tư", ông Quang nói. Một khó khăn nữa mà ông Quang nêu ra, đó là tình trạng thiếu tàu, thiếu container để xuất khẩu tôm, giá cước phí đầu năm nay bất ngờ tăng lên tới 5 - 6 lần so với cùng kỳ năm 2020. Vì vậy, Việt Nam cần xem xét bổ sung thêm hãng tàu vận tải biển, để giảm giá thành vận chuyển hàng xuất khẩu.

2020: xuất khẩu tôm được mùa - Ảnh 2.

Dự báo kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2021

PHẤN ĐẤU TĂNG TRƯỞNG 15% NĂM 2021

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (Vasep) dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2021 sẽ tăng so với năm 2020 khoảng 10%, đạt khoảng 9,7 tỷ USD. Trong đó, riêng tôm chế biến sẽ tăng trưởng 15%, đạt kim ngạch từ 4 - 4,4 tỷ USD. Cụ thể, thị trường Bắc Mỹ có thể đạt 1,1 tỷ USD, EU 700 triệu USD, Anh  khoảng 400 triệu USD, Nhật Bản 700 triệu USD, Trung Quốc hơn 600 triệu USD...

Để đảm bảo nguyên liệu tôm đủ cho chế biến xuất khẩu, ông Hòe đề xuất cần có giải pháp căn cơ để ngành tôm phát triển bền vững. Cần tập trung cho các giải pháp như phát triển vùng nuôi, tăng sản lượng, trong đó riêng sản lượng tôm thẻ năm 2021 cần đạt 1 triệu tấn, để giúp giảm giá thành tôm nguyên liệu. Các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ, chế biến chuyên sâu, gia tăng giá trị, đáp ứng tốt nhu cầu của các nước nhập khẩu.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, Việt Nam đang là nước xuất khẩu tôm lớn của thế giới. Hiện Việt Nam là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản và có nhiều lợi thế từ FTA song phương với Nhật Bản đối với mặt hàng tôm.  Tuy vậy, xuất khẩu tôm của Việt Nam tới Nhật Bản trong những tháng năm 2021 sẽ phải cạnh tranh mạnh với tôm của Ấn Độ đang có mức giá thấp hơn hẳn do chi phí sản xuất tôm ở Ấn Độ thấp hơn. Dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nói chung, sản phẩm tôm nói riêng sang Trung Quốc trong những tháng đầu năm 2021 sẽ chỉ tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu về chất lượng, kiểm dịch và thủ tục sẽ khiến cho hoạt động xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc những tháng năm 2021 có thể bị chậm ở một số thời điểm. Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt rõ các quy định, thủ tục để giảm thiểu rủi ro. Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới Mỹ trong thời gian tới sẽ tăng mạnh do nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản của Mỹ tăng và hai sản phẩm chủ lực của Việt Nam là cá tra và tôm có mức giá phù hợp với đa số người tiêu dùng.

Theo ông Toản, trong quý I/2021 cần đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng tôm ở dạng đông lạnh tới những thị trường lớn có nhu cầu cao như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Nga. Cần đặc biệt lưu ý các thủ tục để được hưởng ưu đãi thuế từ các FTA để tăng tính cạnh tranh về giá đối với những sản phẩm tôm của những đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan và Inđônêsia. Đối với thị trường Trung Quốc, mặt hàng tôm hùm sống và tôm khô đang có nhu cầu lớn nên các doanh nghiệp cần lưu ý đặc biệt đảm bảo chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc ở hai mặt hàng này.

 "Việc chúng ta tham gia các hiệp định song phương với các nước sẽ tạo điều kiện cho xuất khẩu được thuận lợi hơn. Năm 2021, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ tiếp tục tổ chức các chuỗi sự kiện, hội chợ, đưa mặt hàng thủy sản, trong đó có tôm chế biến đi các nước giới thiệu, quảng bá nhằm tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, sẽ tổ chức sự kiện đưa hàng từ phía Nam ra Bắc tiêu thụ, nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa", ông Toản nói.

Ông Toản đề nghị các doanh nghiệp và người nuôi cùng thực hiện trách nhiệm về truy xuất nguồn gốc, hài hòa các chứng nhận quốc tế về xuất khẩu tôm. Cơ quan quản lý sớm hoàn thành việc cấp mã số vùng nuôi. Các doanh nghiệp phải tập trung tăng quy mô chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng. Cần tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển tôm nuôi, nhất là xây dựng các khu, vùng nuôi tôm tập trung, ứng dụng công nghệ, nuôi siêu thâm canh để giảm rủi ro và gia tăng nhanh chóng sản lượng. Đồng thời, Nhà nước cần tái khởi động lại chương trình bảo hiểm cho nghề nuôi tôm.

Tại lễ phát động lễ xuất khẩu lô hàng tôm đầu tiên năm 2021, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Mỗi lô hàng thủy sản xuất khẩu là một thông điệp chúng ta gửi đến bạn bè toàn thế giới, không chỉ về chất lượng, sự an toàn khi sử dụng mà sâu sắc hơn là bản lĩnh của những con người Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ, quản trị sản xuất, kết nối giao thương. Thể hiện trách nhiệm của những con người Việt Nam khi tham gia vào guồng máy sản xuất, cung cấp thực phẩm toàn cầu trước bất cứ khó khăn nào".

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo, phải bắt tay ngay vào vụ nuôi tôm mới, các đơn vị, doanh nghiệp và người nuôi chuẩn bị tốt các điều kiện và tiến hành thả giống theo lịch mùa vụ năm 2021. Coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất các giải pháp, kịp thời thông tin, tuyên truyền để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp. Phải tăng cường liên kết giữa các đơn vị tham gia vào chuỗi sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tiếp tục nâng cao tỷ trọng các mặt hàng giá trị gia tăng xuất khẩu. Hoàn thiện các chương trình quản lý chất lượng, quản lý tốt chất lượng nguồn nguyên liệu. Các hội, hiệp hội vận động, tuyên truyền các hội viên áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất tôm hiệu quả, giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật.