07:55 07/08/2021

Biến chủng Delta khiến giá dầu “bốc hơi” gần 7% tuần này

Bình Minh

Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (6/8), chốt tuần giảm mạnh nhất trong nhiều tháng trở lại đây...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.

Giới đầu tư lo ngại rằng các biện pháp hạn chế đi lại nhằm ngăn sự lây lan của biến chủng Delta có thể gây trệch hướng phục hồi của nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu.

Ngoài ra, giá dầu còn chịu áp lực giảm từ đồng USD mạnh lên sau báo cáo việc làm khả quan hơn dự báo của Mỹ.

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,59 USD/thùng, tương đương giảm 0,8%, còn 70,7 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York giảm 0,81 USD/thùng, tương đương giảm 1,2%, còn 68,28 USD/thùng.

Tính cả tuần, giá dầu Brent giảm hơn 6%, đánh dấu tuần sụt mạnh nhất trong 4 tháng. Giá dầu WTI cũng trượt gần 7%, hoàn tất tuần giảm mạnh nhất 9 tháng’

“Diễn biến giá dầu đang thực sự phản ánh bức tranh vĩ mô”, nhà kinh tế học Howie Lee thuộc ngân hàng OCBC ở Singapore nhận định. “Biến chủng Delta bắt đầu gây tác động và tâm lý lo ngại rủi ro đã xuất hiện trên nhiều thị trường, không riêng gì thị trường dầu”.

Phát biểu ngày 6/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng số ca nhiễm mới Covid-19 ở Mỹ, hiện đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng, sẽ tiếp tục tăng trước khi có thể giảm xuống.

Nhật Bản chuẩn bị mở rộng tình trạng khẩn cấp chống Covid ra nhiều khu vực trên toàn quốc, trong khi Trung Quốc – nước tiêu thụ nhiều dầu thứ hai thế giới – đã áp hạn chế tại hàng loạt thành phố và huỷ các chuyến bay.

“Hạn chế đi lại gia tăng ở Trung Quốc đã trở thành vấn đề khiến giới đầu tư quan tâm. Đó có thể sẽ là một nhân tố tác động quan trọng đến giá dầu trong tháng 8 này”, ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch Ritterbusch and Associates, nhận định.

Diễn biến giá dầu WTI giao sau tại New York từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading View.
Diễn biến giá dầu WTI giao sau tại New York từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading View.

Số liệu thường kỳ từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, trong tháng 7, khu vực kinh tế phi nông nghiệp của nước này có thêm 943.000 công việc mới, vượt xa con số dự báo 870.000 công việc mới mà các nhà kinh tế học được hãng tin Reuters khảo sát đưa ra trước đó. Tiền lương tăng mạnh do các doanh nghiệp cạnh tranh thu hút lao động trong bối cảnh khan hiếm nhân công. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm còn 5,4%, mức thấp nhất trong 16 tháng.

Các số liệu trên được xem như một dấu hiệu về đà tăng trưởng khả quan của kinh tế Mỹ, nhưng lại đặt ra khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sớm thắt chặt chính sách tiền tệ, theo đó đẩy tỷ giá đồng USD tiếp tục tăng, gây sức ép giảm lên giá dầu.

Chỉ số Dollar Index chốt phiên ở mức gần 92,8 điểm, tăng gần 0,6%, nâng tổng mức tăng cả tuần lên gần 0,7%.