06:00 29/07/2021

Bịt khe hở trong quản lý bán hàng đa cấp

Vũ Khuê

Vẫn còn những khe hở của khuôn khổ pháp luật để các đối tượng lợi dụng hoạt động bán hàng đa cấp bất chính… do đó cần được điều chỉnh một số quy định, tạo công cụ cho các cơ quan quản lý xử lý nghiêm những sai phạm...

Nhiều doanh nghiệp đa cấp làm ăn bất chính đã bị loại bỏ.
Nhiều doanh nghiệp đa cấp làm ăn bất chính đã bị loại bỏ.

Tại tọa đàm “Lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp” ngày 28/7, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), cho biết Cơ quan này đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.

DOANH THU TĂNG, DOANH NGHIỆP GIẢM

Đánh giá về tác động của Nghị định 40 ông Tuấn chỉ ra, năm 2020 dù chịu tác động mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19 nhưng riêng ngành bán hàng đa cấp lại có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ. Doanh thu của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp tăng trung bình 25% mỗi năm, tính từ 2018 tới nay.

Cụ thể, năm 2020 doanh thu ngành này đạt 15.389 tỷ đồng. Con số này nếu so với năm 2017 tăng gấp đôi (tăng 8.000 tỷ đồng).

Hoa hồng, tiền thưởng, các lợi ích kinh tế trả cho người tham gia bán hàng đa cấp tăng lên theo doanh thu. Năm 2020 tổng hoa hồng người tham gia được hưởng là 5.000 tỷ đồng. Đóng góp của ngành vào ngân sách Nhà nước cũng tăng mạnh.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương)
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương)

Năm 2020, số thuế ngành kinh doanh đa cấp nộp vào ngân sách Nhà nước là 1.800 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với năm 2017 (thời điểm chưa có Nghị định 40).

“Những con số nói trên đánh giá Nghị định 40 đi vào cuộc sống, tạo môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp phát triển”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, một con số ấn tượng ông Tuấn nêu ra đó là so với năm 2017 số lượng doanh nghiệp giảm rất nhiều. Giai đoạn 2014-2015, cả nước có 67 doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp. Nhưng đến nay chỉ còn 22 doanh nghiệp.

Thời gian qua, Bộ Công Thương cùng các ban ngành, hiệp hội đã đồng hành, tham gia tích cực để loại bỏ dần các doanh nghiệp làm ăn bất chính, tạo môi trường lành mạnh cho các doanh nghiệp chân chính hoạt động.

THIẾT LẬP KHUÔN KHỔ PHÁP LUẬT RÕ RÀNG

Tuy nhiên, bên cạnh những con số đạt được, vẫn còn nhiều bất cập trong thực hiện Nghị định 40.

Ông Tuấn cho biết hàng năm Bộ Công Thương căn cứ trên báo cáo của các doanh nghiệp, của các sở ban ngành để ban hành báo cáo ngành, đồng thời rà soát các chính sách theo khuôn khổ pháp luật, liên quan tới bán hàng đa cấp.

Qua 2 năm triển khai Nghị định 40, trên cơ sở đề xuất của cơ quan quản lý doanh nghiệp, đặc biệt các Sở Công thương, Cục nhận thấy một số chính sách cần được xem xét điều chỉnh kịp thời, để phù hợp với thực tiễn. Một số quy định cần được điều chỉnh nhằm đảm bảo tính khả thi và phù hợp mục tiêu quản lý.

Đại diện Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cũng thừa nhận việc quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong thời gian qua vẫn có những khe hở của khuôn khổ pháp luật để các đối tượng lợi dụng hoạt động bất chính, hoạt động không phép ảnh hưởng tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

 
Nhiều tổ chức nước ngoài chưa được cấp phép hoạt động kinh doanh đa cấp ở Việt Nam nhưng lôi kéo mạng lưới đa cấp của doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động. Chính điều này đã gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh đa cấp của các doanh nghiệp chân chính tại thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, còn có nhiều hình thức biến tướng xuất hiện gây ảnh hưởng tới cộng đồng xã hội.

Do đó, ông Tuấn nhấn mạnh, cần tạo ra một khuôn khổ pháp luật rõ ràng hơn, minh bạch hơn, làm cơ sở bảo vệ tốt hơn các doanh nghiệp chân chính. Đồng thời, tạo ra công cụ cho các cơ quan quản lý có thể xử lý kịp thời các doanh nghiệp bất chính, đưa ngành bán hàng đa cấp ngày càng phát triển, được xã hội ghi nhận.

Sau khi Bộ Công Thương trình Chính phủ, Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Công Thương xây dựng phương án sửa đổi Nghị định 40.

Dự thảo lần này bổ sung điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với nhà đầu tư nước ngoài; sửa đổi quy định về đăng ký hoạt động tại địa phương; bổ sung quy định về tỷ lệ hoa hồng trên doanh số cá nhân; bổ sung quy định quản lý hoạt động bảo trợ quốc tế…

Căn cứ vào Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ông Tuấn cho biết Cục đã chuẩn bị hồ sơ, công khai các dự thảo, tài liệu, chính sách, lập luận trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời lấy ý kiến của doanh nghiệp để làm thế nào đưa ra các chính sách không gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường.

Việc cân bằng vai trò của cơ quan quản lý và quyền lợi của doanh nghiệp, tạo ra chi phí tuân thủ thấp nhất cho doanh nghiệp… là những đề  bài luôn được đặt ra khi xây dựng văn bản pháp luật.

“Chúng tôi sẽ cố gắng đưa ra đáp án đáp ứng yêu cầu trên, hướng tới mục tiêu chung đó là một khuôn khổ pháp lý minh bạch, tạo lập môi trường kinh doanh đa cấp lành mạnh”, ông Tuấn khẳng định.

Điều này cũng đánh dấu một bước quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam thời gian qua. Theo dự kiến, dự thảo Nghị định sẽ trình Chính phủ vào cuối năm 2021.