18:23 29/07/2021

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn phòng chống dịch bệnh tại các chợ truyền thống

Song Hà

Chợ có vai trò quan trọng trong hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, nên công tác phòng chống dịch cũng được đặt hàng đầu...

Ban quản lý chợ cần đo thân nhiệt cho người đi mua hàng tại cửa chợ.
Ban quản lý chợ cần đo thân nhiệt cho người đi mua hàng tại cửa chợ.

Ngày 29/7, Hội nghị trực tuyến “Phổ biến, tập huấn hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại chợ” do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối tới đầu cầu 63 tỉnh, thành phố.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), với vai trò quan trọng của chợ, đây là một hướng dẫn hết sức cần thiết giúp địa phương chủ động trong phòng chống dịch tại chợ, vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch, vừa bảo đảm hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.

 
Hướng dẫn Phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ” đã được Bộ Công Thương phối hợp xây dựng và Bộ Y tế ban hành (theo Công văn số 5858/BYT-MT ngày 21/7/2021 của Bộ Y tế). Ngay sau khi Bộ Y tế ban hành, Bộ Công Thương đã có Công văn số 4353/BCT-TTTN ngày 22/7/2021 chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh/thành phố để phổ biến, áp dụng.

Theo Bộ Y tế, đối với đơn vị quản lý chợ cần có kế hoạch và phương án phòng, chống dịch. Công khai thông tin liên lạc của cán bộ đầu mối phụ trách công tác này. Ký cam kết với chính quyền địa phương về việc thực hiện, tuân thủ các quy định, khuyến cáo về phòng chống dịch.

Đồng thời, tổ chức mua hàng theo một chiều. Đo thân nhiệt tại cửa chợ, nước sát khuẩn tay; khu vực xếp hàng có kẻ vạch giãn cách; thu, kiểm soát và quản lý thẻ vào chợ, kiểm soát mật độ người vào chợ. Có bố trí phòng, khu vực cách ly theo quy định. Yêu cầu hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện tuân thủ các qui định, hướng dẫn về phòng chống dịch...

Đối với hộ kinh doanh, chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, tuân thủ việc sắp xếp bảo đảm khoảng cách, qui định về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch: vệ sinh khử khuẩn hàng ngày, thông thoáng, khoảng cách, nhắc nhở khách hàng luôn đeo khẩu trang, tuân thủ khoảng cách…

Với khách hàng và người lao động, không đến chợ nếu có một trong các triệu chứng hoặc đang trong thời gian cách ly. Khách hàng đi chợ theo đúng ngày được qui định và nộp thẻ vào chợ tại cổng…

UBND các cấp sắp xếp, bố trí quầy hàng phù hợp, giảm số lượng khách trong cùng thời điểm, thực hiện 5K, hạn chế tiếp xúc gần. Phân chia tần suất đi chợ của người dân trên địa bàn. Tổ chức truyền thông về các yêu cầu, qui định phòng chống dịch…

Giải thích rõ hơn, ông Trần Anh Dũng, Trưởng phòng Quản lý Sức khoẻ môi trường và hoá chất (Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế) nhấn mạnh, hướng dẫn theo Công văn 5858 chỉ áp dụng tại các địa phương theo Chỉ thị 16. Đối với Thẻ đi chợ, tùy theo thực tế địa phương có thể điều chỉnh cho phù hợp.1 thẻ có thể đi nhiều chợ.

Tại hội nghị, ông Hoàng Tiến Dũng, Phó Trưởng phòng Tư vấn ứng dụng CNTT (Trung tâm ứng dụng CNTT Y tế, Cục CNTT, Bộ Y tế) giới thiệu về Bản đồ chống dịch – An toàn COVID-19.

 
Mục tiêu nhằm xây dựng bản đồ các địa điểm bảo đảm an toàn chống dịch bao gồm các trường học và bệnh viện, doanh nghiệp, cơ sở lao động, khách sạn.

 Bản đồ được công bố công khai với các cập nhật thời gian thực từ mỗi đơn vị; cung cấp công cụ bảng kiểm và giao việc tại địa điểm theo các mẫu bảng kiểm được Bộ Y tế quy định; cung cấp công cụ giám sát tình hình bảo đảm an toàn chống dịch tới Ban chỉ đạo để kiểm soát và chỉ đạo việc thực hiện bảo đảm an toàn chống dịch trên phạm vi toàn quốc tại từng cơ sở…

Ông Hoàng Anh Tuấn lưu ý, các địa phương thực hiện đúng theo các văn bản hướng dẫn của Chính phủvà các bộ, ngành. Song ông cũng lưu ý, các địa phương giải quyết vấn đề không cứng nhắc, cần có sự linh hoạt theo tình hình thực tế từng địa phương để công tác phòng chống dịch đáp ứng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh diễn biến dịch phức tạp hiện nay.