14:35 31/05/2019

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tổ chức thực hiện pháp luật đang còn rất yếu

Hà Vũ

Trước khi nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng khẳng định, về tổng quan tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại nghị trường.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại nghị trường.

Phát biểu trong phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về kinh tế, xã hội của Quốc hội ngày 31/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng "xin nhấn mạnh" khâu tổ chức thực hiện pháp luật và nhận thức về vấn đề thực thi pháp luật đang còn rất yếu.

Trước khi nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng khẳng định, về tổng quan tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Sau đó, Bộ trưởng nhấn mạnh ba kết quả chủ yếu.

Thứ nhất, Việt Nam đã giữ vững, ổn định được kinh tế vĩ mô, đó là điều hết sức quan trọng. Tiếp tục kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đạt 7,08%. Đây cũng là lần đầu tiên sau 10 năm đạt được tốc độ cao như thế này và đã quay trở lại thời kỳ mà đạt được tốc độ tăng trưởng trên 7%. Đồng thời, tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với việc gia nhập Hiệp định CPTPP và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển thịnh vượng của mình. Quy mô nền kinh tế chất lượng tăng trưởng, các cân đối lớn của nền kinh tế, cũng đã được nâng lên đáng kể.

Thứ hai, phát triển kinh tế đi đôi với phát triển các lĩnh vực xã hội. Việc thực hiện thành công hai mục tiêu vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng tưởng kinh tế đã thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chăm lo và cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội.

Thứ ba, vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, mở rộng hoạt động quốc tế đã góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích của đất nước. Năm 2018, Việt Nam tiếp tục là điểm đến của cộng đồng quốc tế, sự tín nhiệm để tổ chức nhiều hội nghị quốc tế quan trọng.

Bộ trưởng cũng nhìn nhận nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang còn tồn tại hạn chế mà trong đó có những vấn đề đã tích tụ tồn đọng từ lâu, tác động và gây hậu quả tiêu cực, tạo nên bức xúc xã hội, không dễ một sớm một chiều khắc phục được ngay.

Nổi bật là cấu trúc hạ tầng phục vụ cho sự phát triển của đất nước, nhất là hạ tầng về kỹ thuật, kinh tế - xã hội, trong đó có hạ tầng về giao thông. Mặc dù đã được đầu tư nâng cấp, cải thiện đáng kể trong thời gian qua nhưng so với yêu cầu của phát triển thì chưa đáp ứng được, hiện nay đang là vấn đề gây bức xúc với một số người dân, là điểm nghẽn phát triển của một số địa phương. 

Trình độ khoa học công nghệ quản lý chưa tốt dẫn tới việc đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tuy đạt được một số kết quả nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Hạn chế tiếp theo Bộ trưởng đề cập là mô hình tăng trưởng hiện nay chưa là động lực để phát triển bứt phá và đưa kinh tế nước nhà tiến nhanh, tiến xa trên trường quốc tế và khu vực.

Việc cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực tiếp tục có chuyển biến tích cực nhưng khi đi sâu vào từng ngành, lĩnh vực còn có những yếu tố thiếu bền vững như đơn vị kinh tế quy mô nhỏ lẻ còn nhiều, đất sản xuất còn phân tán và manh mún. Hoạt động sản xuất trong nước còn phụ thuộc nhiều nhập khẩu nguyên liệu đầu vào thay vì đổi mới công nghệ, chưa tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, hệ thống phân phối còn bất cập, thị trường trong nước khai thác chưa hiệu quả, chưa kết nối được hiệu quả thông suốt từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, chi phí dịch vụ hậu cần logistics còn cao, năng lực quản lý xã hội hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển của văn hóa, xã hội và mở cửa hội nhập quốc tế.

Những hạn chế, yếu kém về mặt văn hóa, con người, theo Bộ trưởng cũng đang cản trở sự phát triển của đất nước như tình trạng tha hóa đạo đức, tệ nạn xã hội, vi phạm trong một số lĩnh vực về xã hội mà nguyên nhân chủ yếu là sự đồng bộ của hệ thống pháp luật và tính nghiêm minh khi thực thi pháp luật.

Bộ trưởng nhìn nhận, việc khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên không đơn giản, cần kết hợp giữa những giải pháp ngắn hạn và dài hạn, cần có những giải pháp căn cơ, phát huy các giá trị về văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam.