15:29 27/10/2017

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lên tiếng vụ Khaisilk

Hà Vũ

Hành vi vừa rồi của doanh nghiệp Khaisilk có những dấu hiệu cho thấy sự vi phạm cả luật pháp cũng như nền tảng đạo đức doanh nghiệp

Hành vi vừa rồi của doanh nghiệp Khaisilk, như báo chí phản ánh, thì có những dấu hiệu cho thấy sự vi phạm cả luật pháp cũng như nền tảng đạo đức doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trao đổi với báo chí bên hàng lang Quốc hội, ngày 27/10.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Chính phủ luôn luôn tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp trong việc phát triển thị trường, phát triển sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng các hoạt động đó phải đáp ứng, tuân thủ pháp luật, đặc biệt các nội dung liên quan đến pháp luật bảo vệ lợi ích, quyền lợi người tiêu dùng. Đó là nguyên tắc cơ bản mà các doanh nghiệp đều phải thực hiện.

Theo Bộ trưởng thì "những hoạt động của doanh nghiệp, ngoài yêu cầu của luật pháp, còn phải dựa trên nền tảng đạo đức, văn hóa doanh nghiệp. Hành vi vừa rồi của doanh nghiệp Khaisilk, như báo chí phản ánh, thì có những dấu hiệu cho thấy sự vi phạm cả luật pháp cũng như nền tảng đạo đức doanh nghiệp. Tất nhiên, đạo đức doanh nghiệp là khái niệm hơi trừu tượng, khó định nghĩa ngắn gọn, nhưng có những nền tảng rất cơ bản là tôn trọng lợi ích người tiêu dùng, trung thực trong hoạt động kinh doanh, sản xuất. Hiện nay các cơ quan quản lý, chức năng của Cục quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh và của Hà Nội đang tiến hành xác minh, làm rõ vi phạm của doanh nghiệp".

Trả lời câu hỏi vụ việc Khaisilk sẽ ảnh hưởng thế nào đến thương hiệu quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định, "thương hiệu quốc gia" có phạm trù tương đối rộng và đặt trên nền tảng của các thương hiệu của các ngành kinh tế, doanh nghiệp, sản phẩm, thậm chí là địa phương. Giá trị thương hiệu quốc gia cũng phải được xây dựng dựa trên cơ sở bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thị trường. Chính người tiêu dùng sẽ quyết định sự phát triển của doanh nghiệp, các sản phẩm, ngành hàng cũng như giá trị thương hiệu.

 "Ở vụ việc của Khaisilk thì chưa kết luận cụ thể được mức độ vi phạm đến đâu, những nội dung gì và ở mức độ nào, nên chưa thể nói ngay là sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá trị thương hiệu của sản phẩm nói riêng cũng như thương hiệu Việt nói chung. Nhưng sơ bộ nhận thấy, như báo chí phản ánh, doanh nghiệp có hành vi lừa dối người tiêu dùng bằng cách kinh doanh hàng hóa có xuất xứ không đúng với thông tin về sản phẩm, thương hiệu; làm tổn hại đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng và do đó cũng làm tổn hại trực tiếp đến giá trị thương hiệu Việt. Quan trọng hơn, nó làm tổn thương đến tình cảm, lòng tự tôn dân tộc của người Việt Nam chúng ta", Bộ trưởng nói.

Thừa nhận cơ quan quản lý có phần trách nhiệm khi tình trạng này diễn ra nhiều năm nay, ông Trần Tuấn Anh nói thêm rằng, một thực trạng đáng lưu ý đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập là ý thức, hiểu biết pháp luật Việt Nam và quốc tế liên quan đến bảo hộ quyền tác giả, sở hữu trí tuệ và xuất xứ hàng hóa còn rất yếu.

"Hành vi tiêu dùng của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng cũng còn nương nhẹ, chưa dựa trên nền tảng của sự tôn trọng luật pháp quốc tế đó. Sau khi làm rõ tính chất, mức độ vi phạm của vụ việc này, chúng tôi sẽ xem xét lại trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là của Bộ Công Thương, trong hiểu biết, nhận thức và cách thức thực thi pháp luật, vai trò của Bộ trong tham mưu chính sách", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao đổi.

Đề cập câu chuyện ở làng lụa Vạn Phúc, ông Trần Tuấn Anh cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo cấp dưới làm rõ ở phạm vi rộng lớn hơn - không chỉ ở một làng nghề, địa phương - mà toàn bộ lĩnh vực kinh tế ngành, từ đó nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh khung khổ, cơ chế chính sách, pháp luật.

Về câu hỏi có chuyển vụ việc Khaisilk đến cơ quan điều tra hay không, Bộ trưởng cho biết: "chúng tôi đang tiếp tục, xác minh, làm rõ để đánh giá vi phạm đến đâu, ảnh hưởng như thế nào và đặc biệt có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì mới có thể có cách xử lý phù hợp".