21:47 23/02/2021

Các quỹ đầu tư vơ vét hàng hóa, đặt cược nhu cầu bùng nổ nhờ hiệu ứng kích cầu

An Huy

Giá hàng hóa cơ bản lên mức cao nhất trong khoảng 8 năm, khi giới đầu tư gom mua mọi thứ từ dầu lửa đến ngô

Giá đồng thế giới đã tăng lên mức cao nhất 9 năm.
Giá đồng thế giới đã tăng lên mức cao nhất 9 năm.

Giá hàng hóa cơ bản trên toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong khoảng 8 năm trở lại đây, khi giới đầu tư gom mua mọi thứ từ dầu lửa đến ngô.

Hãng tin Bloomberg cho hay, các quỹ đầu cơ đang đua nhau tham gia vào cuộc đầu cơ giá lên lớn nhất trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây đối với một lớp tài sản. Đây là một cuộc đặt cược tập thể dựa trên niềm tin rằng các gói kích cầu khổng lồ của chính phủ cộng lãi suất gần 0 sẽ "châm ngòi" cho sự bùng nổ của nhu cầu tiêu thụ hàng hàng hóa cơ bản, thúc lạm phát trỗi dậy, và làm suy yếu thêm đồng USD khi nền kinh tế phục hồi từ cú sốc mà đại dịch Covid-19 gây ra.

Bloomberg Commodity Spot Index, chỉ số đo diễn biến giá của 23 hàng hóa cơ bản, tăng 1,6% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (22/2), đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2013. Chỉ số này hiện đã tăng 67% kể từ khi rớt xuống mức đáy 4 năm vào tháng 3 năm ngoái.

Trong phiên này, chỉ số được hỗ trợ mạnh mẽ bởi sự tăng giá của đồng - kim loại công nghiệp đạt mức giá trên 9.000 USD/tấn lần đầu tiên trong 9 năm. Giá dầu cũng tăng mạnh vì những đánh giá rằng nguồn cung dầu toàn cầu đang thắt chặt nhanh chóng. Giá cà phê và giá đường cũng đi lên.

"Những ai đã thực sự bỏ qua hàng hóa cơ bản trong một thời gian dài giờ đang quay lại để mua", ông Bart Melek, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa cơ bản thuộc TD Securities, phát biểu. "Xu hướng này sẽ tiếp tục, vì những kỳ vọng vào sự khan hiếm của hàng hóa".

Đầu tháng này, một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase nói rằng hàng hóa cơ bản có vẻ như đã bắt đầu một siêu chu kỳ mới - một thời kỳ kéo dài trong đó giá hàng hóa sẽ cao hơn nhiều so với xu hướng dài hạn. Nhận định này trùng hợp với quan điểm của các tổ chức dự báo khác như ngân hàng Goldman Sachs. Trong vòng 100 qua, giá hàng hóa cơ bản đã trải qua 4 siêu chu kỳ như vậy.

Hàng hóa cơ bản là một lớp tài sản thường được xem như công cụ tốt để chống lại lạm phát - vấn đề gần đây nổi lên thành một mối lo đối với các nhà đầu tư. Các nhà phân tích của JPMorgan cho rằng sự leo thang của giá hàng hóa cơ bản sẽ là một câu chuyện lớn của cuộc phục hồi kinh tế sau đại dịch, cũng như của môi trường lãi suất siêu thấp và chính sách tài khóa siêu lỏng lẻo.

Giá hàng hóa cơ bản cũng có thể tăng như một hệ quả không được lường trước của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Cuộc chiến này đặt ra nguy cơ siết chặt nguồn cung dầu lửa, trong khi thúc đẩy nhu cầu đối với những kim loại cần thiết để xây dựng cơ sở hạ tầng cho năng lượng tái sinh, sản xuất pin và xe điện - theo báo cáo trên của JPMorgan.

Không chỉ giá đồng mà giá các kim loại khác nói chung, từ quặng sắt cho tới nickel, đều leo thang. Đồng - kim loại công nghiệp được xem là một "hàn thử biểu" của triển vọng kinh tế toàn cầu - đã tăng giá gấp đôi kể từ mức đáy vào tháng 3/2020. Giá đồng còn được đẩy lên bởi sự thắt chặt nhanh chóng của nguồn cung trên thị trường đồng vật chất.

"Những xu hướng lớn mà chúng ta đang chứng kiến liên quan đến sự gia tăng dân số toàn cầu, điện hóa, và dịch chuyển năng lượng, tất cả đều báo hiệu tốt cho nhu cầu hàng hóa cơ bản trong trung đến dài hạn", Tổng giám đốc (CEO) Mike Henry của tập đoàn khai mỏ BHP nhận xét.

Biến động giá hàng hóa cơ bản có ảnh hưởng lớn đến chi phí sinh hoạt vì có thể tác động đến giá xăng dầu, điện, thực phẩm và các dự án xây dựng. Biến động đó cũng có thể tác động đến thương mại, tỷ giá hối đoái, và tình hình chính trị ở những nước có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào hàng hóa cơ bản như Canada, Brazil, Chile và Venezuela.