08:03 21/11/2018

Cải thiện môi trường kinh doanh và những điều hiếm gặp, ít thấy

Hà Vũ

Thực tiễn tốt trong tiếp nhận và phản hồi email, qua đường dây nóng chính là Long An

Báo cáo "Thực hiện nghị quyết 19 và nghị quyết 35 về cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp - góc nhìn từ doanh nghiệp " vừa được công bố sáng 20/11 tại hội thảo của VCCI
Báo cáo "Thực hiện nghị quyết 19 và nghị quyết 35 về cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp - góc nhìn từ doanh nghiệp " vừa được công bố sáng 20/11 tại hội thảo của VCCI

Số điện thoại và email của từng cán bộ đều công khai và việc liên lạc từ lãnh đạo tỉnh đến từng chuyên viên đều rất dễ dàng.

Đó là điều mà theo các tác giả báo cáo "Thực hiện nghị quyết 19 và nghị quyết 35 về cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp - góc nhìn từ doanh nghiệp " vừa được công bố ngày 20/11 cho là tương đối hiếm gặp ở các địa phương khác.

Báo cáo do nhóm chuyên gia của Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện. Ngoài phân tích dữ liệu từ các khảo sát doanh nghiệp của VCCI liên quan đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và một số ngành, lĩnh vực, nhóm tác giả đã thực hiện 36 cuộc phỏng vấn sâu tại 7 tỉnh.

Đối tượng phỏng vấn bao gồm các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp hạ tầng trong các khu công nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, luật sư và một số cán bộ nhà nước.

Bên cạnh các thông tin chung, báo cáo có nhiều ví dụ về thực tiễn tốt trong cải thiện mô trường kinh doanh.

Long An tận tình, chu đáo

Thực tiễn tốt trong tiếp nhận và phản hồi email, qua đường dây nóng chính là Long An.

Nhóm tác giả cho biết, Nghị quyết 35 yêu cầu các chủ tịch tỉnh phải công khai đường dây nóng, email hoặc số điện thoại để giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo kết quả của nhóm nghiên cứu thì biện pháp này không mang lại nhiều hiệu quả. Đa số các doanh nghiệp có quy mô trung bình và nhỏ không biết đến đường dây nóng hay email để liên hệ, hoặc có thể họ biết nhưng không bao giờ sử dụng biện pháp đường dây nóng vì nhiều lý do khác nhau.

Tuy nhiên, tại một số tỉnh có những doanh nghiệp lớn, mang tính nhà đầu tư chiến lược thì luôn có thể gọi điện đến số điện thoại cá nhân của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở ngành để nêu kiến nghị.

Khi nhóm nghiên cứu hỏi các doanh nghiệp, luật sư có kinh nghiệm tiếp xúc với chính quyền các tỉnh thành phố trong khu vực kinh tế Đông Nam Bộ xem tỉnh nào có cán bộ năng động, nhiệt tình nhất trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, tất cả đều nói về Long An.

Mặc dù hệ thống công nghệ thông tin, đăng tải thông tin trên website của Long An không bằng Bình Dương, Tp.HCM, nhưng số điện thoại và email của từng cán bộ của Long An đều được đăng tải trên website. Rất nhiều doanh nghiệp đều thừa nhận việc liên lạc với cán bộ trong tỉnh, từ cấp lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở ngành cho đến từng chuyên viên, đều rất dễ dàng và nhận được sự hướng dẫn tận tình, chu đáo và thân thiện.

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh đây là điều tương đối hiếm gặp ở các địa phương khác. Hầu hết các địa phương đều có đăng tải số điện thoại và email của cán bộ lên website tỉnh, tuy nhiên, khi doanh nghiệp gọi điện đến thì không được trả lời hoặc trả lời một cách chiếu lệ, hình thức. Do việc trả lời email và điện thoại này hiếm khi nào được giám sát nên rất khó để tạo động lực cho các cán bộ thực hiện tốt. 

Bắc Ninh công khai kế hoạch thanh tra

Trong minh bạch công tác thanh tra, kiểm tra thì thực tiễn tốt gắn với Bắc Ninh.

Báo cáo phản ánh, các doanh nghiệp có đánh giá khá khác nhau về tình trạng thanh kiểm tra, một số doanh nghiệp ghi nhận chuyển biến tích cực, nhưng khá nhiều doanh nghiệp vẫn phản ánh tình trạng bị thanh kiểm tra quá nhiều lần và có nội dung trùng lặp.

Hầu hết các doanh nghiệp được hỏi ý kiến cho biết họ chưa bao giờ tiếp một đoàn kiểm tra liên ngành nào. Các cơ quan có chức năng thanh kiểm tra vẫn đi riêng, kiểm tra riêng, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian. Theo điều tra PCI, các cơ quan thanh kiểm tra doanh nghiệp nhiều nhất trong năm 2017 là cơ quan thuế, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cơ quan quản lý thị trường. Theo đó, có đến 43% số doanh nghiệp bị thanh kiểm tra về thuế, 30% về an toàn phòng chống cháy nổ và 20% về quản lý thị trường. 

Các cuộc phỏng vấn đối với cơ quan nhà nước cũng đã cho thấy một số biện pháp của các cơ quan để giảm tần suất và sự chồng chéo trong hoạt động thanh kiểm tra doanh nghiệp. Một số cơ quan đã chủ động rà soát kế hoạch thanh tra của các cơ quan khác để tránh trùng lặp. Một số địa phương bắt đầu giao cho thanh tra tỉnh điều phối toàn bộ hoạt động thanh tra của các sở ngành trong tỉnh để tránh việc một doanh nghiệp bị thanh kiểm tra nhiều lần.

Đặc biệt UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản yêu cầu các sở ngành phải công khai kế hoạch thanh tra doanh nghiệp của mình lên website của tỉnh, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Cụ thể, tháng 12/2017, UBND tỉnh Bắc Ninh có văn bản yêu cầu các sở ngành phải phối hợp với thanh tra tỉnh để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm, bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp. Công khai danh sách doanh nghiệp theo kế hoạch trên website tỉnh trước ngày 31/12 hàng năm. Doanh nghiệp được cung cấp số điện thoại để phán ánh đến Chủ tịch UBND tỉnh khi bị thanh kiểm tra quá 2 lần không đúng quy định. Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh không xét thi đua đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại công văn đó.

Như vậy, khi các đoàn thanh tra đến, các doanh nghiệp tại Bắc Ninh chỉ cần lên website của tỉnh và tìm kế hoạch thanh tra, nếu không có tên doanh nghiệp ở đó thì có quyền từ chối đoàn thanh tra.

Biện pháp này, theo các tác giả báo cáo, mặc dù chưa giải quyết được toàn bộ những khó khăn của doanh nghiệp khi bị thanh kiểm tra quá mức, nhưng cũng đã được nhiều doanh nghiệp ghi nhận. Tuy nhiên, đến tháng 10/2018, theo ghi nhận của VCCI trên website của UBND tỉnh Bắc Ninh mới chỉ có 2 danh sách doanh nghiệp bị thanh kiểm tra trong năm 2018.