17:11 31/03/2022

Cần một cơ chế bình ổn giá cao su, đảm bảo lợi ích của các bên

Chu Khôi

Giá cao su vẫn đang trong xu hướng tiếp tục tăng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cao su 3 tháng đầu năm ước đạt 746 triệu USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước…

Xuất khẩu cao su năm 2021 tăng 11,7% về lượng, nhưng tăng tới 36,2% về trị giá.
Xuất khẩu cao su năm 2021 tăng 11,7% về lượng, nhưng tăng tới 36,2% về trị giá.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc suy giảm mạnh cả về lượng và giá trị. Tuy nhiên, xuất khẩu cao su của Việt Nam đã tăng mạnh ở nhiều thị trường khác: Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ... nhờ vậy khối lượng cao su xuất khẩu vẫn tăng nhẹ.

Mặt khác, giá cao su xuất khẩu bình quân của Việt Nam tăng 6,8% so cùng kỳ năm trước, đã góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2021.

GIÁ CAO SU TIẾP TỤC XU HƯỚNG TĂNG

Trước đó, xuất khẩu cao su năm 2021 đạt 1,93 triệu tấn, đem về 3,24 tỷ USD. Nhờ giá liên tục tăng cao, nên dù lượng cao su xuất khẩu chỉ tăng 11,7%, nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng đến 36,2% so với năm 2020.

 

"Với vị trí thứ 3 toàn cầu về giá trị xuất khẩu, cao su Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh việc giá cao su xuất khẩu tăng mạnh, thành công của xuất khẩu cao su còn đến từ việc cao su Việt Nam đang ngày càng thâm nhập sâu hơn vào nhiều thị trường quan trọng".

Hiệp hội Cao su Việt Nam.

Xuất khẩu cao su tăng trưởng mạnh ở nhiều thị trường như Mỹ, EU, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ... Đặc biệt với thị trường Mỹ, xuất khẩu cao su của Việt Nam đã chiếm lĩnh 2,4% thị phần tại thị trường này trong 2 tháng đầu năm 2022, cao hơn so với tỷ lệ 1,9% của năm 2020 và 2,2% của năm 2021.

Bên cạnh đó, trong 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su sang thị trường  Hàn Quốc cũng tăng trưởng khá tốt, với  8.220 tấn, trị giá 15,31 triệu USD, tăng 10,4% về lượng và tăng 7,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc đã nhập khẩu 84.200 tấn cao su; trị giá 177,74 triệu USD, giảm 0,4% về lượng, nhưng tăng 8,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Đáng lưu ý, thị phần cao su Việt Nam chiếm 9,8% trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hàn Quốc, tăng so với mức 8,8% cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bộ Thương mại Ấn Độ, trong năm 2021, Ấn Độ nhập khẩu 1,2 triệu tấn cao su, trị giá 3,75 tỷ USD, tăng 34,8% về lượng và tăng 37,5% về trị giá so với năm 2020.

Trong năm 2021, Việt Nam là nguồn lớn thứ 3 cung cấp cao su cho Ấn Độ với 125,95 nghìn tấn, trị giá 243,56 triệu USD, tăng 85,9% về lượng và tăng 142,3% về trị giá so với năm 2020. Cao su nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 10,5% trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Ấn Độ, tăng so với mức 7,6% của năm 2020.

Về cung cầu cao su trên thế giới, Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) cho biết, nhu cầu cao su toàn cầu đã tăng mạnh khi diễn biến đại dịch Covid-19 trở nên phức tạp.

Lĩnh vực y tế cần bổ sung rất nhiều sản phẩm liên quan đến cao su, đặc biệt là găng tay. Mức giá trung bình hằng năm của găng tay y tế nhập khẩu vào Mỹ đã tăng vọt từ 56 cents/10 đôi vào năm 2019 lên 1,77 USD vào năm 2021.

Giá tăng kết hợp nhu cầu cao hơn đã chứng kiến kim ngạch nhập khẩu găng tay cao su vào Mỹ năm 2021 đạt 7 tỷ USD, cao gấp 3 lần so 2,3 tỷ USD vào năm 2020. Hầu hết nguồn cung cấp găng tay cao su trên thế giới được sản xuất ở Đông Nam.

Uớc tính sản lượng cao su toàn cầu năm 2022 đạt khoảng 14,55 triệu tấn và thế giới đã thiếu hụt khoảng 200.000 tấn cao su tự nhiên. Vì vậy, triển vọng ngành cao su năm 2022 sẽ vẫn rất sáng sủa, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.

Trên thị trường thế giới, ngày 30/3/2022, giá cao su kỳ hạn đồng loạt tăng trên các sàn trọng điểm tại khu vực châu Á, bao gồm sàn Osaka và Thượng Hải.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 30/3/2022, kỳ hạn tháng 8/2022, tăng mạnh lên mức 255,5 JPY/kg, tăng mạnh 3 Yên, tương đương 1,19%. Tại Nhật Bản, giá cao su đã tăng lên mức cao nhất trong 1 năm qua do giá dầu mạnh lên.

Tại Trung Quốc ngày 30/3/2022, giá cao su kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn Thượng Hải tăng mạnh 160 CNY, lên mức 13.420 CNY/tấn, tương đương 1,21%.

Nhìn toàn cảnh trong tháng 3/2022, giá cao su tại thị trường châu Á bị tác động bởi diễn biến của thị trường dầu thô và lo ngại tác động của cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine. Giá dầu thô tăng cao đã khiến giá cao su nhân tạo (được sản xuất với nguyên liệu chính là dầu), kéo theo giá cao su thiên nhiên cũng tăng.

Tại Thái Lan, giá mủ cao su tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua; giá cao su RSS3 chào bán ở mức 67,1 Baht/kg (tương đương 2,09 USD/kg), tăng 4% so với tháng 2/2022 và tăng 2,3% so cùng kỳ năm 2021. Thái Lan là nước sản xuất và xuất khẩu cao su tự nhiên hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 1/3 sản lượng cao su toàn cầu mỗi năm.

ĐỀ XUẤT MỘT CƠ CHẾ BÌNH ỔN GIÁ CAO SU 

Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) hiện đang trong quá trình nghiên cứu và hướng tới việc đề xuất một Cơ chế Giá Bền vững (Sustainable Price Mechanism – SPM) nhằm đảm bảo tính lành mạnh, bền vững trong chuỗi giá trị ngành cao su thiên nhiên.

Cơ chế sẽ bảo vệ lợi ích của tất cả các bên liên quan (bao gồm cả nông dân trồng cao su, các nhà máy chế biến cao su, các đối tác tiêu dùng cao su) bằng cách đưa ra một phạm vi giá, bao gồm mức giá tối thiểu và tối đa, đồng thời cho phép giá chuyển động trong một biên độ được chỉ định để đảm bảo tính thanh khoản đầy đủ trên thị trường.

 

Để bắt đầu, ANRPC đề xuất SPM sẽ chuẩn giá với TSR 20 FOB. như sau: giá tối thiểu: 220 US cent/kg (2.200 USD/tấn); giá tối đa: 350 US cent/kg (3.500 USD/tấn). Xem xét diễn biến giá hàng tháng trong quá khứ của hợp đồng tương lai TSR-20 tại Sàn giao dịch Singapore từ tháng 7/1997 đến tháng 12/2020, chỉ có 39 tháng trong tổng số 282 tháng có giá cao hơn mức giá tối đa đề xuất của Cơ chế giá bền vững; 56 tháng trong tổng số 282 tháng có giá nằm trong khoảng giá tối thiểu và tối đa được đề xuất; 187 trong tổng số 282 tháng, gần 66% của giai đoạn này, nơi giá thấp hơn mức giá tối thiểu đề xuất.

Để nội dung cơ chế giá được đề xuất phù hợp với thực tế, với vai trò là thành viên của ANRPC, Hiệp hội Cao su Việt Nam tiến hành khảo sát các hội viên về vấn đề này từ ngày 7/3/2022 – 6/4/2022.

Theo dự thảo Cơ chế giá bền vững (SPM), cơ chế được đề xuất để thiết lập phạm vi giá cao su trên cơ sở lấy điểm chuẩn sử dụng giá TSR 20 giao lên tàu, giá FOB). Mức giá chênh lệch giữa giá tối thiểu và giá tối đa là 130 US cent/kg, (hoặc 1.300 USD/tấn).

Các Chính phủ thành viên ANRPC có thể thực thi định giá SPM bằng cách lấy điểm chuẩn theo giá giao lên tàu (FOB) hoặc giá tại vườn. Nếu bất kỳ loại cao su nào được đề xuất xuất khẩu vượt quá giá mục tiêu SPM đặt ra, thì giấy phép xuất khẩu sẽ không được cấp.

Các Chính phủ quốc gia sẽ tính giá bán tại vườn phù hợp trên cơ sở của giá SPM. Ví dụ, nếu sự khác biệt giá FOB và giá tại vườn ở quốc gia A là 35 US cent, thì giá tại vườn nên được kiểm soát ở mức 185 US cent, và nếu sự khác biệt giá FOB. và giá tại vườn ở quốc gia B là 50 US cent, thì giá tại vườn nên được kiểm soát ở mức 170 US cent. 

Việc thực hiện cơ chế này sẽ được điều chỉnh theo quy định pháp luật ở các quốc gia tương ứng. Bất kỳ ai đưa ra bất kỳ giá mua hoặc giá bán nào vượt quá giá mục tiêu, cả giá tối thiểu hay giá tối đa đều bị coi là vi phạm luật hoặc quy định và phải chịu phạt theo luật hoặc quy định ở các quốc gia tương ứng.