08:29 17/05/2019

Căng thẳng Trung Đông đưa giá dầu lên đỉnh 2 tuần

Diệp Vũ

Căng thẳng gia tăng tại “vựa dầu” của thế giới, khi Saudi Arabia tiến hành các cuộc không kích nhằm vào Yemen

Một giàn khoan dầu ngoài khơi Libya - Ảnh: Reuters/CNBC.
Một giàn khoan dầu ngoài khơi Libya - Ảnh: Reuters/CNBC.

Giá dầu thế giới có lúc tăng tới 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm do căng thẳng leo thang ở khu vực Trung Đông, khi một liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đã tiến hành không kích nhằm trả đũa những cuộc tấn công gần đây nhằm vào các cơ sở dầu lửa của nước này.

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,85 USD/thùng, tương đương tăng 1,4%, chốt ở 62,87 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu Brent trong 2 tuần.

Tại thị trường London, giá dầu Brent giao sau tăng 0,85 USD/thùng, tương đương tăng 1,2%, chốt ở 72,62 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent chạm mốc cao nhất 3 tuần.

Hãng tin CNBC cho biết, liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen đã thực hiện nhiều cuộc không kích nhằm vào thủ đô Sanaa của nước này, nơi lực lượng Houthi đang nắm quyền kiểm soát. Các cuộc không kích này diễn ra sau khi Houthi, lực lượng thân Chính phủ Iran, đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái (drone) nhằm vào hai cơ sở dầu lửa của Saudi Arabia hồi đầu tuần này.

"Đã xảy ra một cuộc không kích lớn vào lực lượng Houthi thân Iran ở Yemen vào ngày hôm nay. Cho tới khi tình hình xuống thang, thì giá dầu khó có cơ hội giảm xuống", nhà giao dịch Bob Yawger thuộc Mizuho nhận định. "Thị trường dầu đang đứng trước nhiều rủi ro địa chính trị".

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Saudi Arabia đã cáo buộc Iran ra lệnh tiến hành vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái nói trên. Vụ tấn công diễn ra sau khi 4 tàu chở dầu, trong đó có 2 tàu của Saudi Arabia, bị tấn công ở vùng biển ngoài khơi Các tiểu vương quốc Arab (UAE) vào hôm Chủ nhật.

Những diễn biến căng thẳng này đã làm gia tăng nỗi lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung dầu ở Trung Đông, nơi được coi là "vựa dầu" của thế giới. Hôm thứ Tư, các nhà ngoại giao Mỹ đã được lệnh rút khỏi đại sứ quán Mỹ ở Baghdad vì lo ngại khả năng tấn công từ Iran.

Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Iraq Thamer Ghadhban ngày thứ Năm cho biết các công ty dầu lửa nước ngoài ở nước này nói vẫn hoạt động bình thường ở Iraq, quốc gia láng giềng với Iran.

Trong khi đó, các công ty vận tải biển và lọc dầu ở châu Á đã đặt các tàu di chuyển tới khu vực Trung Đông trong tình trạng cảnh báo, đồng thời dự báo về khả năng gia tăng phí bảo hiểm hàng hải sau các vụ tấn công gần đây.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javid Zarif rằng ông lo tình hình Trung Đông "đang trở nên rất căng thẳng".

Ngoài ra, thị trường dầu toàn cầu vẫn đang lo việc liệu Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga có tiếp tục thực thi thỏa thuận cắt giảm sản lượng - nhân tố chính đưa giá dầu tăng hơn 30% từ đầu năm đến nay.

Ông Ghadhan cho biết cuộc họp tiếp theo của OPEC trong tháng 6 sẽ đánh giá về kết quả thực hiện thỏa thuận và xác định có gia hạn thỏa thuận qua tháng 6 hay không.

Hôm thứ ba, OPEC nói nhu cầu của thế giới đối với dầu OPEC trong năm nay sẽ cao hơn dự kiến.

Thống kê của Chính phủ Mỹ cho thấy lượng tồn kho dầu thô của nước này lên mức cao nhất kể từ năm 2017. Dữ liệu này hạn chế mức tăng của giá dầu. Tuy nhiên, tồn kho xăng giảm xuống lại có tác dụng hỗ trợ giá dầu.