09:43 26/12/2019

Cảnh báo nguy cơ độc quyền về dịch vụ thông tin tín dụng

Nguyễn Lê

Dịch vụ thông tin tín dụng là lĩnh vực rất tiềm năng tại Việt Nam, nhưng hiện nay mới chỉ có một công ty thông tin tín dụng được thành lập

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI trình bày bào cáo.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI trình bày bào cáo.

Dịch vụ thông tin tín dụng là lĩnh vực rất tiềm năng tại Việt Nam, nhưng hiện nay mới chỉ có một công ty thông tin tín dụng được thành lập.

Thực tế này được nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra tại báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2019", được công bố tại hội thảo sáng 26/12.

Loạt báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh là một sáng kiến VCCI nhằm định kỳ hàng năm ghi lại bức tranh pháp luật kinh doanh của Việt Nam trong mỗi 6 tháng hoặc một năm. Sáng kiến này được bắt đầu từ đầu năm 2018 và báo cáo nói trên là số thứ ba trong chuỗi ấn phẩm này.

Nhiều quy định pháp luật trong năm 2019 có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam đã được điểm lại tại báo cáo năm nay.

Điều kiện quá ngặt nghèo 

Nhấn mạnh một trong những nguyên tắc quan trọng khi xây dựng các chính sách kinh tế là cần thúc đẩy cạnh tranh, tăng cơ hội lựa chọn cho người sử dụng dịch vụ hoặc mua bán hàng hoá và hạn chế tối đa nguy cơ để nảy sinh độc quyền, song báo cáo chỉ ra rằng thực tiễn xây dựng pháp luật trong năm 2019 thì có nơi, có lúc nguyên tắc này vẫn chưa được nhiều cơ quan soạn thảo chú trọng, thậm chí có quy định còn làm trầm trọng thêm tình trạng độc quyền trên thị trường.

Câu chuyện về dịch vụ thông tin tín dụng là một điển hình.

Các tác giả báo cáo cho rằng, đây lĩnh vực rất tiềm năng tại Việt Nam, nhưng hiện nay mới chỉ có một công ty thông tin tín dụng được thành lập. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là các điều kiện pháp lý để xin phép thành lập công ty thông tin tín dụng là quá khó khăn và cao một cách bất hợp lý tại nghị định 10/2010/NĐ-CP2.

Trong đó, đáng kể nhất là quy định công ty thông tin tín dụng phải được ít nhất 15 ngân hàng cam kết cung cấp thông tin và các ngân hàng này không có cam kết tương tự với công ty thông tin tín dụng khác.

Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng dự thảo nghị định thay thế nghị định về hoạt động thông tin tín dụng, trong đó vẫn duy trì quy định trên. Đây là vấn đề gây tranh luận lớn trong quá trình soạn thảo, báo cáo nhấn mạnh.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, quy định như vậy sẽ khiến một nhà đầu tư muốn gia nhập thị trường dịch vụ thông tin tín dụng phải cùng một lúc thuyết phục được 15 ngân hàng hợp tác với mình. Nếu các ngân hàng đó đang hợp tác với công ty thông tin tín dụng khác thì phải phá bỏ hợp đồng hợp tác cũ và chuyển sang một nhà cung cấp dịch vụ mới. Một ngân hàng cũng sẽ chỉ đồng ý phá bỏ hợp đồng với đối tác cũ và chuyển sang công ty mới khi biết chắc rằng có ít nhất 14 ngân hàng khác cũng làm điều tương tự.

Do đó, quy định này sẽ khiến việc thành lập mới công ty thông tin tín dụng là điều bất khả thi và rất dễ dẫn đến nguy cơ độc quyền trong loại dịch vụ này.

Hoạt động thẩm định phim thiếu cạnh tranh

Một câu chuyện khác cũng được ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI đề cập là việc thiếu cạnh tranh trong hoạt động thẩm định phim.

Khẳng định việc kiểm duyệt nội dung các bộ phim trước khi được chiếu ở rạp là điều cần thiết, tuy nhiên, theo báo cáo thì cơ chế kiểm duyệt có thể được thiết kế rất đa dạng, từ việc tự kiểm duyệt của nhà sản xuất, kiểm duyệt của doanh nghiệp phát hành phim, kiểm duyệt của một đơn vị độc lập khác cho đến việc kiểm duyệt của một cơ quan nhà nước.

Còn quy định của Luật Điện ảnh hiện nay đang tạo ra cơ chế độc quyền về kiểm duyệt phim khi cả nước chỉ có duy nhất một Hội đồng thẩm định phim quốc gia làm dịch vụ này. Một nhà sản xuất hoặc nhập khẩu phim buộc phải mang phim của mình đến Hội đồng này mà không có sự lựa chọn nào khác.

Trong khi đó, nhìn sang lĩnh vực xuất bản thì cơ chế có sự cạnh tranh cao hơn rất nhiều. Hiện cả nước có khoảng 60 nhà xuất bản được cấp phép. Một tác giả viết sách có thể lựa chọn mang sách của mình đến cho nhà xuất bản này hoặc nhà xuất bản khác. Nhà xuất bản sẽ làm dịch vụ thẩm định, kiểm duyệt nội dung tác phẩm trước khi xuất bản đến với công chúng. Nếu một nhà xuất bản thực hiện công việc chậm trễ, không nhiệt tình hỗ trợ tác giả thì tác giả có quyền mang bản thảo đến nhà xuất bản khác. Sách chỉ cần được bất kỳ một nhà xuất bản nào đồng ý là có thể được công bố. Với một cơ chế như vậy thì mỗi năm Việt Nam có đến 32.000 đầu sách được xuất bản.

Các tác giả bản báo cáo cho rằng, điều này sẽ không thể có được nếu như dịch vụ thẩm định và kiểm duyệt sách cũng dựa vào một hội đồng độc quyền như trong lĩnh vực điện ảnh.

Do đó, báo cáo cho rằng, thay vì chỉ có một hội đồng để thẩm định, kiểm duyệt và cấp phép cho từng bộ phim, Nhà nước hoàn toàn có thể tạo một cơ chế cạnh tranh hơn. Nhà nước có thể cấp phép cho nhiều đơn vị làm dịch vụ thẩm định, kiểm duyệt phim khi đơn vị đó đủ điều kiện và tiến hành hậu kiểm đối với các đơn vị đó. Các đơn vị này sẽ cạnh tranh với nhau trên thị trường để cung cấp dịch vụ thẩm định, kiểm duyệt phim cho các nhà sản xuất, nhập khẩu phim. Sự cạnh tranh giữa các đơn vị dịch vụ chắc chắn sẽ giúp tháo gỡ nhiều nút thắt cho thị trường giải trí điện ảnh của Việt Nam.