14:20 30/10/2018

Chất vấn trực tiếp, đại biểu "truy" giải pháp chống lợi ích nhóm

Nguyên Vũ

Sau phần nghe báo cáo, từ 10h sáng 30/10 Quốc hội bắt đầu phần chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp

Đại biểu Trần Văn Mão chất vấn về giài pháp chống "sân sau", nhóm lợi ích.
Đại biểu Trần Văn Mão chất vấn về giài pháp chống "sân sau", nhóm lợi ích.

Sau phần nghe báo cáo, từ 10h sáng 30/10 Quốc hội bắt đầu phần chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp.

Lúc này đã có 121 đại biểu đăng ký chất vấn.

Không theo nhóm vấn đề mà "quét" lại toàn bộ các nội dung đã chất vấn từ đầu nhiệm kỳ nên nội dung chất vấn rộng, từ giải quyết ô nhiễm sông Nhuệ sông Đáy, việc thực hiện chức danh hàm, đến phòng chống tham nhũng, chống tội phạm...

Dẫn nhận định từ báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp, bên cạnh tham nhũng vặt thì tham nhũng tại các doanh nghiệp sân sau, nhóm lợi ích đang gây bức xúc, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) chất vấn về giải pháp của Thanh tra Chính phủ để đẩy lùi bức xúc đó. 

Trả lời, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nói, với kết quả đạt được thời gian qua thì tham nhũng đã được ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm, tuy nhiên tình hình vẫn diễn biến phức tạp do vậy các cơ quan chức năng tiếp tục xem đây là trọng tâm, tập trung đẩy mạnh các giải pháp phòng chống.

Ông Lê Minh Khái nêu một số giải pháp như tuyên truyền để người dân nắm vững pháp luật, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng với nhiều giải pháp về phòng ngừa, về xử lý việc kê khai tài sản không đúng... 

Cần nhất, theo ông Khái  là hoàn thiện luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), nhất là về quy định kê khai tài sản, xử lý tài sản bất minh của cán bộ mà Quốc hội kỳ họp này dự kiến thông qua.

Sử dụng quyền tranh luận, đại biểu Trần Văn Mão nêu lại nhận định của Uỷ ban Tư pháp là đã làm rất nhiều giải pháp để chống tham nhũng nhưng các biểu hiện phức tạp như lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau, công ty gia đình ngày càng bộc lộ. Vậy cách nào để ngăn chặn tình trạng này?

Cũng liên quan đến phòng chống tham nhũng, báo cáo của Chính phủ trình bày đầu phiên họp sáng nhận định công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế được đẩy mạnh, là điểm sáng trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian gần đây. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được điều tra, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, được nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình ủng hộ.

Cũng tại kỳ họp này, thẩm tra báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nhận định, mặc dù Luật Phòng chống tham nhũng đã quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không được tham gia thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp, không được để người thân thích kinh doanh trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực mình trực tiếp phụ trách... 

Nhưng qua giám sát, phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy, việc thực hiện các quy định này còn chưa nghiêm, có biểu hiện "nhóm lợi ích", móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo "sân sau", "công ty gia đình", dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án, thâu tóm đất công, cho vay sai nguyên tắc, rút tiền của nhà nước…

Phần chú thích chân trang của báo cáo, cơ quan thẩm tra dẫn lại lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng góp ý cho đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ: "nhiều lãnh đạo tỉnh có cả doanh nghiệp sân sau đặt trụ sở ngay tại nhà mình, không nghĩ phát triển cho tỉnh mà chỉ nghĩ đi xin Trung ương, được dự án nào thì nghĩ cách tạo lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm, ủng hộ tùy tiện nhà thầu này, nhà thầu kia..."