09:49 26/10/2017

Chính phủ chính thức báo cáo về Metro Bến Thành - Suối Tiên

Nguyên Vũ

Dự án dự kiến hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành năm 2020, chậm 2 năm so với kế hoạch ban đầu

Dự án dự kiến sẽ chậm tiến độ 2 năm.
Dự án dự kiến sẽ chậm tiến độ 2 năm.

Việc bố trí Kế hoạch vốn ODA năm 2017 và trung hạn giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 chưa đáp ứng theo nhu cầu, Chính phủ gửi báo cáo đến Quốc hội về dự án metro Bến Thành - Suối Tiên Tp.HCM.

Đây cũng là dự án mà trước thềm kỳ họp này đã được cả Chủ tịch và Phó chủ tịch Quốc hội khẳng định chưa nhận được báo cáo, khi mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói rằng sẽ "xảy ra vấn đề lớn" nếu không kịp thời xử lý.

Báo cáo hoàn thành ngày 22/10, người ký là Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Trương Quang Nghĩa, người vừa được Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chiều 25/10.

2020 sẽ hoàn thành

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Tp.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên bắt đầu thực hiện tháng 3/2007 và dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2018. Tuy nhiên, do việc chậm trễ trong công tác giải tỏa và phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành tích hợp giữa các tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2, số 3a và số 4 nên thời gian hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành toàn tuyến năm 2020 (Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải có văn bản đồng ý điều chỉnh thời gian hoàn thành Dự án).

Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án đã được UBND Tp.HCM phê duyệt năm 2007 là gần 126,6 tỷ Yên (tương đương gần 17,4 nghìn tỷ đồng, gần 1,1 tỷ USD theo tỷ giá thời điểm đó). Tuy nhiên, năm 2011, Tp.HCM đã phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 236,626 tỷ Yên (tương đương hơn 47,3 nghìn tỷ VNĐ, tương đương gần 2,5 tỷ USD). Bao gồm: vốn vay ODA của Nhật chiếm 88,4% với số tiền hơn 41,8 nghìn tỷ đồng. Vốn đối ứng từ ngân sách thành phố là phần còn lại, khoảng gần 5,5 nghìn tỷ đồng.

Nguyên nhân tổng mức đầu tư tăng gấp 3 được Bộ Giao thông vận tải giải thích do sự biến động khách quan của giá nguyên liệu, nhiên liệu và việc tăng mức lương tối thiểu từ năm 2006 đến năm 2009. Bên cạnh đó, dự án tăng khối lượng xây dựng gồm tăng đầu tư cho đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga nhằm đáp ứng nhu cầu tăng lưu lượng hành khách dự báo vào năm mục tiêu thiết kế là năm 2040 (thay vì năm 2020 như trong dự án đầu tư); áp dụng các trang thiết bị, hệ thống tiên tiến, đầu tư đầy đủ cho xưởng bảo trì sửa chữa, cho tòa nhà trung tâm điều khiển cho cả hệ thống đường sắt đô thị của thành phố và đầu tư cho trụ sở của Công ty Vận hành và bảo dưỡng đường sắt đô thị.

Mặt khác, cập nhật tỷ giá Yên Nhật - Việt Nam đồng cũng mang đến những thay đổi đáng kể (tổng mức đầu tư bằng Yên Nhật chỉ tăng gần gấp 2, nhưng bằng tiền Việt Nam tăng gấp 3 - pv); tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá cũng được cập nhật theo quy định mới, tính toán cho đến năm 2019.

Dự án đã ký được 3 Hiệp định với tổng số vốn vay là 155,364 tỷ Yên Nhật, trong đó hiệp định số 3 – mới nhất, ký tháng 5/2016 với tổng số vốn vay là 90,175 tỷ Yên Nhật, nhưng lũy kế từ khởi đầu Dự án đến thời điểm báo cáo mới giải ngân được hơn 59 tỷ Yên, đạt 38% tổng vốn của 3 Hiệp định vay đã ký.

Đánh giá chung về tiến độ thực hiện, báo cáo nêu rõ, dự án hoàn thành xây dựng vào năm 2017 và đưa vào khai thác vận hành năm 2018. Tuy nhiên, do việc chậm trễ trong giải phóng mặt bằng gói thầu số 2; phân chia gói thầu số 1 thành gói thầu 1a và gói thầu 1b; xử lý tình huống đấu thầu của gói thầu số 3 và gói thầu 1b; thay đổi quy trình thẩm tra, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán, xây dựng cơ chế riêng về thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự toán đối với các dự án đường sắt đô thị… đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các gói thầu.

Dự án dự kiến hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành năm 2020.

Chậm do thiếu vốn

Theo Chính phủ thì việc bố trí kế hoạch ODA không đạt yêu cầu làm dự án bị chậm trễ. Cụ thể, giai đoạn 2016 – 2020, dự án cần gần 21 nghìn tỷ đồng, nhưng mới được giao vốn 7,5 nghìn tỷ đồng, đáp ứng 36% nhu cầu. Kế hoạch năm 2017 cần hơn 5,4 nghìn tỷ, mới được giao hơn 2,1 nghìn tỷ, đáp ứng 39%. Do đó, riêng năm 2017 còn thiếu 3,3 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2016 – 2020 còn thiếu hơn 13,4 nghìn tỷ đồng.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.

Như VnEconomy đã thông tin, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã trao đổi với báo chí xung quanh dự án này.

Theo Bộ trưởng Dũng, khi dự án đội vốn lên 47.000 tỷ, thì phải báo cáo Quốc hội (theo quy định, trên 35.000 tỷ thì phải báo cáo Quốc hội).

Để tháo gỡ, theo Bộ trưởng là phải cấp có thẩm quyền phải phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh, hai là phải thống nhất về cơ chế cấp phát và vay lại, cấp bao nhiêu, thành phố bỏ ra bao nhiêu? "Tăng lên 47 nghìn tỷ thì ai là người công nhận tăng lên 47.000, ai là người quyết định phần 35 nghìn tỷ thêm đó thì trung ương bỏ ra bao nhiêu, địa phương bỏ ra bao nhiêu? Không có cái đó thì không thể đưa vào kế hoạch trung hạn, mà không đưa vào kế hoạch thì không thể bố trí. Còn phần cũ đã bố trí đủ, còn bố trí tạm vượt lên 2.000 tỷ", Bộ trưởng nêu một loạt việc khó.

Về trách nhiệm để xảy ra chậm trễ,  Bộ trưởng cho rằng có cả của Tp.HCM , Bộ Giao thông - vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư "là thiếu sự đôn đốc".

Bộ trưởng cũng cho rằng cách hiểu hiện nay của Tp.HCM đối với văn bản của Chính phủ do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải lúc đó ký "có lẽ chưa chính xác", vì Chính phủ đồng ý cho phép điều chỉnh dự án, chứ không phải phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư.