21:34 07/11/2018

Chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ thay đổi sau bầu cử Quốc hội?

An Huy

Quyền kiểm soát của Đảng Dân chủ ở Hạ viện có thể đặt ra những rào cản đối với các chính sách đối ngoại hiện nay của Tổng thống Trump

Một cầu vồng xuất hiện trên Đồi Capitol ở Washington ĐC, nơi đặt tòa nhà Quốc hội Mỹ, vào chiều tối ngày 6/11, sau khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ - Ảnh: Reuters.
Một cầu vồng xuất hiện trên Đồi Capitol ở Washington ĐC, nơi đặt tòa nhà Quốc hội Mỹ, vào chiều tối ngày 6/11, sau khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ - Ảnh: Reuters.

Giành quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ, Đảng Dân chủ có thể sẽ thay đổi điều mà họ cho là Đảng Cộng hòa thời gian qua mặc Tổng thống Donald Trump tùy nghi hành động trong chính sách đối ngoại. Ngoài ra, phe Dân chủ cũng có thể đòi hỏi ông Trump cứng rắn hơn trong quan hệ với Nga, Saudi Arabia và Triều Tiên.

Trao đổi với hãng tin Reuters sau khi có kết quả cuộc bầu cử ngày 6/11, hạ nghị sỹ Eliot Engel của Đảng Dân chủ, người nhiều khả năng sẽ được trao quyền đứng đầu Ủy ban Đối ngoại thuộc Hạ viện, nói rằng phe Dân chủ cũng có thể sẽ tìm cách có được một đạo luật mà việc sử dụng lực lượng quân sự ở những nơi như Iraq và Syria phải có sự thông qua của Quốc hội, thay vì để Tổng thống tự quyết định.

Tuy nhiên, ông Engel thừa nhận rằng trong một số vấn đề "nóng" khác như Trung Quốc và Iran, Đảng Dân chủ khó có thể thay đổi các chính sách hiện có.

"Tôi không cho rằng chúng tôi nên thách thức các chính sách mà chính quyền đã đưa ra từ trước, nhưng chúng tôi có nghĩa vụ phải rà soát các chính sách và làm công tác giám sát", ông Engel nói.

Do vẫn phải hợp tác với Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát để thông qua bất kỳ dự luật nào, ảnh hưởng lớn nhất mà Đảng Dân chủ có được trong việc kiểm soát Hạ viện sẽ là quyền giám sát, khả năng tiến hành các phiên điều trần, và nếu cần thiết sẽ triệu tập nhân chứng. Các nghị sỹ Dân chủ sẽ là những người đứng đầu các ủy ban như Đối ngoại, Lực lượng vũ trang, và Tình báo thuộc Hạ viện.

Sẽ cứng rắn hơn với Nga

Từ trước cuộc bầu cử, Đảng Dân chủ đã có kế hoạch tổ chức các cuộc điều tra liên quan đến Nga, chẳng hạn điều tra về khả năng có mối quan hệ kinh doanh giữa ông Trump với Nga, và sự xung đột lợi ích trong mối quan hệ như vậy.

Hạ viện do những người Dân chủ kiểm soát có thể tiến hành tăng cường trừng phạt Nga vì nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ, vai trò của Moscow trong xung đột ở Ukraine, và sự dính líu của Nga vào nội chiến Syria.

Các nghị sỹ Dân chủ cũng đã gây sức ép đòi được cung cấp thêm thông tin về cuộc gặp diễn ra vào mùa hè vừa rồi giữa ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đến nay, Nhà Trắng mới chỉ đưa ra những thông tin hết sức sơ lược về cuộc gặp này.

"Thật nực cười khi có một cuộc gặp cấp cao đến như vậy giữa hai nhà lãnh đạo mà Quốc hội lại chẳng biết được thông tin gì mấy", ông Engel nói. Ngoài ra, theo vị nghị sỹ Dân chủ, vấn đề Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016 "chưa hề được giải quyết".

Vấn đề Saudi Arabia và Triều Tiên

Những tranh cãi xung quanh cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul đã khiến Quốc hội Mỹ càng thêm bất bình với Saudi Arabia về sự dính líu của Riyadh đến nội chiến ở Yemen. Bởi vậy, Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát sẽ bỏ phiếu về một dự luật nhằm chặn các thương vụ bán vũ khí Mỹ cho Saudi Arabia, cản trở một thỏa thuận năng lượng hạt nhân giữa hai nước, và xem xét dừng hỗ trợ cho Saudi Arabia trong chiến dịch ở Yemen.

Ông Engel vẫn xem Saudi Arabia là một đối trọng cho ảnh hưởng của Iran ở khu vực Trung Đông, ông cho rằng Washington phải đòi hỏi ở Riyadh nhiều hơn. "Nếu Saudi Arabia muốn sự hỗ trợ của Mỹ, thì họ phải giải quyết một số việc khiến chúng tôi lo ngại", ông nói.

Về vấn đề Triều Tiên, phe Dân chủ nói rằng họ muốn có thêm thông tin về các cuộc gặp giữa ông Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo với nhà lãnh đạo Kim Jong Un, lo ngại rằng ông Trump vì "bốc đồng" mà vội đi đến một thỏa thuận có lợi quá nhiều cho Bình Nhưỡng.

Ông Engel và các nghị sỹ Dân chủ khác dự định sẽ yêu cầu các quan chức chính quyền ông Trump ra điều trần công khai và điều trần kín về tiến trình đàm phán với Triều Tiên. Tuy vậy, họ cũng muốn giữ thế cân bằng vì không muốn bị xem là can thiệp vào chính sách đối ngoại và những nỗ lực của Nhà Trắng nhằm ngăn một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Chính sách với Trung Quốc?

Theo dự báo của giới phân tích, quyền kiểm soát Hạ viện của phe Dân chủ sẽ không dẫn tới thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ với Trung Quốc. Phe Dân chủ sẽ tổ chức thêm các phiên điều trần và yêu cầu cung cấp thêm thông tin. Tuy nhiên, cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa hiện nay đều chung quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, nên chính sách có thể sẽ không thay đổi.

Một số nhân vật hàng đầu của Đảng Dân chủ như nghị sỹ Adam Schiff - người sắp được trao cương vị Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện - đã cùng các nghị sỹ Cộng hòa ủng hộ các biện pháp mạnh với Trung Quốc, chẳng hạn nhằm vào hai hãng công nghệ ZTE và Huawei vì lý do an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, ông Engel và một số nghị sỹ Dân chủ khác thừa nhận rằng Mỹ cần Trung Quốc với vai trò đối tác, nhất là trong xử lý vấn đề Triều Tiên. "Tôi cho rằng chúng tôi cần phải cẩn trọng để không đi quá đà", ông Engel nói.

Giống như nội bộ Đảng Cộng hòa, nội bộ Đảng Dân chủ cũng chia rẽ vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Một số thành viên trong đảng xem tự do thương mại là động lực tạo việc làm, một số khác ủng hộ hàng rào thuế quan để bảo vệ công nhân trong những ngành như thép và chế biến-chế tạo.

Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ được khôi phục?

Đảng Dân chủ vốn không hài lòng với việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận quốc tế về hạt nhân giữa Iran với các cường quốc phương Tây, thỏa thuận mà chính quyền Tổng thống Barack Obama ký kết vào năm 2015. Tuy nhiên, việc Mỹ trở lại thỏa thuận là điều khó có thể xảy ra chừng nào Đảng Cộng hòa còn nắm Nhà Trắng.

Bên cạnh đó, các nghị sỹ cũng không muốn bị nhìn nhận là thân thiện với Iran, đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ Israel - đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông - thù địch với Tehran. Duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Israel được xem là ưu tiên hàng đầu của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.