11:47 14/11/2018

Chủ tịch những tỉnh nào lười tiếp dân?

Nguyên Vũ

Có những tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền toàn bộ cho cấp phó tiếp công dân, không tiếp công dân định kỳ trong suốt 12 tháng

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo.

Có những tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền toàn bộ cho cấp phó tiếp công dân, không tiếp công dân định kỳ trong suốt 12 tháng, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết.

Sáng 14/11 Quốc hội nghe và thảo luận các báo cáo về giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018.

Kết quả xem xét báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo do Quốc hội chuyển đến là một trong những nội dung được bà Hải báo cáo trước khi Quốc hội thảo luận.

Về công tác tiếp dân, Trưởng ban Dân nguyện cho biết, trong kỳ báo cáo (từ 16/8/2017 đến 15/8/2018) cơ quan hành chính các cấp của 63 tỉnh, thành phố đã tiếp 374.548 lượt người, trong đó có 4.225 lượt đoàn đông người, 1.766 vụ việc phức tạp, kéo dài.

Về trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính tại 63 tỉnh, thành phố, Luật Tiếp công dân quy định tại khoản 5 điều 12: " Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 1 ngày trong 1 tháng...".

Qua thống kê số liệu báo cáo, cho thấy đối với chủ tịch UBND cấp tỉnh, tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 48% so với quy định (39 tỉnh có số liệu, chủ tịch đã tiếp định kỳ 226 ngày/468 ngày theo quy định). Trong đó, có chủ tịch một số tỉnh có tỷ lệ trực tiếp tiếp công dân định kỳ cao hơn quy định như: Tiền Giang (27 ngày, hơn 225%), Tuyên Quang (24 ngày, hơn 200%); một số tỉnh có số ngày tiếp định kỳ của lãnh đạo cao (kể cả số ủy quyền) như: Khánh Hòa (50 ngày), Bình Phước (30 ngày)...

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì việc uỷ quyền cho cấp phó thực hiện tiếp công dân khá phổ biến ở các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh (một số tỉnh ủy quyền trên 70% như: Nam Định, Bình Dương, Lào Cai, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Quảng Nam,..., cá biệt có những tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền toàn bộ cho cấp phó tiếp công dân, không tiếp công dân định kỳ trong suốt 12 tháng.

Phụ lục về kết quả tiếp công dân định kỳ của chủ tịch UBND cấp tỉnh cho thấy nhiều tỉnh không có số liệu trong báo cáo. Như, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bình Định, Cần Thơ, Cao Bằng, Hà Nội, Hải Dương...

Có những tỉnh thì tỷ lệ tiếp dân của chủ tịch so với quy định là 0%: Bắc Giang, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Phú Yên. Trong khi có những tỉnh tỷ lệ này khá cao: Sóc Trăng 100%, Tiền Giang 225%, Tuyên Quang 200%...

Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, công tác quản lý Nhà nước về tiếp công dân còn nhiều hạn chế, công tác thanh tra, kiểm tra công vụ trong việc tiếp công dân chưa được thực hiện thường xuyên. Nhiều tỉnh chưa quan tâm, theo dõi, đánh giá công tác tiếp công dân theo quy định của người đứng đầu, nhất là cấp xã. 

Luật tiếp công dân có hiệu lực từ năm 2014, đến nay đã qua 4 năm nhưng có địa phương, nội quy tiếp công dân chưa được thay đổi theo quy định của luật, việc thống kê báo cáo và ghi chép sổ tiếp công dân còn thực hiện chưa đầy đủ, việc công khai lịch tiếp công dân trên cổng thông tin điện tử nhiều nơi chưa được thực hiện.

Hạn chế nữa được chỉ ra là việc bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân, tham mưu về giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế về nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác, chưa đáp ứng yêu cầu, tương xứng với trách nhiệm được giao. Tỷ lệ cán bộ có bằng chuyên ngành luật còn thấp, như ở Thái Nguyên chiếm tỷ lệ 14,2%, Hà Giang chiếm tỷ lệ 19%... 

Cá biệt có nơi còn bố trí cán bộ làm công tác tiếp dân để thực hiện chính sách cán bộ (như bố trí cán bộ kém năng lực, hợp lý hóa gia đình, sắp nghỉ chế độ,...) nên ảnh hưởng đến hiệu quả tiếp công dân (ở Bến Tre, Sơn La, Cao Bằng,...).

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, chủ tịch UBND các địa phương (các cấp) nghiêm túc thực hiện tiếp công dân định kỳ theo quy định của pháp luật để nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc tiếp công dân trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, giảm thiểu khiếu nại vượt cấp. Kịp thời có biện pháp chấn chỉnh ngay những yếu kém trong công tác tiếp công dân (đặc biệt của chủ tịch UBND cấp xã), tích cực thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những biểu hiện thiếu trách nhiệm, sai phạm trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đảm bảo 100% lịch tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp phải được công bố công khai để người dân giám sát.

Chính phủ còn được đề nghị chỉ đạo Thanh tra Chính phủ xây dựng tiêu chí báo cáo, phân loại trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp, ngành. Trong đó cần thống kê rõ, đầy đủ số liệu về số kỳ tiếp công dân định kỳ của chủ tịch các cấp, thủ trường các ngành, số kỳ ủy quyền cho cấp phó; tiếp công dân đột xuất và đối thoại khi giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định,... và thống kê hàng năm, làm cơ sở cho việc tổng kết, sửa đổi, bổ sung Luật Tiếp công dân trong thời gian tới.