09:57 12/03/2018

Chưa xem xét việc lấy phiếu tín nhiệm

Nguyễn Lê

Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành vào kỳ họp Quốc hội cuối năm nay, Chủ tịch Quốc hội cho biết

Phiên họp thứ 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc sáng 12/3.
Phiên họp thứ 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc sáng 12/3.

Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết chương trình kỳ họp có sự điều chỉnh so với dự kiến trước đó.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chưa xem xét về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành vào kỳ họp Quốc hội cuối năm nay, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Ngoài ra, 3 dự án luật cũng được rút khỏi chương trình do chưa đảm bảo chất lượng chuẩn bị, trong đó có 2 dự án Luật Cảnh sát biển, Luật Quản lý phát triển đô thị rút do chậm gửi tài liệu. Dự án luật Phòng chống tham nhũng thì sau khi thẩm tra cho thấy chưa đủ điều kiện trình vì còn lấy thêm ý kiến của một số cơ quan chức năng.

Phiên họp 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ chia thành hai đợt. Đợt 1 (ngày 12 và 13/3) sẽ cho ý kiến về một số nội dung của dự thảo nghị định quy định về đối tượng, phạm vi, mức, phương thức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo đạc và bản đồ; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Ngô Đức Mạnh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận để đi làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Liên bang Nga.

Ông Ngô Đức Mạnh đã đi nhận nhiệm vụ cách đây một tháng, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Sau khi khai mạc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung của dự thảo nghị định quy định về đối tượng, phạm vi, mức, phương thức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.

Về sự cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, từ ngày 1/1/2017, Luật Phí và lệ phí chính thức có hiệu lực, trong đó thủy lợi phí là một trong 17 loại phí chuyển sang cơ chế giá do Nhà nước định giá, thực hiện theo quy định của Luật Giá.

Tuy nhiên, Luật Giá không quy định đối tượng miễn hoặc hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi được quy định tại Điều 36 Luật Thủy lợi và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018.

Do đó từ ngày 1/1/2017 đến 30/6/2018, các đối tượng được hưởng chính sách miễn thủy lợi phí như trước đây sẽ phải trả tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi cho các tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và về nguyên tắc sẽ không tiếp tục được hưởng các hỗ trợ của Nhà nước.

Theo Chính phủ, để kịp thời khắc phục khoảng trống pháp lý trong thời gian chuyển tiếp từ khi Luật Phí và Lệ Phí (từ ngày 1/1/2017) đến khi Luật Thủy lợi có hiệu lực thi hành (từ ngày 30/6/2018) đồng thời đảm bảo chính sách an sinh xã hội đã thực hiện bằng chính sách miễn thu thủy lợi phí từ năm 2008-2016, việc ban hành nghị định quy định về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi là cần thiết và cấp bách. 

Dự thảo nghị định quy định đối tượng được hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi vẫn giữ nguyên như đối tượng được miễn thu thủy lợi phí quy định tại nghị định số 67/2012/NĐ-CP: hộ gia đình, cá nhân nông dân có diện tích đất nông nghiệp trồng lúa, rau màu, cây vụ đông, cây công nghiệp ngắn ngày, cây công nghiệp dài ngày, hoa, cây dược liệu, nuôi trồng thủy sản (trừ diện tích nuôi trồng thủy sản trong hồ chứa nước, lồng bè).

Mức hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi phù hợp với giá tối đa quy định tại thông tư số 280/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính Quy định giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Nguồn kinh phí đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua và bố trí trong giai đoạn ngân sách 2017-2020, để đảm bảo không vượt quá khả năng ngân sách.

Ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho các tổ chức khai thác công trình thủy lợi trên cơ sở khối lượng được nghiệm thu và được cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Thẩm tra nội dung Chính phủ trình, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng dự thảo nghị định đã quy định đối tượng hẹp hơn so với nghị định 67. Theo đó chỉ hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân nông dân có diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, diện tích đất trồng cây hàng năm... trong khi nghị định 67 quy định rộng hơn, bao gồm tất cả các đối tượng (pháp nhân và cá nhân).

Sau khi thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với việc ban hành nghị định, cơ bản thống nhất với quy định về đối tượng, mức và phương thức hỗ trợ với yêu cầu không mở rộng đối tượng và không tăng chi ngân sách nhà nước.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý Chính phủ rà soát lại đối tượng được hưởng trên tinh thần của nghị định 67 để không sót lọt. Đồng thời lưu ý mức giá hỗ trợ thực hiện trên giá thực tế, hướng tới cơ chế thị trường.

Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Thời hạn hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 30/6/2018.