12:38 28/01/2021

Chứng khoán châu Á “đỏ lửa” sau phiên lao dốc ở Phố Wall

Bình Minh

Các thị trường chứng khoán chủ chốt ở khu vực châu Á đồng loạt giảm điểm mạnh trong phiên sáng ngày thứ Năm (28/12),

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Các thị trường chứng khoán chủ chốt ở khu vực châu Á đồng loạt giảm điểm mạnh trong phiên sáng ngày thứ Năm (28/12), sau phiên bán tháo vào đêm trước trên thị trường chứng khoán Mỹ khi nhà đầu tư giảm kỳ vọng vào một sự phục hồi sớm của kinh tế toàn cầu.

Chỉ số MSCI châu Á-Thái Binh Dương không bao gồm Nhật Bản, thước đo rộng nhất của chứng khoán khu vực, có thời điểm giảm gần 1,8%. Trước phiên giảm này, chỉ số đã tăng hơn 6% từ đầu tháng, nên mức định giá cổ phiếu đã bị đẩy lên quá cao theo đánh giá của nhiều nhà phân tích.

Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản giảm 1,7%, mạnh nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Chỉ số Shanghai Composite Index của thị trường Trung Quốc đại lục trượt gần 1,5%; Hang Seng của Hồng Kông sụt gần 2%; Kospi của Hàn Quốc mất hơn 2%; AXS 200 của Australia "bốc hơi" trên 2%.

Không có một nguyên nhân rõ ràng nào cho phiên "đỏ lửa" này của chứng khoán châu Á, nhưng theo Reuters, có vẻ như nhiều nhà đầu tư cùng bán một lúc vì nhận thấy đã đến lúc hợp lý để chốt lời.

Giới giao dịch cho biết các nhà đầu tư sử dụng công cụ đòn bẩy ở mức cao đang tiến hành hiện thực hóa lợi nhuận ở những cổ phiếu có thể, nhằm bù lỗ ở những hạng mục khác trong danh mục đầu tư. Điều này dẫn tới sự giảm mạnh ở nhiều cổ phiếu đã được mua nhiều trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, thị trường còn đang giảm bớt kỳ vọng vào việc vaccine Covid-19 sẽ đưa nền kinh tế toàn cầu phục hồi chỉ sau vài tháng. Kỳ vọng này đã lên cao vào cuối năm ngoái và những ngày đầu năm 2021, nhưng yếu dần trong mấy tuần gần đây, khi thế giới phát hiện những biến chủng mới của Covid-19 và việc phân phối vaccine ở Mỹ và châu Âu không thể được đẩy nhanh như dự kiến.

Các nhà giao dịch cũng nói tâm lý của thị trường phiên này ít nhiều bị ảnh hưởng bởi nhận định có phần bi quan của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về triển vọng kinh tế Mỹ. Lời hứa duy trì các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng của Fed dường như không có nhiều tác dụng mang lại sự yên tâm cho nhà đầu tư.

Sau cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài 2 ngày, Fed giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0-0,25% và duy trì chương trình mua 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng cho tới khi "có thêm bước tiến quan trọng" đến các mục tiêu về việc làm và lạm phát.

Những quyết định này không nằm ngoài dự báo trước đó của thị trường, nhưng tuyên bố của Fed nói rằng "tốc độ hồi phục của các hoạt động kinh tế và việc làm đã giảm đi trong những tháng gần đây. Yếu nhất vẫn là những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch".

"Việc Fed thừa nhận có sự suy giảm trong tốc độ phục hồi kinh tế, cũng như sự phụ thuộc của phục hồi kinh tế vào việc triển khai vaccine không phải là tin mới. Tuy nhiên, điều này nhắc nhở nhà dầu tư phải nhìn thẳng vào thực tế, theo đó đẩy lùi kỳ vọng vào phục hồi tăng trưởng", chiến lược gia Rodrigo Catril thuộc NAB nhận xét.