16:19 12/11/2019

Chứng khoán chiều 12/11: Hàng đầu cơ "bốc đầu", khối ngoại xả lớn

Lan Ngọc

Blue-chips chiều nay bình bình, mạnh như BID mà cũng chỉ đi thêm được 100 đồng, nhưng nhóm đầu cơ bất ngờ đột biến. Nhiều mã thanh khoản rất lớn và giá vọt lên kịch trần

Blue-chips chiều nay bình bình, mạnh như BID mà cũng chỉ đi thêm được 100 đồng, nhưng nhóm đầu cơ bất ngờ đột biến. Nhiều mã thanh khoản rất lớn và giá vọt lên kịch trần.

Cổ phiếu ấn tượng nhất là HSG khi chỉ trong 20 phút đầu tiên buổi chiều đã diễn ra một đợt kéo giá dữ dội. HSG bay vọt lên kịch trần. Cuối phiên sáng HSG đã khá mạnh khi tăng 4,34%, tương đương tăng thêm 2,34% nữa chỉ trong 20 phút.

HSX giằng co rất mạnh ở giá trần 7.880 đồng và giao dịch tại mức này tới gần 2,75 triệu cổ phiếu trong tổng giao dịch 10,45 triệu cổ. Riêng buổi chiều HSG giao dịch 5,07 triệu cổ. Tuy nhiên có thể giá đột biến khiến lực xả rất lớn, HSG kết thúc phiên tuy ở mức trần nhưng vẫn dư bán trần 258.110 cổ phiếu.

HSG vốn hóa không có gì đáng nói nhưng diễn biến thanh khoản rất ấn tượng. Gần 10,45 triệu cổ trị giá 80,5 tỷ đồng đã đưa HSG lọt vào Top 10 cổ phiếu thanh khoản nhất thị trường hôm nay. Đây cũng là đỉnh thanh khoản tương đương kỷ lục 2019 hồi đầu tháng 3 vừa qua. Cổ phiếu này cũng chính thức đạt giá cao nhất 5 tháng.

Giao dịch của HSG có thể là niềm cảm hứng của nhóm đầu cơ, phiên chiều các mã nhỏ tăng giá đồng loạt. Số kịch trần có HVG, CLG, HAI, TSC, HDC thanh khoản rất cao. HAI giao dịch gần 8 triệu cổ, lặp lại kỷ lục thanh khoản 2019 nhưng giá trị chưa tới 16 tỷ đồng. TSC lập kỷ lục thanh khoản trong vòng 2 năm với 3,93 triệu cổ, trị giá 14,7 tỷ đồng. HCD cũng có kỷ lục thanh khoản 7 tháng.

Giao dịch sôi động ở nhóm cổ phiếu đầu cơ giúp độ rộng sàn HSX chiều nay diễn biến bất ngờ: Có tới 185 mã tăng/150 mã giảm trong khi phiên sáng là 153 mã tăng/141 mã giảm. Riêng rổ VN30 vẫn chỉ là  14 mã tăng/12 mã giảm. Như vậy đà tăng giá lại nở rộ ở các mã nhỏ.

Tuy nhiên cũng có sự phân hóa sức mạnh khá rõ ở nhóm vốn hóa nhỏ. Số cổ phiếu kịch trần với thanh khoảng tốt chỉ có 8 mã. Số tăng từ 3% tới dưới mức trần chỉ có 6 mã có thanh khoản. Còn lại đa số tăng từ 1% tới dưới 3%.

Đối với blue-chips, chiều nay vẫn chỉ là một phiên giao dịch cố gắng giữ cân bằng. Từ đỉnh cao cuối phiên sáng, chiều nay xuất hiện một nhịp xả khá mạnh đẩy VN-Index cắm đầu rơi xuống dưới tham chiếu, một chút nữa là chạm đáy thấp nhất buổi sáng. Sau đó một số blue-chips cố gắng phục hồi, nâng VN-Index trở lại qua tham chiếu 1,58 điểm. VN30 quá kém, đóng cửa chỉ tăng 0,01% hay đúng 0,1 điểm.

Sự suy yếu của blue-chips khiến VN-Index lại để mất mốc 1020 điểm, lui xuống 1.018,33 điểm. Các mã lớn nhất chiều nay chủ đạo là yếu hơn phiên sáng: VNM, VIC, MWG, VHM, VCB, SAB, VRE, GAS, CTG đều nằm trong nhóm tụt giá so với phiên sáng. Nhóm tăng lại toàn các cổ phiếu nhỏ như VJC, HDB, EIB, ROS, DPM...

Trụ BID chiều nay chỉ tăng thêm đúng 100 đồng so với cuối phiên sáng, mà lại là tăng ở thời điểm đóng cửa, chốt trên tham chiếu 1,94%. Nguyên nhân chính là BID hết cầu đẩy, cả buổi chiều chỉ giao dịch khoảng 16,5 tỷ đồng giá trị cổ phiếu nữa, còn kém cả HSG, AAA. Với sức mua yếu như vậy, BID giữ giá đã là thành công.

Trụ sụp đổ bất ngờ nhất chiều nay là VHM, chỉ vài phút mở cửa trở lại, giá đã cắm đầu từ 99.400 đồng xuống 97.500 đồng, tương đương giảm 2%. VHM đóng cửa chỉ giảm 0,91% so với tham chiếu, nhưng rõ ràng đã có lực xả mạnh mới khiến giá cắm đầu như vậy. Riêng phiên chiều mã này cũng khớp lệnh 79,4 tỷ đồng giá trị cổ phiếu, thuộc nhóm thanh khoản nhất thị trường.

Chốt phiên, VN-Index vẫn chỉ dựa vào các cổ phiếu trụ từ sáng là BID, VIC, VCB, GAS mà hầu hết đều yếu hơn buổi sáng. Do đó chỉ số đóng cửa ở mức thấp là điều dễ hiểu.

Thanh khoản phiên chiều cũng kém dù ROS vẫn "xuất chiêu" vào lúc đóng cửa. Cả hai sàn khớp thêm 1.849,5 tỷ đồng, tương đương phiên sáng nhưng thực ra là giảm 14% nếu không kể ROS.

Khối ngoại lại quay ra xả ròng khá lớn đối với cổ phiếu hai sàn. Mức bán ròng đạt 138 tỷ đồng, là mức bán ròng cao nhất kể từ phiên ngày 15/10 vừa qua. Riêng cổ phiếu HSX bị bán ròng 143,4 tỷ đồng, chưa kể chứng chỉ quỹ E1 cũng bị bán ròng hơn 7,7 tỷ nữa. VNM bị bán ròng kỷ lục 1,35 triệu cổ, thêm POW, SSI, VIC, CLG, DXG, VND, BWE, DBC, CII, GEX... Phía mua có HPG, ROS, HSG, KBC, VRE, HCM, VHM, BID, DPM.