10:05 06/08/2022

Chứng khoán Mỹ giằng co sau báo cáo việc làm rực rỡ, giá dầu giảm 14% cả tuần

Bình Minh

Số liệu tốt về thị trường việc làm có vẻ phản ánh rằng nền kinh tế Mỹ hiện không suy thoái, nhưng cũng được xem là dấu hiệu cho thấy lạm phát cao sẽ tiếp tục là một vấn đề của nền kinh tế Mỹ và Fed vẫn cần tăng mạnh lãi suất...

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ hôm 2/8/2022 - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ hôm 2/8/2022 - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ biến động mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (5/8) và chốt phiên trong trạng thái tăng giảm đan xen, sau khi báo cáo việc làm tốt hơn nhiều so với dự báo khiến nhà đầu tư tranh luận về đường đi lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới.

Nỗi lo suy thoái kinh tế tiếp tục phủ bóng lên thị trường dầu, khiến giá dầu kết thúc tuần ở vùng thấp nhất trong nhiều tháng dù tăng nhẹ trong phiên này.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 76,75 điểm, tương đương tăng 0,23%, chốt ở 32.803,47 điểm. Cho dù đi lên trong phiên này, Dow Jones vẫn hoàn tất một phần giảm điểm.

Chỉ số S&P 500 giảm 0,16%, còn 4.145,19 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,5%, còn 12.657,56 điểm. Trái với Dow Jones, cả S&P 500 và Nasdaq cùng tăng trong tuần này.

Cổ phiếu ngân hàng trở thành trụ đỡ cho thị trường trong phiên này, khi nhiều nhóm cổ phiếu khác giảm điểm. Hy vọng lãi suất sẽ tiếp tục tăng là nhân tố hỗ trợ cho cổ phiếu ngân hàng, những lại là “khắc tinh” của nhiều nhóm cổ phiếu khác. Cổ phiếu năng lượng cũng tăng phiên này dù giá dầu đi xuống, trong khi cổ phiếu công nghệ sụt giảm mạnh.

Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nước này có thêm 528.000 việc làm mới trong tháng 7, vượt xa mức dự báo 258.000 công việc mới mà cuộc khảo sát chuyên gia của Dow Jones đưa ra trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp giảm về mức 3,5%, thấp hơn mức dự báo là 3,6%. Tăng trưởng tiền lương cũng cao hơn dự báo, với mức tăng 0,5% trong tháng và 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau khi báo cáo được công bố, chứng khoán Mỹ đã mở cửa trong trạng thái giảm điểm. Số liệu tốt về thị trường việc làm có vẻ phản ánh rằng nền kinh tế Mỹ hiện không suy thoái, nhưng cũng được xem là dấu hiệu cho thấy lạm phát cao sẽ tiếp tục là một vấn đề của nền kinh tế Mỹ. Trong bối cảnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không có nhiều lựa chọn ngoài việc tiếp tục tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát. Mức độ cứng rắn của Fed sẽ được thể hiện trong cuộc họp vào tháng 9.

“Bất kỳ ai vội cho rằng Fed sẽ điều chỉnh chính sách trong năm tới và bắt đầu cắt giảm lãi suất là sai lầm. Hiện tại, đây rõ ràng không phải là một nền kinh tế đang rơi vào suy thoái”, chiến lược gia trưởng Art Hogan của B. Riley Financial nhận định.

Báo cáo việc làm tháng 7 có một ý nghĩa quan trọng bởi đây là một trong hai báo cáo việc làm được công bố trước khi diễn ra cuộc họp tháng 9 của Fed. Sau khi báo cáo được đưa ra, các nhà giao dịch ở Phố Wall bắt đầu đặt cược vào một lập trường cứng rắn hơn của Fed. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới sẽ có thêm một báo cáo việc làm và hai báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nữa để đánh giá trước khi ra quyết định lãi suất trong cuộc họp tháng 9.

Tháng trước, thị trường chứng khoán Mỹ có tháng tăng mạnh nhất kể từ năm 2020 do hy vọng Fed sẽ giãn tiến độ tăng lãi suất. S&P 500 đã tăng 9,1% cả tháng. Tuy nhiên, giờ đây, đà tăng của thị trường có thể bị cản lại vì hy vọng đó đã trở nên mong manh.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh trong phiên này vì dự báo Fed tiếp tục nâng lãi suất với bước nhảy lớn. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn cả 2 năm và 10 năm cùng tăng, nhưng độ đảo ngược của đường cong lợi suất gia tăng tới mức cao nhất kể từ năm 2000.

“Điều quan trọng nhất tôi rút ra từ sự đảo ngược đường cong lợi suất này là thị trường đang tin tưởng rằng Fed có mức độ đáng tin cậy cao. Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Rủi ro nằm ở chỗ việc này sẽ tạo ra một trở ngại mà nền kinh tế có thể không đủ sức chống chọi và rốt cục có thể rơi vào suy thoái”, trưởng bộ phận chiến lược lãi suất tại Mỹ của BMO, ông Ian Lyngen, nhận định trên CNBC.

Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,53%, chốt ở mức 89,01 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 0,85%, chốt ở 94,92 USD/thùng.

Cả tuần, giá dầu WTI giảm 9,74% và giá dầu Brent giảm 13,72%. Trong phiên ngày thứ Năm, giá dầu xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2 do nỗi lo suy thoái kinh tế sẽ xảy ra và kéo tụt nhu cầu tiêu thụ năng lượng của thế giới. Phiên phục hồi ngày thứ Sáu chưa đủ để đưa giá vàng vượt xa mức đáy của gần 6 tháng thiết lập trong phiên trước.

Chứng khoán Mỹ giằng co sau báo cáo việc làm rực rỡ, giá dầu giảm 14% cả tuần - Ảnh 1

Hiện tại, những dấu hiệu của sự thắt chặt nguồn cung vẫn đang hỗ trợ nhiều cho giá dầu, cho dù mối lo suy thoái kinh tế dường như đang ảnh hưởng nhiều hơn đến thị trường.

“Rõ ràng, mọi người đang nói về nguy cơ suy thoái kinh tế nhiều hơn, cho dù thị trường dầu vẫn thắt chặt và các nước sản xuất dầu không còn nhiều dư địa để thay đổi điều đó”, nhà phân tích Craig Erlam của Oanda nhận định với hãng tin Reuters.

Tuần này, OPEC+ nhất trí tăng sản lượng khai thác dầu 100.000 thùng/ngày trong tháng 9. Tuy nhiên, đây là một trong những đợt tăng hạn ngạch sản lượng ít nhất kể từ khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) áp dụng chế độ hạn ngạch vào năm 1982, theo dữ liệu của OPEC.

OPEC+ là liên minh giữa OPEC và một số nước ngoài khối gồm Nga.

Mối lo về nguồn cung dầu đang gia tăng khi mùa đông chuẩn bị bắt đầu ở bán cầu Bắc, nhất là khi Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm hoàn toàn việc nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu từ Nga qua đường biển kể từ ngày 5/12.

“Khi EU dừng nhập khẩu dầu Nga qua đường biển, có một câu hỏi chính là liệu các nhà sản xuất dầu ở Trung Đông có chuyển hướng dầu của họ tới châu Âu để lấp chỗ trống hay không”, nhà phân tích Micheal Chan của RBC phát biểu. “Việc trừng phạt dầu Nga này sẽ dẫn tới ảnh hưởng như thế nào sẽ là một trong những vấn đề quan trọng nhất cần phải theo dõi trong thời gian còn lại của năm nay”.