08:12 07/05/2019

Chứng khoán Mỹ hồi điểm sau cú sụt mạnh vào đầu phiên

Bình Minh

Một số nhà đầu tư xem những gì ông Trump nói là một chiến thuật đàm phán và tin tưởng rằng rốt cục sẽ có thỏa thuận thương mại

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ tăng thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc. 

Tuy nhiên, các chỉ số chính của Phố Wall đã thoát đáy vào thời điểm chốt phiên, khi một số nhà đầu tư xem những gì ông Trump nói là một chiến thuật đàm phán và tin tưởng rằng rốt cục sẽ có thỏa thuận thương mại.

Mặc dù vậy, theo tin từ Reuters, sau khi thị trường đóng cửa, các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ lại sụt giảm. Nỗi lo của thị trường lại gia tăng sau khi Nhà Trắng tuyên bố việc áp thuế sẽ diễn ra vì Trung Quốc rút lại những cam kết đã đưa ra trước đó và tình hình đàm phán đã chuyển xấu.

Chỉ số S&P 500 tương lai có lúc giảm 0,6% trong phiên giao dịch ngoài giờ, một tín hiệu cho thấy giới đầu tư dự báo thị trường sẽ giảm điểm khi mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba.

Cuối ngày thứ Hai, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói chính quyền ông Trump "có thể" ra một thông báo vào ngày thứ Ba về kế hoạch nâng thuế quan bổ sung áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên 25% từ mức 10% hiện tại.

Trước đó, trong một dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter vào hôm Chủ nhật, ông Trump bất ngờ tuyên bố sẽ nâng thuế đối với hàng Trung Quốc vào ngày thứ Sáu tuần này nếu hai bên không đạt được thỏa thuận nào trước thời điểm đó. Tuyên bố của ông Trump ngay lập tức châm ngòi cho một cuộc bán tháo trên thị trường tài chính toàn cầu và thổi bùng nỗi lo về sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế thế giới - nỗi lo vốn đã nhiều phen khiến thị trường chao đảo trong năm qua.

Trong phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số S&P 500 có lúc giảm 1,6%. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sụt giảm do giá tăng vì nhiều nhà đầu tư mua trái phiếu để tìm kiếm sự an toàn.

Về cuối phiên, các chỉ số chính hồi phục được phần lớn điểm số mất mát trước đó, do một số nhà đầu tư cố bấu víu vào hy vọng rằng một thỏa thuận thương mại sẽ sớm được ký kết. Nhờ đó, S&P 500 chốt phiên với mức giảm chỉ 0,45%.

"Có vẻ như đó là một chiến thuật đàm phán. Kịch bản chính của chúng tôi vẫn là Trung Quốc và Mỹ tìm được điểm chung. Khả năng là tình hình có xấu đi một chút, nhưng chưa thể khẳng định điều gì sẽ xảy ra", chiến lược gia cao cấp David Lefkowitz của UBS Global Wealth Management nhận xét.

Sự tăng điểm của nhóm cổ phiếu y tế đã giúp bù đắp sự sụt giảm của những cổ phiếu liên quan đến thương mại. Các nhóm nguyên vật liệu, công nghiệp và công nghệ đồng loạt giảm do nhà đầu tư chuyển vốn khỏi những cổ phiếu có tính chu kỳ và nhạy cảm với tin thương mại.

Cổ phiếu Boeing, công ty Mỹ có kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc lớn nhất, giảm 1,3%.

Cổ phiếu con chip - lĩnh vực có giá trị xuất khẩu lớn sang Trung Quốc, cũng sụt giảm. Chỉ số Philadelphia của cổ phiếu con chip trượt 1,7%.

Cổ phiếu Apple, một doanh nghiệp khác có sự phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, giảm 1,5%.

Khi đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,25%, còn 26.438,48 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,45%, còn 2.932,47 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,5%, còn 8.123,29 điểm.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,45 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,28 lần.

Có tổng cộng 6,45 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công trên các sàn giao dịch Mỹ phiên này, so với mức bình quân 6,62 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.