07:12 03/08/2022

Chứng khoán Mỹ lình xình giữa căng thẳng liên quan chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi

Ngọc Trang

Phố Wall vừa có phiên giao dịch lình xình do căng thẳng địa chính trị nổi lên sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan...

Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Tối ngày 2/8, chuyên cơ chở Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hạ cánh xuống sân bay Đài Loan, bất chấp những cảnh báo gay gắt từ phía Trung Quốc.

Bà Pelosi nói rằng chuyến thăm của bà tới Đài Loan thể hiện tình đoàn kết và cam kết không lay chuyển của Mỹ trong ủng hộ nền dân chủ của hòn đảo. Trong khi đó, Bắc Kinh lên án và gọi chuyến thăm đầu tiên sau 25 năm nay là “mối đe dọa với hòa bình và sự ổn định trên eo biển Đài Loan", đồng thời cho rằng hành động này "vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc Một Trung Quốc và các điều khoản của ba tuyên bố chung Trung - Mỹ".

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một chủ tịch Hạ viện Mỹ tới Đài Loan sau 25 năm kể từ khi cựu chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich đến đây năm 1997.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba (2/8), chỉ S&P 500 giảm 0,66%, xuống còn 4.091,32 điểm. Nasdaq giảm 0,16% còn 12.348,76 điểm, trong khi Dow Jones chốt phiên giảm 1,23% còn 32.396,3 điểm.

Các cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trong S&P 500 gồm có Microsoft (giảm 1,1%) và Visa (giảm 2,4%). Tất cả 11 nhóm ngành trong S&P 500 đều giảm điểm, trong đó giảm mạnh nhất là nhóm cổ phiếu bất động sản (giảm 1,3%), theo sau là tài chính (giảm 1,1%).

Giá cổ phiếu của các hãng sản xuất chip vốn chịu ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố Trung Quốc có diễn biến trái chiều trong phiên. Riêng mã Advanced Micro Devices tăng tới 2,6% khi công ty chuẩn bị công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 sau giờ giao dịch.

Giá cổ phiếu của nhà sản xuất thiết bị công nghiệp nặng Caterpillar giảm 5,8% sau khi đưa ra cảnh báo nhu cầu đối với máy đào của công ty giảm mạnh hơn do khủng hoảng địa ốc ở Trung Quốc.

Vài tháng gần đây, thị trường tài chính trải qua nhiều xáo trộn lớn do cuộc chiến tranh ở Ukraine, lạm phát tăng cũng như các điều kiện tài chính bị thắt chặt.

Dữ liệu cho thấy số lượng việc làm đang tuyển dụng tại Mỹ trong tháng 6 giảm mạnh nhất trong hơn 2 năm khi nhu cầu lao động giảm trong ngành bán lẻ và bán buôn. Nhìn chung thị trường lao động Mỹ vẫn đang bị thắt chặt, theo đó dư địa để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vẫn còn nhiều.

Số lượng việc làm đang tuyển dụng là một trong những chỉ số được các quan chức Fed theo dõi chặt chẽ và là một trong những yếu tố được xem xét để đưa ra quyết định chính sách.

“Thị trường lao động có thể đang giảm nhiệt, nhưng sự suy giảm này còn lâu mới đến mức độ lao dốc. Triển vọng tăng trưởng kinh tế có thể không còn khả quan như vài tháng trước, nhưng không có dấu hiệu cho thấy nguy cơ sắp xảy ra trên thị trường lao động”, ông Nick Bunker, giám đốc nghiên cứu kinh tế tại phòng thí nghiệm Indeed Hiring ở Washington, nhận định.

Kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm vào tháng trước, các nhà đầu tư bắt đầu suy đoán về các đợt tăng lãi suất tiếp theo.

“Thị trường phải thực sự thoải mái khi nhà đầu tư hoàn toàn hấp thụ tất cả các đợt tăng lãi suất của Fed. Tôi nghĩ đây vẫn là một câu hỏi mở”, ông Rob Haworth, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại U.S. Bank Wealth Management ở Seattle, nhận xét. "Những thách thức và hạn chế về nguồn cung chưa biến mất”.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng gần 1% trước thềm cuộc họp của OPEC+ tuần này. OPEC+ gồm các quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ -OPEC và các đối tác trong đó có Nga.

Thị trường dự báo rằng các nước này sẽ không quyết định tăng sản lượng dầu trong bối cảnh nhiều người lo ngại rằng suy thoái kinh tế toàn cầu có thể làm giảm nhu cầu năng lượng.

Theo 2 trong số 8 nguồn tin của Reuters, trong cuộc họp dự kiến diễn ra ngày thứ Tư (3/8), OPEC+ dự kiến thảo luận về một việc tăng sản lượng nhẹ. Trong khi đó, 6 nguồn tin còn lại nói điều ngược lại.

OPEC+ đã hạ dự báo dư thừa dầu trên thị trường dầu năm nay khoảng 200.000 thùng/ngày, xuống còn 800.000 thùng/ngày, theo các nguồn tin khác của Reuters.

“Các nhà giao dịch năng lượng đang ngày càng tin tưởng rằng OPEC+ sẽ đi ngược lại những lời kêu gọi tăng sản lượng”, ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty phân tích và dữ liệu OANDA, nói.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 51 Cent, tương đương 0,5%, lên 100,54 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 53 Cent, tương đương 0,6%, lên 94,42 USD.

Một yếu tố khác hỗ trợ giá dầu trong phiên ngày 2/8 là giới phân tích nhận định rằng tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm khoảng 600.000 thùng vào tuần trước.