22:14 28/08/2009

5 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đã giải ngân?

Minh Đức

Theo tính toán của VAFI, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) hiện đã giải ngân trong đầu tư cổ phiếu lên tới khoảng 5 tỷ USD

Theo VAFI, nhà đầu tư nước ngoài là những đối tượng tiên phong đòi hỏi sự minh bạch tối đa trong việc đầu tư vào thị trường chứng khoán và đầu tư vào các doanh nghiệp.
Theo VAFI, nhà đầu tư nước ngoài là những đối tượng tiên phong đòi hỏi sự minh bạch tối đa trong việc đầu tư vào thị trường chứng khoán và đầu tư vào các doanh nghiệp.
Theo tính toán của VAFI, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) hiện đã giải ngân trong đầu tư cổ phiếu lên tới khoảng 5 tỷ USD.

Ngày 28/8, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) công bố một bản phân tích nhìn lại dòng vốn FII trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 9 năm qua, cũng như đánh giá những tác động của nó.

Bản phân tích này điểm lại, những tháng năm đầu của thị trường chứng khoán Việt Nam, số quỹ đầu tư nước ngoài hoạt động chỉ đếm trên đầu ngón tay, với tổng số vốn ít ỏi không đến 100 triệu USD, vốn huy động cho mỗi quỹ không quá 10 triệu USD. Nhưng đến thời điểm này, dòng vốn FII đã giải ngân trong việc đầu tư cổ phiếu đã lên tới khoảng 5 tỷ USD.

“VAFI không phải là cơ quan quản lý nhà nước nên không có số liệu chính xác”. Tuy nhiên con số 5 tỷ USD nói trên được đầu mối này tính toán trên cơ sở vốn giải ngân từ nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vào một số ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm và một số doanh nghiệp lớn khoảng 1 tỷ USD; vốn đã giải ngân từ các công ty quản lý quỹ nước ngoài và từ các định chế tài chính nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam khoảng 4 tỷ USD.

Ngoài ra, VAFI tính toán, lượng mua vào trong giai đoạn hiện nay tính bình quân 1 ngày đạt gần 8 triệu USD. Đã có hơn 1.000 tổ chức nước ngoài đăng kỳ mở tài khoản giao dịch tại Việt Nam, trong đó có nhiều tập đoàn tài chính đa quốc gia. “Dĩ nhiên không phải 1.000 tài khoản kia đều tham gia giao dịch, mà thực tế chỉ khoảng 30% là giao dịch, số còn lại còn đang trong quá trình nghiên cứu, chờ đợi thời cơ...”, bản phân tích nhận định.

Cũng theo bản phân tích trên, dòng vốn FII vào thị trường chứng khoán Việt Nam dần dần gia tăng từ quý 3/2006 đến quý 1/2008, thời điểm vào nhiều diễn ra trong năm 2007. Trong thời kỳ này lượng vốn FII đổ vào thị trường trái phiếu chiếm ưu thế (chiếm khoảng 60% - 70%).

Luợng vốn FII đổ vào nhiều trong năm 2007 đã dẫn tới tình trạng quý 3, quý 4/2007 và quý 1/2008 thừa USD tại hệ thống ngân hàng thương mại và dẫn tới  thiếu tiền đồng, gây áp lực làm VND lên giá. Đây cũng là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước mua USD tăng dự trữ ngoại tệ.

Về vai trò của nguồn vốn FII, VAFI cho rằng đây là một yếu tố góp phần cơ bản làm cho hệ thống các doanh nghiệp mạnh của Việt Nam lớn mạnh, đồng thời cũng góp phần kích thích thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển nhanh theo huớng hội nhập.

Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào tiến trình đầu tư chứng khoán đã làm thay đổi cách định giá cổ phiếu của nhà đầu tư trong nước; dòng vốn FII dần dần gia tăng là cách thuyết phục để lôi cuốn nhà đầu tư trong nước tham gia đông đảo; nhà đầu tư nước ngoài là những đối tượng tiên phong đòi hỏi sự minh bạch tối đa trong việc đầu tư vào thị trường chứng khoán và đầu tư vào các doanh nghiệp.

Đáng chú ý là bản phân tích của VAFI đưa ra bình luận: “Nếu thực tế không có nhiều vốn FII trong các năm 2006, 2007, 2008 thì có lẽ hệ thống ngân hàng Việt Nam không thể có quy mô như ngày hôm nay. Trong 3 năm qua hệ thống ngân hàng Việt Nam đã gặp những cơ hội vàng khi luôn dễ dàng huy động được nguồn vốn cổ phần, nhiều ngân hàng đã huy động được lượng vốn cổ phần gấp hàng trăm lần so với trước. Hệ thống ngân hàng đã có điều kiện huy động được hàng chục tỷ USD, số vốn huy động được chủ yếu là nhà đầu tư trong nước, tuy nhiên FII là nhân tố kích thích”.

Đến thời điểm này, VAFI cho rằng dòng vốn FII không còn đóng vai trò quyết định như những năm trước đó. Tuy nhiên nhân tố FII đã làm cho nhà đầu tư trong nước tích luỹ được nhiều kinh nghiệm và đã trưởng thành hơn trước rất nhiều...