15:10 17/04/2013

6 công ty của “bầu” Kiên nợ ACB hơn 7.000 tỷ đồng

Hà Anh

Hàng nghìn tỷ đồng của ACB bị kiểm toán lưu ý liên quan tới Vinalines, hai ngân hàng và 6 công ty của “bầu” Kiên

ACB đã cho 6 công ty mà ông Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch hoặc là thành viên Hội đồng Quản trị vay hơn 3.500 tỷ đồng.
ACB đã cho 6 công ty mà ông Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch hoặc là thành viên Hội đồng Quản trị vay hơn 3.500 tỷ đồng.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB-HNX) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2012 đã được kiểm toán.

Theo thuyết minh báo cáo hợp nhất này, kiểm toán PWC lưu ý đến việc ACB đã cho 6 công ty mà ông Nguyễn Đức Kiên, còn gọi là “bầu” Kiên - nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB, là Chủ tịch hoặc là thành viên Hội đồng Quản trị vay hơn 3.500 tỷ đồng.

Trong đó, một công ty trong nhóm 6 công ty này đang bị điều tra từ bên ngoài từ hồi tháng 8/2012, sau khi ông Kiên bị bắt giữ. Các ơ quan chức năng đang tìm kiếm thông tin liên quan đến các giao dịch và số dư giữa Ngân hàng với các công ty này.

Ngoài khoản cho vay trên, ACB còn có số dư đầu tư vào chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn và khoản phải thu khác với các công ty của “bầu” Kiên là trên 3.600 tỷ đồng. Cụ thể, tại ngày 31/12/2012, số chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn là 2.450 tỷ đồng, lãi suất từ 5,29% đến 14,85% và các khoản phải thu khác từ cho vay khách hàng gần 1.167 tỷ đồng, lãi suất 0%. Biên độ khác biệt của lãi suất là do khác biệt loại tiền tệ cho vay.

Tại ngày 31/12/2012, sau khi nhóm 6 công ty bầu ra ban lãnh đạo mới và hoạt động đi vào ổn định, tại thời điểm cuối năm 2012 và ngày 5/3/2013, ACB đã ký thỏa thuận với 5 trong số 6 công ty này gồm 3 vấn đề.

Một là, mọi giao dịch tài chính, giao dịch thanh toán, nhận thanh toán của các công ty phải thực hiện qua tài khoản của các công ty tại ACB.

Hai là, ACB có quyền yêu cầu các công ty bán, chuyển nhượng tài sản đảm bảo khi giá trị tài sản đảm bảo tại thời điểm chuyển nhượng cao hơn tại thời điểm thế chấp.

Ba là, thu nhập từ danh mục đầu tư của các công ty, bao gồm cả những khoản đầu tư không thế chấp tại ACB sẽ được dùng để thanh toán nghĩa vụ nợ của công ty với ngân hàng.

Cũng theo báo cáo, chi tiết tài sản thế chấp mà ACB nắm giữ để đảm bảo cho số dư của 6 công ty này gồm: cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác là hơn 3.458 tỷ đồng; cổ phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết là hơn 1.989 tỷ đồng; góp vốn vào doanh nghiệp hơn 925 tỷ đồng và thư bảo lãnh của ngân hàng khác 750 tỷ đồng.

Một khoản nợ khác cũng được kiểm toán PCW công bố là 853,698 tỷ đồng ACB cho Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) vay và một công ty con của Vinalines, trong đó 746,847 tỷ đồng cho vay với mục đích mua và đóng tàu biển; 106,851 tỷ đồng cho vay tài trợ vốn lưu động. ACB cho biết chưa nhận được chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc xử lý các khoản nợ này.

Cũng tại báo cáo này, kiểm toán cũng lưu ý về hai khoản tiền gửi lớn của ACB tại hai ngân hàng. Trong số này có 718,908 tỷ đồng gửi tại Vietinbank đã quá hạn và 1.095 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng khác trong nước bị quá hạn.