17:41 13/05/2008

Bao nhiêu công ty chứng khoán là đủ?

Nguyễn Ngọc Bảo Lâm

Liệu đây đã phải là lúc giới hạn số lượng công ty chứng khoán trên thị trường?

Khó khăn chung của nền kinh tế, áp lực suy giảm của thị trường đã ảnh hưởng rất nhiều tới các công ty chứng khoán, hoạt động ngày càng khó khăn, doanh thu giảm sút - Ảnh: Việt Tuấn.
Khó khăn chung của nền kinh tế, áp lực suy giảm của thị trường đã ảnh hưởng rất nhiều tới các công ty chứng khoán, hoạt động ngày càng khó khăn, doanh thu giảm sút - Ảnh: Việt Tuấn.
Trong giai đoạn thị trường sụt giảm liên tục, một câu hỏi đang được đặt ra là liệu cơ quan quản lý có nên giới hạn số lượng các công ty chứng khoán trên thị trường?

Câu hỏi này dường như tốt hơn nhiều so với “số lượng công ty chứng khoán như vậy là có nhiều quá không?”. Ít nhất, nó cũng mang định hướng hành động!

Công chúng dường như ít quan tâm tới vấn đề này trong giai đoạn đầu phát triển thị trường hay trong suốt thời gian thị trường tăng trưởng mạnh, giá tăng liên tục, nhà đầu tư, nhà phát hành, nhà cung cấp dịch vụ đều “vui vẻ”.

Trong giai đoạn đầu, các quy định về thành lập công ty chứng khoán rất đơn giản. Nhà nước còn áp dụng chính sách ưu đãi thuế đề khuyến khích thành lập công ty chứng khoán. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm đầu, giảm 50% thuế trong 3 năm tiếp theo, ưu đãi thuế 20% (thay vì 28%). Ngay cả khi ban hành Luật Chứng khoán (cuối 2006), các điều kiện cơ bản để xin thành lập công ty chứng khoán cũng rất dễ dàng.

Trước tình hình nhu cầu lập công ty chứng khoán tăng mạnh, Bộ Tài chính khi dự thảo Nghị định 14 và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán đã nâng tiêu chí thành lập công ty chứng khoán lên rất nhiều. Yêu cầu về vốn tăng từ 44 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng, yêu cầu phải có vốn thực góp, yêu cầu kiểm toán tổ chức góp vốn, yêu cầu về năng lực giám đốc… Ưu đãi về thuế cho công ty chứng khoán mới thành lập đã được bãi bỏ.

Mặc dù vậy, số lượng hồ sơ xin cấp phép vẫn tăng mạnh. Do kinh doanh chứng khoán là ngành kinh doanh có điều kiện nên nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, đáp ứng được mọi yêu cầu của pháp luật, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn phải cấp phép.

Khi thị trường suy giảm, cũng theo đà suy giảm của thị trường toàn cầu, giá liên tục giảm, thị trường mất gần 60% giá trị so với thời điểm “đỉnh cao”. Khó khăn chung của nền kinh tế, áp lực suy giảm của thị trường đã ảnh hưởng rất nhiều tới các công ty chứng khoán, hoạt động ngày càng khó khăn, doanh thu giảm sút.

Đây đang là lúc mọi đối tượng tham gia thị trường nhìn nhận lại một cách cẩn trọng hành động của mình, để ít nhất là tránh tổn thất lớn trong tình hình khó khăn chung.

Về phía cơ quan quản lý, Ủy ban Chứng khoán đã công bố tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ mới để chờ Chính phủ nâng tiêu chí thành lập công ty chứng khoán mới, mặc dù về nguyên tắc, hiện không có quy định gì về việc giới hạn số lượng giấy phép cấp ra là bao nhiêu, hoặc trong trường hợp nào thì ngừng cấp phép thành lập công ty chứng khoán.

Liệu đây đã phải là lúc giới hạn số lượng công ty chứng khoán trên thị trường?

Bài học từ các thị trường mới nổi cho thấy Trung Quốc trước đây có số lượng công ty chứng khoán lên đến 2.000 công ty, nhưng đến thời điểm sụt giảm còn 70 công ty, hiện nay là 107 công ty. Đài Loan thời điểm cao nhất có 278 công ty, sau đó sụt giảm còn 48 công ty. Thái Lan trước đây cũng có tới hơn 200 công ty chứng khoán, sau đó giảm xuống còn hơn 50 công ty.

Việc giảm số lượng các công ty chứng khoán tại các nước thường được thực hiện thông qua việc tăng yêu cầu về mức đủ vốn của các công ty chứng khoán (đây cũng là điều kiện cơ bản và khó nhất khi lập công ty chứng khoán). Điều này dẫn đến hàng loạt các cuộc sáp nhập, thâu tóm, hợp nhất giữa các công ty.

Liệu các công ty chứng khoán còn non trẻ của Việt Nam đã sẵn sàng cho quá trình này chưa?

Mặt khác, theo cam kết về dịch vụ chứng khoán khi Việt Nam gia nhập WTO, vào năm 2012, các công ty chứng khoán nước ngoài được phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh, công ty chứng khoán 100% vốn tại Việt Nam. Giới hạn số lượng công ty chứng khoán lúc này sẽ đặt các công ty chứng khoán trong nước vào nguy cơ bị thâu tóm bởi các công ty nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh. Kinh doanh dịch vụ chứng khoán nhiều khả năng sẽ trở thành sân chơi do các nhà cung cấp dịch vụ khổng lồ nước ngoài thống trị, trong khi các công ty trong nước với kinh nghiệm còn non trẻ, tiềm lực kinh tế còn mỏng khó lòng sống sót trong cuộc cạnh tranh sắp tới.

Do vậy, nếu dùng biện pháp tăng yêu cầu về vốn để khống chế số lượng các công ty chứng khoán thì nên cân nhắc tăng đến bao nhiêu là hợp lý.

Yêu cầu về vốn 300 tỷ đã là một con số tương đối lớn đối với một nhà cung cấp dịch vụ trong nước, bởi thiết nghĩ công ty chứng khoán không cần thiết phải có số vốn lớn đến như một ngân hàng thương mại (hiện mức vốn tối thiểu là 1.000 tỷ), đồng thời cần cân nhắc tới tương quan với tổng giá trị vốn hóa thị trường và số lượng hàng hóa trên thị trường.

Chúng ta nên tập trung vào việc nâng tiêu chí thành lập công ty chứng khoán dưới góc độ nâng cao chất lượng, như việc bắt buộc khi thành lập công ty chứng khoán mới cần phải có sự tham gia của các định chế tài chính lớn như ngân hàng, bảo hiểm…

Trong mọi thời điểm, thiết nghĩ, vấn đề chất lượng nên được đặt lên hàng đầu, nhất là trong tình hình thị trường hiện nay, việc tăng cường năng lực cho đội ngũ trung gian thị trường càng là vấn đề cấp thiết.

* Tính đến tháng 4/2008, số lượng công ty chứng khoán được cấp phép chính thức tại Việt Nam là 98 công ty và hiện tại một số công ty đang trong quá trình thẩm định. Trong đó, hơn 80 công ty đã hoạt động thực sự với vai trò là thành viên của hai sàn.

Số lượng công ty chứng khoán đã có sự gia tăng khá mạnh so với thời điểm năm 2001 khi thị trường mới thành lập, chỉ có 8 công ty. Đặc biệt giai đoạn cuối năm 2006 trước khi Luật Chứng khoán có hiệu lực, số lượng công ty chứng khoán là 55 công ty, trong năm 2007 đã tăng lên tới 78 công ty.