00:29 23/06/2009

Bảo Việt chào sàn: “Giá tham chiếu 38.500 đồng là hợp lý”

Minh Đức

Mức giá tham chiếu 38.500 đồng của cổ phiếu Bảo Việt được cho là hợp lý, phù hợp với giá trị nội tại và các yếu tố thị trường

“Chúng tôi thấy rằng đó là mức giá phù hợp, vừa là giá trị nội tại của doanh nghiệp hiện nay cũng như tính tới các yếu tố thị trường hiện nay” - ông Lê Quang Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bảo Việt.
“Chúng tôi thấy rằng đó là mức giá phù hợp, vừa là giá trị nội tại của doanh nghiệp hiện nay cũng như tính tới các yếu tố thị trường hiện nay” - ông Lê Quang Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bảo Việt.
Mức giá tham chiếu 38.500 đồng của cổ phiếu Bảo Việt được cho là hợp lý, phù hợp với giá trị nội tại và các yếu tố thị trường…

Ngày 25/6 này, hơn 573 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Bảo Việt sẽ chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) với mã BVH.

Đây là cổ phiếu đầu tiên trong loạt doanh nghiệp lớn chính thức chào sàn trong năm 2009; sau Bảo Việt là kế hoạch của Vietcombank và Vietinbank.

“Giá tham chiếu 38.500 đồng là hợp lý”

Ngày 3/6/2007, phiên đấu giá cổ phần Bảo Việt tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC) kết thúc với giá đấu thành công bình quân 73.910 đồng/cổ phần.

Hai năm sau, cổ phiếu của Bảo Việt chính thức niêm yết tại HOSE với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 38.500 đồng/cổ phiếu, chỉ hơn phân nửa so với mức giá đấu thành công bình quân trước đó.

Về mức giá khởi điểm trên, tại cuộc họp báo ngày 22/6, ông Lê Quang Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bảo Việt, cho biết: “Chúng tôi dự kiến đưa ra mức giá 38.500 đồng/cổ phiếu. Lý do là với tư vấn của chúng tôi, Hội đồng Quản trị của chúng tôi, gồm có cả các nhà tư vấn trong và ngoài nước, đã lựa chọn các phương pháp định giá làm sao sát thực nhất với giá trị nội tại của Bảo Việt, đồng thời khi tính toán cũng căn cứ trên yếu tố thị trường”.

Trên thị trường OTC, giá cổ phiếu Bảo Việt theo một số giao dịch thành công gần đây cũng nằm trong khoảng 38.000 – 40.000 đồng/cổ phiếu.

Ông Bình cũng cho rằng mức giá tham chiếu 38.500 đồng nói trên là kết quả tổng hòa của việc tính giá trị nội lực, khả năng sinh lợi của Bảo Việt trong năm 2009 và trong tương lai, cũng như tính tới yếu tố thị trường. Và mức giá đó cũng đã có “tham khảo” các giao dịch trên thị trường của cổ phiếu những công ty có sự tương đồng với Bảo Việt trong cùng lĩnh vực hoạt động.

“Chúng tôi thấy rằng đó là mức giá phù hợp, vừa là giá trị nội tại của doanh nghiệp hiện nay cũng như tính tới các yếu tố thị trường hiện nay”, ông Bình khẳng định.

Xét về yếu tố nội tại hay triển vọng phát triển của doanh nghiệp, gần nhất trong năm 2009, Bảo Việt đang đứng trước những kết quả khá thuận lợi. Thông tin công bố tại buổi họp báo cho thấy tập đoàn này đã vượt một số chỉ tiêu kinh doanh của cả năm chỉ sau 5 tháng đầu năm.

Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2009 của Bảo Việt đã thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn là 9.717 tỷ đồng và 775 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tới tháng 5, doanh thu hợp nhất đã đạt được 4.055 tỷ đồng, tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ năm 2008, đạt 41,7% kế hoạch năm.

Đáng chú ý là sau 5 tháng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Bảo Việt đã đạt 842 tỷ đồng, hoàn thành 108,6% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế chi cổ tức của các cổ đông của Tập đoàn đạt 580 tỷ đồng, hoàn thành 110% kế hoạch năm.

Theo bà Nguyễn Thị Phúc Lâm, Tổng giám đốc Bảo Việt, kết quả hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đạt cao như trên là do có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu và tiết kiệm chi phí trong những tháng nửa đầu năm 2009; riêng hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ cũng đã có tăng trưởng mạnh. Và một nguyên nhân chính là do hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán khi thị trường chứng khoán phục hồi mạnh so với thời điểm đầu năm 2009.

HSBC ngắm mục tiêu sở hữu 25%

Tại cuộc họp báo trên, ông Lê Quang Bình cũng đề cập đến định hướng tiếp tục đầu tư của HSBC Insurance tại Bảo Việt trong thời gian tới, cụ thể là trong năm 2009.

Hiện HSBC Insurance là cổ đông chiến lược nước ngoài của Bảo Việt với tỷ lệ sở hữu 10%. Trong năm 2009, hai bên đã tính tới kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu này thêm 8% lên 18%. Mức cao hơn trong tương lai theo ông Bình là 25%.

“Theo cam kết, nếu HSBC hỗ trợ kỹ thuật, nếu kết quả kinh doanh Bảo Việt tăng lên thì HSBC được quyền nắm thêm 8%. Và đây có đại diện HSBC, tôi xin công bố luôn là HSBC có nguyện vọng muốn sở hữu thêm 8%, lên 18% trong tổng vốn điều lệ của Bảo Việt, dự kiến là trong năm 2009 này”, ông Bình nói.

“Trong vòng 20 tháng qua, chúng tôi đã cử chuyên gia hỗ trợ và hợp tác với Bảo Việt. Có thể nói là cả hai bên đều rất hài lòng về kết quả đạt được. Chúng tôi vui mừng về việc chấp thuận được mua thêm 8% cổ phần của tập đoàn này”, đại diện HSBC Insurance cũng cho biết.

Với tỷ lệ sở hữu hiện tại, HSBC cam kết hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm. Đây cũng là một phần trong phần lớn lượng cổ phiếu Bảo Việt bị hạn chế chuyển nhượng khi đã chính thức niêm yết.

Cụ thể, khi tiến hành cổ phần hóa, việc lựa chọn cổ đông chiến lược trong và ngoài nước của Bảo Việt đi cùng với các cam kết về hạn chế chuyển nhượng trong thời gian đầu. Ngoài HSBC, 77% cổ phần của cổ đông sáng lập trong nước là Bộ Tài chính, 3,56% của Vinashin đều có cam kết không chuyển nhượng trong vòng 3 năm.