09:52 07/01/2010

Chủ tịch VinaCapital nói gì về triển vọng đầu tư 2010?

Thanh Hải

Năm 2009 chứng kiến những khó khăn của quỹ đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam

Ông Horst F.Geicke, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VinaCapital Group.
Ông Horst F.Geicke, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VinaCapital Group.
Năm 2009 chứng kiến những khó khăn của quỹ đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, nhiều quỹ đã phải thu hẹp quy mô hoạt động hoặc phá sản.

Tuy vậy, ông Horst F.Geicke, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VinaCapital Group cho rằng, trong năm 2010 và những năm tiếp theo Việt Nam vẫn rất hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Dưới góc nhìn của một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VinaCapital Group đã có những đánh giá tính cực về kinh tế Việt Nam trong năm 2009.

Ông Horst F.Geicke nói:

- Năm 2009, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định trong phát triển kinh tế như: ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng hợp lý trong bối cảnh các nước trong khu vực đều gặp khó khăn, kinh tế vĩ mô tương đối ổn định.

Nhưng bên cạnh những điểm đạt được, kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều điểm chưa đạt được như: hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do thị trường co lại, tỷ giá hối đoái điều chỉnh chưa kịp thời, hoạt động của các tập đoàn Nhà nước chưa thực sự hiệu quả... đã ảnh hưởng đến hoạt động chung của toàn bộ nền kinh tế.

Tuy nhiên, để đạt được thành công trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu và là một trong số ít các nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng dương ở mức cao trong năm 2009, cần phải ghi nhận Chính phủ Việt Nam đã rất cố gắng và bản lĩnh trong hoạt động điều hành chính sách vĩ mô của mình.

Còn môi trường đầu tư thì sao, thưa ông?

Tôi cho rằng, việc con số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2009 giảm không phản ánh rõ ràng thái độ của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường này, vì bản thân các tập đoàn lớn nhỏ trên thế giới cũng gặp rất nhiều khó khăn trong cơn bão tài chính vừa qua.

Cho tới nay, rất nhiều trong số họ vẫn chưa thực sự vượt qua khó khăn nên việc quyết định đầu tư mới hay xâm nhập thị trường mới sẽ cần thêm thời gian để đắn đo và xem xét kỹ lưỡng. Nhưng có một điều tôi thấy rõ là Chính phủ Việt Nam rất ưu ái, tạo nhiều điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài trong các hoạt động kinh doanh, đầu tư của họ tại Việt Nam. Đây là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thu hút đầu tư trong những năm tới.

Trong năm 2009, các quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn. Điều đó ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch huy động quỹ của các quỹ đầu tư nước ngoài cho thị trường Việt Nam?

Thông thường, khi huy động quỹ các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ hợp tác với các đối tác trong nước để cùng phát triển các dự án. Khi khủng hoảng tài chính xảy ra, bản thân các đối tác trong nước cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ và điều này dẫn đến sự điều chỉnh trong hoạt động và chiến lược kinh doanh của họ.

Tiếp sau đó sự hợp tác của họ đối với các đối tác cũng được điều chỉnh theo, đôi khi điều này làm cho kế hoạch giải ngân hay đầu tư của các quỹ đầu tư nước ngoài bị đảo lộn. Một chuỗi sự điều chỉnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó có kế hoạch huy động vốn của các quỹ từ thị trường nước ngoài.

Cũng như tất cả các quỹ đầu tư khác, trong mỗi kỳ huy động vốn, chúng tôi chỉ huy động đủ lượng tiền cần thiết cho hoạt động đầu tư theo kế hoạch 6 tháng hay 1 năm. Khủng hoảng tài chính đã khiến việc huy động vốn của nhiều quỹ đầu tư gặp khó khăn vì các nhà đầu tư cũng đang gặp khó khăn về tài chính. Do vậy hoạt động đầu tư, trong một chừng mực nào đó cũng bị chậm lại, thậm chí là đình trệ.

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài trong những năm tới, đặc biệt năm 2010, theo ông, Việt Nam cần có những thay đổi như thế nào? Đâu là lĩnh vực quan trọng nhất cần phải có sự thay đổi mạnh?

Một trong những lĩnh vực mà tôi nghĩ cần phải thúc đẩy hoạt động đầu tư mạnh mẽ hơn nữa là cơ sở hạ tầng. Đây là lĩnh vực tối cần thiết và là nền móng cho sự phát triển bền vững, ổn định cho bất kỳ một nền kinh tế nào, một quốc gia nào.

Ngoài ra, năm 2010 cũng là năm mà cả 4 mục tiêu vĩ mô gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, lạm phát và xuất khẩu ròng được Chính phủ Việt Nam xác định rất rõ ràng và chi tiết nên việc thực hiện các thay đổi cần thiết chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.

Năm 2010, ông dự báo như thế nào về tiềm năng cũng như cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam? Theo ông, lĩnh vực ngành nghề nào sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài nhất?

Trong kỳ hội nghị các nhà đầu tư VinaCapital 2009 mà tập đoàn chúng tôi tổ chức ở Hà Nội tháng 11/2009, chúng tôi đã đưa ra một số dự báo ban đầu cho các cơ hội đầu tư ở thị trường Việt Nam trong năm 2010. Chúng tôi tin rằng một số các lĩnh vực sẽ phát triển mạnh trong năm tới gồm: dịch vụ y tế, sản xuất hàng tiêu dùng, dịch vụ tài chính, ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch thân thiện với môi trường, ngành công nghệ cao.

Những ngành này cũng đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận người dân và phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.