17:27 29/07/2010

Chứng khoán châu Á điều chỉnh nhẹ

An Huy

Hầu hết các thị trường chứng khoán chủ chốt ở khu vực châu Á hôm nay chứng kiến sự giảm điểm nhẹ

Giảm giá nhiều nhất trong phiên hôm nay tại châu Á chính là cổ phiếu của các hãng xuất khẩu lớn sang thị trường Mỹ - Ảnh: AP.
Giảm giá nhiều nhất trong phiên hôm nay tại châu Á chính là cổ phiếu của các hãng xuất khẩu lớn sang thị trường Mỹ - Ảnh: AP.
Hầu hết các thị trường chứng khoán chủ chốt ở khu vực châu Á hôm nay chứng kiến sự giảm điểm nhẹ sau chuỗi 4 phiên tăng điểm liền trước đó. Nỗi lo về triển vọng tăng trưởng lại dấy lên giới đầu tư châu Á sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)nhận định kém lạc quan về nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Lúc 16h45 chiều nay theo giờ Tokyo, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương đứng ở mức 119,46 điểm, gần như không thay đổi so với phiên trước. Tuy nhiên, số cổ phiếu giảm giá trong chỉ số này đã vượt số cổ phiếu tăng giá với tỷ lệ 5:4. So với mức đỉnh của năm nay thiết lập vào ngày 15/4, MSCI châu Á-Thái Bình Dương đã mất 7,4% số điểm.

Viễn cảnh kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung trở nên mờ mịt hơn sau khi FED hôm qua công bố báo cáo Beige Book về các điều kiện kinh tế cho rằng, kinh tế Mỹ tiếp tục hồi phục nhưng tốc độ ở mức khiêm tốn. Các hoạt động kinh tế ở 10/12 khu vực theo điều tra của FED không thực sự mạnh mẽ, thậm chí còn đuối sức trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, lượng đơn đặt hàng tiêu dùng lâu bên của Mỹ trong tháng 6 giảm 1%, mạnh hơn mức giảm 0,8% trong tháng liền trước. Đặc biệt, tốc độ suy giảm này trái chiều với dự báo tăng 1% của giới phân tích kinh tế.

Như vậy, tin xấu đã trở lại với kinh tế Mỹ sau khoảng 10 ngày vắng bóng. Tại khu vực châu Á hôm nay, hầu như không có con số thống kê nào được cho là có tác động đáng kể tới thị trường.

“Triển vọng tăng trưởng đang ở thời điểm khó đoán biết. Tôi cũng không rõ là tình trạng này còn kéo dài bao lâu”, chiến lược gia Kiyoshi Ishigane thuộc công ty quản lý tài sản Mitsubishi UJF Asset Management ở Tokyo phát biểu trên Bloomberg.

Sự giảm điểm hôm nay diễn ra ở hầu hết các thị trường lớn, tuy mức giảm tương đối khiêm tốn so với những phiên tăng trước đó. Dư âm lạc quan của những phiên giao dịch trước vẫn còn đó, nhưng sự thận trọng cũng đã trở lại.

Đóng cửa ngày giao dịch, Nikkei 225 của thị trường Nhật giảm 0,6%, Hang Seng của Hồng Kông giảm 0,1%; S&P ASX 200 trượt 0,1%, Kospi của Hàn Quốc mất 0,2%. Riêng Shanghai Composite Index của Thượng Hải tăng 0,6% khi chốt phiên.

Giảm giá nhiều nhất trong phiên hôm nay tại châu Á chính là cổ phiếu của các hãng xuất khẩu lớn sang thị trường Mỹ.

Cổ phiếu của hãng điện tử Samsung giảm 1,2% ở thị trường Seoul, cổ phiếu của hãng game Nintendo ở thị trường Tokyo giảm 1,5%, cổ phiếu hãng máy tính NEC của Nhật giảm 3,7% sau báo cáo kết quả kinh doanh tệ hơn dự báo. Đặc biệt, cổ phiếu của Panasonic tại Tokyo đã giảm 7,7% sau khi có tin đồn công ty nằm sắp phát hành thêm cổ phiếu ra thị trường.

Bù lại cho sự giảm giá của những cổ phiếu trên, thị trường khu vực hôm nay cũng chứng kiến sự tăng giá mạnh không kém của nhiều cổ phiếu lớn.

Chẳng hạn, cổ phiếu của hãng công nghệ HTC ở Đài Loan tăng 6,9% sau khi HSBC nâng mức đánh giá đối với cổ phiếu này. Tại thị trường Tokyo, cổ phiếu của nhà vận tải biển Nippon Yusen tăng 5% sau tuyên bố tăng gấp đôi dự báo lợi nhuận. Cổ phiếu của hãng hàng không có nhiều phi cơ nhất Trung Quốc China Southern Airlines niêm yết tại Hồng Kông tăng 4,4% sau khi công ty này cho biết, lợi nhuận nửa đầu năm của hãng có thể đã tăng 5.000%.