16:21 04/11/2015

Chứng khoán chiều 4/11: Blue-chips sụt mạnh

Lan Ngọc

VN30-Index phải đóng cửa dưới tham chiếu 0,4%, kéo theo VN-Index cũng giảm

VN-Index đã không thể phục hồi được chiều nay mà còn giảm sâu hơn do các blue-chips suy yếu. ảnh TVsI
VN-Index đã không thể phục hồi được chiều nay mà còn giảm sâu hơn do các blue-chips suy yếu. ảnh TVsI
Mặc dù vẫn còn một số mã lớn tăng, nhưng tình hình chung của các blue-chips chiều nay đã xấu đi. VN30-Index phải đóng cửa dưới tham chiếu 0,4%, kéo theo VN-Index cũng giảm.

Rổ VN30 chốt phiên có tới 20 mã giảm giá so với phiên sáng, duy nhất DPM tăng thêm 2 bước giá. Mặt bằng giá ở các blue-chips do đó đã thấp hơn khá nhiều so với phiên sáng. May mắn là GAS cũng tăng được 2 bước giá nên VN-Index có “giảm xóc” một chút.

Độ rộng của nhóm VN30 thu hẹp nhanh chóng, chỉ còn 7 mã tăng giá trong khi 19 mã quay đầu giảm. Chỉ số này rơi thêm 0,7% so với thời điểm cuối phiên sáng, tương đương đánh mất 1,49% so với đỉnh của ngày. Đó là mức sụt giảm rất lớn chỉ trong một phiên.

Số tăng giá vẫn có mặt SSI tăng 0,84%, thực ra đã là lùi 1 bước giá so với phiên sáng; PVD tăng 0,55%, cũng là giảm 1 bước giá; MSN tăng 1,36%, giảm 500 đồng; DPM tăng 1,79%, tăng thêm 2 bước giá; PPC tăng 0,54%, không thay đổi. PVT tăng 0,88% cũng không đổi so với phiên sáng.

Những mã đánh mất động lực tăng đáng kể nhất là VNM, chỉ còn tham chiếu; VIC rơi tới 7 bước giá, đóng cửa giảm 0,87%; FPT rơi 2 bước giá, giảm 0,95%; GMD rơi 4 bước giá, giảm 1,16%...

Sàn HNX cũng có hiện tượng tương tự. Chỉ số HNX30 đóng cửa giảm 0,33% so với tham chiếu, tương đương sụt riêng chiều nay tới 0,52%. Rổ này may mắn vẫn còn một số mã khá lớn tăng như VND, VCG, PGS, PVB, BVS. Ngược lại PVS giảm 0,45%, ACB giảm 0,97%, BCC giảm 2,56%, KLS giảm 1,43% có tác động lớn nhất. Chỉ số HNX-Index cũng đóng cửa giảm 0,2%.

Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng điều chỉnh nhanh chiều nay là dòng tiền hơi nhỏ, đặc biệt là tại các blue-chips. Toàn thị trường chỉ khớp lệnh thêm 946,5 tỷ đồng, giảm 18% so với chiều hôm qua. Đặc biệt rổ VN30 giao dịch rất nhỏ, sụt giảm 28% thanh khoản so với phiên trước. HNX30 thậm chí giảm tới 35%.

Với sức mua khá yếu như vậy, thị trường đã không thể nào lặp lại diễn biến tích cực của chiều hôm qua, khi các blue-chips rùng rùng tăng giá.

Nhà đầu tư đã không phải là đối tượng bán ra chủ yếu trong ngày hôm nay. Một số cổ phiếu bị xả lớn, nhưng tổng thể vị thế vẫn là mua ròng trực tiếp qua khớp lệnh và ở một khía cạnh nào đó là nâng đỡ giá.

Chẳng hạn VCB, sức ép bán ra từ nhà đầu tư trong nước là tương đối lớn, nhưng khối ngoại mua mạnh đã giữ giá ở tham chiếu. Cụ thể, đã có 589.100 VCB được mua, chiếm tới gần 63% khối lượng giao dịch thành công ở cổ phiếu này.

Nếu tính chi tiết hơn, chỉ riêng trong phiên chiều, thời gian mà VCB bị ép mạnh nhất, khối ngoại mua tới 412.760 cổ phiếu, chiếm 79% lượng giao dịch buổi chiều. Nếu không có sức mua lớn này thu gom gần hết lượng xả thì VCB có thể sụt giảm giá hơn nữa.

Các cổ phiếu nhận được lực đỡ trực tiếp lớn của khối ngoại qua giao dịch khớp lệnh là SSI, DLG, NT2, CTG, HHS, CII, BID. Đó là những mã có mức mua ròng trên 5 tỷ đồng.

Phía bán, HPG chịu một tác động cực lớn với 776.410 cổ phiếu bị xả, chiếm hơn 68% lượng giao dịch. Cổ phiếu này bị rút vốn ròng tới 20,8 tỷ đồng và giá giảm 1,27%.

Tuy nhiên GAS mới là cổ phiếu bị bán ra với giá trị tuyệt đối lớn nhất. Khoảng 31,8 tỷ đồng giá trị cổ phiếu bị xả và hầu như không có mua vào.

Tại MSN, khối ngoại lộ diện là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu này trồi sụt cực mạnh trong ngày. MSN đánh mất gần 2,7% điểm giá tăng trong ngày và khối ngoại tung ra bán 26,7 tỷ đồng giá trị cổ phiếu. Mức vốn bị rút đi ròng là gần 22,5 tỷ đồng.

Mặc dù xuất hiện nhiều giao dịch lớn ở cả hai chiều, nhưng nhìn chung khối ngoại vẫn tăng mua nhiều hơn tăng bán qua khớp lệnh. Điều này dẫn tới lực đỡ tốt hơn là lực xả. Tổng giá trị mua khớp lệnh 2 sàn là 192,4 tỷ, tăng 41% so với hôm qua. Tổng giá trị bán là 151,4 tỷ, tăng gần 25%.