14:44 14/09/2011

Chứng khoán ngày 14/9: Chưa thể kết thúc chóng vánh

Lan Ngọc

Tiền vào nhiều thì giá nên tăng tương ứng. Tiền càng nhiều mà giá không tăng được thì rõ ràng đang có một lực bán ẩn

VN-Index hôm nay dù được nâng đỡ bởi BVH cũng không chống lại được xu hướng của thị trường chung.
VN-Index hôm nay dù được nâng đỡ bởi BVH cũng không chống lại được xu hướng của thị trường chung.
Vẫn là mối quan hệ cơ bản giữa tiền và giá. Tiền vào nhiều thì giá nên tăng tương ứng. Tiền càng nhiều mà giá không tăng được thì rõ ràng đang có một lực bán ẩn. Đó là điều đang diễn ra mấy ngày nay.

Tổng giá trị khớp lệnh của phiên hôm nay trên hai sàn nhảy vọt lên mức 2.106 tỷ đồng, tăng 21,3% so với hôm qua. Riêng tại HNX, giá trị khớp tăng tới trên 40%, lần đầu tiên sau 9 tháng đã vượt con số 1.000 tỷ đồng.

Tiền vào mạnh là điều rất tốt, nhất là khi đa số suy luận rằng mức lãi suất tiền gửi bị ép về 14% sẽ khiến kênh giữ tiền này kém hấp dẫn. Tiền sẽ chạy vào đâu là câu hỏi ai cũng mong trả lời được, và mặc nhiên kỳ vọng lớn nhất là vào kênh chứng khoán.

Tuy nhiên có vẻ như thị trường luôn đưa nhà đầu tư vào thế ngược lại, khi những kỳ vọng đó trái ngược với diễn biến thị trường. Hôm nay áp lực xả hàng là rất mạnh. Dĩ nhiên thanh khoản đạt mức cao như vậy cũng phản ánh lượng vốn vào, và như rất nhiều lần khác, câu hỏi “ai mua” được đặt ra nhiều hơn, dù ai cũng biết có vế ngược lại: ai đã bán mấy phiên hôm nay.

Đánh giá thị trường từ góc độ người mua thường được người lạc quan sử dụng nhiều hơn, trong khi ít quan tâm đến góc độ người bán. Thị trường đang hưng phấn thì lượng tiền lớn vào mua là điều bình thường. Chỉ có hiện tượng bán ra trong bối cảnh lạc quan mới là điều cần xem xét.

Thị trường đã tăng được một quãng dài, với cả trăm mã đem lại lợi nhuận rất cao vài chục phần trăm. Trong bối cảnh đó sự phân rã về kỳ vọng là điều thường xảy ra. Giá càng tăng càng có nhiều người bán, tức là càng có nhiều người bớt đi kỳ vọng về khả năng tăng cao hơn nữa. Chỉ có điều quán tính của thị trường quá lớn do mấy tuần qua tiền vào rất mạnh, nên sự mất cân đối cung cầu phải diễn ra qua nhiều phiên, hơn là một vài phiên như hồi tháng 6.

Hôm nay khá nhiều cổ phiếu trụ cột bị xả hàng mạnh. SSI trên HSX là một ví dụ khi không vượt qua nổi mức giá bình quân 200 ngày. SSI đã có 3 phiên kiểm tra lại ngưỡng trên 22.000 đồng mà không thành công. Thanh khoản ở mức cao, giá liên tục tăng lên rồi bị ép xuống trở lại. Biến động đó phản ánh áp lực bán ở giá cao luôn mạnh hơn cầu.

KLS, PVX, SHN, VCG, BVS, VND... trên HNX cũng tương tự, thậm chí thời gian giằng co ở các ngưỡng kháng cự còn dài hơn SSI. Mặc dù những mã này đã đuối sức khá rõ từ tuần trước, nhưng thanh khoản vẫn rất lớn những phiên gần đây, chứng tỏ vẫn có dòng vốn đầu cơ chậm chân lao vào mua.

Về mặt kỹ thuật khi giá được đẩy lên cao rồi bị ép trở lại với thanh khoản cao thì tín hiệu rủi ro xuất hiện. Nghĩa là lượng vốn dù tăng, nhưng không đẩy giá đi thêm được nữa tại thời điểm đó. Như vậy để vượt qua mức kháng cự này, sức cầu cần đột biến thực sự, hoặc có một thông tin hỗ trợ đủ sức nặng.

Một điểm tích cực đối với người cầm cổ, là nếu chọn đúng mã trong một tuần gần đây thì cơ hội kiếm lợi nhuận vẫn có. Tuy nhiên như đã nói từ trước, khi sự phân hóa bắt đầu diễn ra, thị trường trở nên rất khó chơi vì không phải ai cũng đu kịp vào những mã tăng giá trong “lứa” thứ hai.

Mặt khác, nếu các cổ phiếu trụ cột không giữ được sự tích lũy thì khả năng suy yếu của những cổ phiếu nhỏ cũng nhanh như khi tăng lên. Hiếm có cổ phiếu vốn hóa nhỏ đi ngược được thị trường một cách dài hơi.

Một điểm lạ hôm nay là áp lực bán tăng lên đột biến trong những phút cuối ngày trên cả hai sàn. Khá nhiều cổ phiếu dao động cực mạnh, thậm chí bị ép sàn. Hoạt động này không giống lắm tình trạng phân phối vì nếu muốn bán được giá, người bán sẽ lựa theo sức mua hơn là bán hạ giá ồ ạt như vậy.

Có thể số đông người cầm cổ quá lãi đã đồng loạt thoát ra hôm nay, và dù mức khuyến mại là lớn, họ vẫn có lãi tốt. Thị trường trong vài phiên tới sẽ kiểm tra lại điều này vì người bán sẽ sớm bình tĩnh để đánh giá thị trường hơn là thoát ra bằng mọi giá. Các dao động dạng này thường có tính chất kiểm tra đỉnh, hoặc kiểm tra sức mua. Nhiều người chấp nhận mua rẻ hôm nay vì kỳ vọng biến động quá mạnh này chỉ là nhất thời và một nhịp điều chỉnh là cần thiết.

Chưa rõ bên nào sẽ thắng trong xu hướng hiện tại. Chỉ có điều tiền vào mạnh như sóng tăng này thì chưa thể thoát hết ngay lập tức. Ngoài nhóm đầu cơ dẫn dắt bị phân phối mạnh dài ngày, rất nhiều mã khác vẫn bị kẹt lại một khối lượng lớn.