12:14 15/07/2008

Chứng khoán ngày 15/7: “Vượt biên độ”!

Lan Ngọc

Dường như thị trường đang bỏ qua sự thận trọng trước mùa báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, với dự báo không nhiều lạc quan

Chỉ số HASTC-Index tăng vọt, tạo sức tăng mạnh nhất kể từ ngày áp biên độ hẹp.
Chỉ số HASTC-Index tăng vọt, tạo sức tăng mạnh nhất kể từ ngày áp biên độ hẹp.
Trong câu chuyện trên sàn, dù hiểu bản chất tình huống nhưng một số nhà đầu tư vẫn dùng từ “vượt biên độ” để nói về niềm vui của phiên hôm nay.

>>Mùa báo cáo tài chính không bình yên?

Chỉ số HASTC-Index tăng vọt, tạo sức tăng mạnh nhất kể từ ngày áp biên độ hẹp. Mức tăng 4,05% được một số nhà đầu tư cố tình “so sánh” với biên độ tối đa 4% tại HASTC để nói về xu hướng đi lên mạnh mẽ của thị trường.

Một lần nữa, hiện tượng từng xẩy ra trong phiên ngày 18/4/2008 lặp lại: mức tăng của chỉ số cao hơn biên độ dao động giá cổ phiếu. Hiện tượng này đang trở thành bình thường, khi biên độ +/-4% hiện tại ở HASTC được áp dụng cho dao động giá cổ phiếu và độc lập với chỉ số giá; xuất phát từ cách tính của chỉ số và bình quân giá cổ phiếu tại đây.

Ứng với mức tăng 4,05% là 5,56 điểm HASTC-Index có thêm qua phiên này, để lên 142,83 điểm. Kết quả này có từ sự đi lên mạnh mẽ của giá cổ phiếu trên sàn.

Tại sàn Hà Nội chỉ còn lại vẻn vẹn 4 mã giảm, 1 mã ở giá tham chiếu; còn lại, phần lớn đều tăng giá hết khả năng. Trước diễn biến này, dấu hiệu kìm hàng càng thể hiện rõ. Khối lượng giao dịch tại đây giảm gần 1 triệu đơn vị so với phiên liền trước, chỉ còn 3,1 triệu cổ phiếu ứng với giá trị 87,1 tỷ đồng.

Sức tăng mạnh cũng tiếp tục thể hiện trên sàn Tp.HCM. Chỉ số VN-Index tăng mạnh ngay đầu phiên với 11,68 điểm trong đợt 1 và kết thúc phiên với mức tăng 11,86 điểm, lên 479,8 điểm. Khối lượng giao dịch tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp so với mức bình quân của tuần qua, gần 12 triệu đơn vị với 368,2 tỷ đồng giá trị.

Vẫn là dư mua tràn ngập ở giá trần và dư bán hạn chế. Điểm đáng chú ý ở phiên này là lượng dư bán xuất hiện nhiều ở giao dịch thỏa thuận.

Lượng mã tăng hôm nay có thêm 1 thành viên, lên 147 mã, trong khi chỉ còn lại 2 mã ở giá tham chiếu (BBT của Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết vẫn ngừng giao dịch) và có 8 mã giảm giá.

DHG phiên này không duy trì được sức tăng trần, mất vị trí đầu tàu tăng giá khi chỉ khiêm tốn thêm 2.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài DHG, ANV, PMS, SAV và VTB, tất cả các mã tăng còn lại đều đạt giá trần. VNM, VIC, IMP cùng có mức tăng 3.000 đồng/cổ phiếu. Tất cả thành viên Top 10 cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất trên sàn cùng tăng giá trần để hỗ trợ VN-Index tăng mạnh.

Trong nhóm giảm thiểu số, DMC có mức giảm mạnh nhất về giá trị tuyệt đối khi giảm sàn mất 3.000 đồng/cổ phiếu. AGF từng tạo hiện tượng cách đây khoảng một tháng nhưng đợt này vẫn tiếp tục giảm giá, mất thêm 700 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, thị trường đón phiên thứ hai của tuần mới với một bước tiến nhanh và lạc quan hơn. Lo ngại xuất hiện phiên điều chỉnh mạnh chưa diễn ra. Thị trường vẫn trong thế bất cân đối giữa cung và cầu; lượng cầu vẫn vượt khoảng 5 lần cung, giao dịch thành công đang hạn chế.

Với sức tăng hiện nay, nhiều nhà đầu tư lạc quan đang hướng niềm tin về khả năng tái lập mốc 500 điểm. Nếu đà tăng hiện nay được duy trì, mốc mong đợi đó sẽ được hiện thực ngay trong tuần này. Tuy nhiên, đó cũng là một mốc có sức kháng cự nhất định.

Và với sức tăng hiện nay, dường như thị trường đang bỏ qua sự thận trọng trước mùa báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, với dự báo không nhiều lạc quan.