13:32 22/04/2008

Chứng khoán ngày 22/4: Quá nhiều thông tin bất lợi

Lan Ngọc

Một phiên giảm nối tiếp không ngoài dự tính khi thị trường đối diện với quá nhiều thông tin bất lợi

Thị trường tiền tệ vẫn là "nôi" của những lo ngại trên sàn chứng khoán.
Thị trường tiền tệ vẫn là "nôi" của những lo ngại trên sàn chứng khoán.
Một phiên giảm nối tiếp không ngoài dự tính khi thị trường đối diện với quá nhiều thông tin bất lợi.

Trong phiên, chỉ số VN-Index có thời điểm giảm mạnh trên 1%; kết thúc phiên trở về mức giảm quen thuộc 0,8%, mất thêm 4,3 điểm, còn 530,62 điểm.

Khối lượng giao dịch tiếp tục ở mức thấp, cầu trên sàn tiếp tục suy yếu và chưa thể hé mở khả năng chuyển biến. Chung cuộc chỉ có 5,3 triệu đơn vị trị giá 274,5 tỷ đồng giao dịch.

Đà giảm sàn vẫn tiếp tục chiếm thế áp đảo trong tổng 105 mã giảm, trong đó có 3 mã thực hiện ngày giao dịch không hưởng quyền. Lượng mã tăng không có nhiều thay đổi so với phiên trước với 37 mã và chỉ có 12 mã giữ được giá tham chiếu.

Diễn biến trên không gây bất ngờ khi thị trường đang đón nhận quá nhiều thông tin bất lợi.

Trước hết vẫn là lo ngại về khả năng biến động lãi suất. Lượng vốn chạy vào các ngân hàng quý 1/2008 đã sụt giảm càng dẫn tới thực trạng căng thẳng vốn, tạo sức ép tăng lãi suất và chia sẻ vốn của chứng khoán.

Những ngày đầu tuần này, thị trường lại tiếp tục bất ổn trong các dòng tin bình luận và trao đổi trên sàn giữa các nhà đầu tư, liên quan đến lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước gửi tại các ngân hàng thương mại. Một số tin đồn cho rằng từ nay đến tháng 5/2008, khoảng 30.000 tỷ đồng liên quan sẽ bị Ngân hàng Nhà nước rút về.

Thông tin trên thực sự gây lo ngại đối với nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, với những ngân hàng trực tiếp nằm trong tầm rút vốn nói trên, phản ứng lại khá bình thản.

Lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết lượng tiền gửi đó tại ngân hàng mình không lớn và không quá ảnh hưởng. Trong khi lãnh đạo Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) sáng nay cũng cho biết quan điểm không quá lo ngại về kế hoạch rút tiền này, vì “đó là câu chuyện bình thường và không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của Vietcombank”.

Và một thông tin khác, dù không quá gây “sốc” trong bối cảnh suy thoái kéo dài, nhưng con số 1,3 tỷ USD thua lỗ của 10 tổ chức nước ngoài đầu tư vào chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến này cũng khiến nhiều nhà đầu tư giật mình, tâm lý bị ảnh hưởng nhất định.

Trên sàn, VNM, PVD và VSH vẫn tiếp tục khẳng định đà tăng, trong khi VIC và TAC hay PPC, KDC không còn là hiện tượng. Giá những tên tuổi lớn khác như STB, FPT, SSI, SJS… vẫn không thể gượng dậy.

Những thông tin bất lợi trên cũng là nguyên nhân đẩy HASTC-Index nối tiếp đà giảm, mất thêm 3,07 điểm, còn 174,26 điểm. Nếu tình hình không được cải thiện, nhiều khả năng chỉ số này sẽ tái hiện đáy 166 điểm ngay trong tuần này.

Khối lượng giao dịch tại sàn Hà Nội tiếp tục ở mức thấp, chỉ có gần 2,47 triệu cổ phiếu được giao dịch, trị giá gần 103 tỷ đồng. Đà giảm sàn tiếp tục là mạch chủ đạo, trong đó nổi bật vẫn là những blue-chip như ACB, BVS, SDA, PAN…