15:10 23/07/2010

Chứng khoán ngày 23/7: Gánh nặng của nội tại?

Lan Ngọc

Một kịch bản lạc quan được đặt ra, nhưng không diễn ra. Gánh nặng và sức ì nội tại khiến hai sàn tiếp tục kìm chân chật vật

Thị trường đang cho thấy sự phản ứng với tin xấu mạnh hơn, trong khi khả năng hấp thụ những tác động tích cực lại hạn chế - Ảnh: VnExpress.
Thị trường đang cho thấy sự phản ứng với tin xấu mạnh hơn, trong khi khả năng hấp thụ những tác động tích cực lại hạn chế - Ảnh: VnExpress.
Một kịch bản lạc quan được đặt ra cho phiên hôm nay, nhưng không diễn ra. Gánh nặng và sức ì nội tại khiến hai sàn tiếp tục kìm chân chật vật.

Để lại sau lưng những quan ngại về triển vọng của nền kinh tế Mỹ, hay thông điệp mới nhất từ Chủ tịch Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED), đêm qua các chỉ số chính trên thị trường Phố Wall cùng bật mạnh. Mức tăng từ 2% - 2,68% của các chỉ số tại đây là rất ấn tượng.

Trước đó, sự hứng khởi cũng đã trở lại với thị trường chứng khoán châu Âu. Và sáng nay là sự tiếp nối ở thị trường chứng khoán châu Á, ngoại trừ… sự lình xình của Việt Nam.

Thị trường đang ở thời điểm khó khăn và nhạy cảm. Nhà đầu tư đang chờ đợi có một thay đổi để phá vỡ sự ngột ngạt và khó chịu lúc này. Theo đó, làn sóng tăng mạnh trên thị trường thế giới đó có thể đã thắp kỳ vọng ở nhiều người: một kịch bản lạc quan hơn cho thị trường trong nước sáng nay.

Nhưng, thêm một lần nữa phản ứng lại diễn ra yếu ớt, mài mòn sự nhẫn nại của những kỳ vọng. Chừng đó là chưa đủ. Những gì tốt nhất sáng nay trên HOSE đã phản ánh vào đầu ngày, và đó là kết quả đáng thất vọng.

Sàn Tp.HCM mở cửa với một quy mô nghèo nàn: gần 2,5 triệu đơn vị với 70,8 tỷ đồng - quy mô thấp nhất trong 10 phiên vừa qua. Làn gió tích cực từ bên ngoài không thể giúp thổi bùng khối lượng hay đẩy nhanh tốc độ giao dịch. Những gì tốt nhất về điểm số cũng chỉ gói gọn trong 6 phút đầu khớp lệnh liên tục, khi VN-Index lên 502,87 điểm, mức cao nhất trong phiên, với nguồn năng lượng vẻn vẹn 107 tỷ đồng tính từ đầu giờ.

Nhưng ở thời điểm này, thanh khoản thấp không hẳn là xấu, khi bên bán có sự chững lại kìm hàng và chờ đợi. Đây là kết quả phản ánh sự thận trọng ở cả hai phía, mua và bán, khi chỉ số nằm ở ngưỡng hỗ trợ tâm lý nhạy cảm. Tương tự như phiên hôm qua, giao dịch rất chậm quanh 500 điểm, và ngay cả khi xuống dưới mốc này dù không thể nói là một sự phá vỡ. Có thể, chỉ khi chỉ số có một chuyển động mạnh và rõ ràng mới kích thích các quyết định giao dịch mạnh lên.

Vấn đề lúc này là các động cơ để tạo bứt phá vẫn chưa rõ ràng. Thậm chí thị trường đang cho thấy sự phản ứng với tin xấu mạnh hơn, trong khi khả năng hấp thụ những tác động tích cực lại hạn chế.

Hôm nay, sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp, thị trường đang có sự cân bằng. VN-Index tiếp tục dao động trong biên độ hẹp và giao dịch chung tẻ nhạt. Sự thăng hoa của nhóm cổ phiếu nhỏ cũng đã nhường chỗ cho sự điều chỉnh sau hoạt động chốt lời kỹ thuật. “Màu xanh” trở lại với chỉ số và mốc tâm lý 500 điểm được giữ nguyên vẹn.

500 có thể chỉ là sự tròn số. Nhưng qua hai phiên có thể thấy “nhịp thở” của thị trường chậm lại khi tiếp cận mốc điểm này. Và trong sáng nay, dễ thấy đã có những hoạt động đánh lên ở những điểm cục bộ, có thể hiểu là mang hàm ý một sự nâng đỡ để “cân đối” Index về cuối ngày.

Tại STB là một lực lượng chặn mua tham chiếu đảm bảo suốt phiên, giá tăng nhẹ. Trong khi tại OGC là “cú hích” mạnh cuối ngày, giá từ mức tăng khiêm tốn 200 - 400 đồng trước đó vọt tăng 1.500 đồng ở đợt khớp lệnh đóng cửa. Tương tự, khối đầu tư nước ngoài điều khiển gần như toàn bộ diễn biến tại BVH để có cú nhảy tương tự. Bên cạnh đó là sự tham gia hỗ trợ của một số blue-chip khác như FPT, HAG, VIC, VPL…

Qua phiên này, ít nhất thị trường đang tìm lại sự cân bằng sau khi hoạt động bán ra có dấu hiệu mạnh lên ở hai phiên liền trước. VN-Index giữ được mốc tâm lý 500 điểm và nhiều blue-chip cũng đang tìm đường trở lại. Nhưng sự lình xình và ảm đảm vẫn tiếp tục chuyển sang cho tuần tới.