14:03 23/09/2011

Chứng khoán ngày 23/9: Tiền vào vẫn yếu

Lan Ngọc

Mức giảm điểm rất mạnh hôm nay có một phần là ảnh hưởng của BVH và MSN. Tuy nhiên về tổng thể lượng vốn vào vẫn khá thấp

BVH và MSN chiếm phần lớn trong số điểm giảm rất mạnh của VN-Index hôm nay
BVH và MSN chiếm phần lớn trong số điểm giảm rất mạnh của VN-Index hôm nay
Mức giảm điểm rất mạnh hôm nay có một phần là ảnh hưởng của BVH và MSN. Tuy nhiên về tổng thể lượng vốn vào khá thấp là điều đáng lo lắng.

Có thể ảnh hưởng của thị trường chứng khoán quốc tế đêm qua đã khiến người mua trở nên dè dặt hơn. Tâm lý hưng phấn của phiên trước bị dội một gáo nước lạnh và các lệnh mua trên tham chiếu hầu như vắng bóng.

Mặc dù vậy phải thừa nhận rằng ngay cả những phiên tăng, lượng tiền vào cũng chưa thực sự thuyết phục. Hai trên 5 phiên giao dịch của tuần này quy mô khớp lệnh của 2 sàn đạt trên 1.000 tỷ đồng, nhưng bình quân tính chung thì lại chỉ có 984,3 tỷ đồng/phiên. Thanh khoản như vậy đã giảm tới 42% so với bình quân tuần trước.

Xét về khía cạnh tích cực, thanh khoản sụt giảm trên mặt bằng chung khi giá giảm cũng là điều hay vì chứng tỏ không có tình trạng “chạy loạn”. Nhiều cổ phiếu đã điều chỉnh khá nhiều, trên dưới 10% so với đỉnh có thể được xem là vào vùng tiềm năng để mua lại, dù còn phụ thuộc vào mức ngại rủi ro của từng người.

Tuy nhiên có hai khả năng từ phía người mua dẫn đến thanh khoản sụt giảm lại mang tính tiêu cực. Thứ nhất là số người chốt lời tại vùng đỉnh đã thoát ra mới chấp nhận mua lại một phần vốn, thậm chí chỉ là một phần của mức lãi trong sóng tăng vừa qua. Thứ hai là lượng vốn mới vào chưa đủ mạnh để tạo dấu ấn đảm bảo về thanh khoản.

Nói chung lượng vốn vào yếu vẫn là biểu hiện của việc nhiều người chấp nhận đứng ngoài quan sát hơn là mua vào. Trong tất cả các đợt tăng giá trước đây, thường giá trị giao dịch tại vùng đỉnh lúc nào cũng lớn nhất. Để giải phóng được lượng hàng kẹt tại đây, dòng tiền phải đủ lớn.

Tương quan rủi ro và lợi nhuận thời điểm này cũng có thể là điều khiến những người đã chốt lời chưa hào hứng lắm với việc trở lại giao dịch. Đa số cổ phiếu có mức giảm chưa phải là nhiều nếu tính từ đỉnh. Điều đó đồng nghĩa với việc trong khả năng tốt, giá sẽ kiểm tra lại đỉnh thì mức lợi nhuận không lớn. Về phía rủi ro, khả năng kiểm tra lại đỉnh không bao hàm khả năng vượt đỉnh. Do hạn chế về thời gian có thể giao dịch nên rủi ro giá giảm trở lại khi gặp đỉnh cũ là cao, và mức lãi nếu có lại bị “cụt” đi chút ít, nếu xấu có thể là lỗ.

Một điểm dễ nhận thấy trong các phiên gần đây là cầu chặn ở giá thấp tương đối nhiều. Đây cũng là nguyên nhân khiến độ dao động giá của nhiều mã khá hẹp. Trong các phiên giảm giá mạnh thì thanh khoản thường tăng, trong khi diễn biến tăng giá thì khối lượng lại giảm. Việc người mua tỏ ra bị động như vậy có thể hỗ trợ về mặt tâm lý, còn thực lực của dòng tiền chấp nhận mua giá cao mới là động lực chính.

Độ rộng trên cả hai sàn hôm nay cho thấy dòng vốn đầu cơ vẫn đang vận động ở một số cổ phiếu vừa và nhỏ. Ngược lại ở nhóm cổ phiếu lớn, lượng vốn không đủ lực để giữ giá cao và đa số bị ép trở lại tương đối mạnh. Thống kê cho thấy bình quân ở 40 mã vốn hóa lớn nhất HSX – nơi tập trung gần như toàn bộ giao dịch của khối ngoại – có mức đóng cửa giảm trung bình 1,52% so với đỉnh cao nhất trong ngày.

Một thống kê khác cho thấy trên cả hai sàn, số cổ phiếu bị ép giá không còn giữ được mức cao nhất lúc cuối ngày đều tăng lên. Điều đó phản ánh diễn biến hồi giá trong phiên bị thất bại khá nhiều. Một vài cổ phiếu quan trọng như SSI đóng cửa giảm 0,98% so với giá cao nhất; KLS giảm 1,6%; VND giảm 1,55%; WSS giảm 2,94%, PVX giảm 2,44%...

Khối ngoại tiếp tục có một phiên bán ròng khá mạnh trên cả hai sàn. Lượng vốn rút ra tính chung đạt xấp xỉ 41 tỷ đồng. Trong số này, riêng khớp lệnh tại HSX, khối ngoại bán ròng 36,7 tỷ đồng. Hai cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index là BVH và MSN đều bị bán rất mạnh, chiếm tương ứng 82% và 75% tổng thanh khoản của những mã này.