13:32 29/07/2008

Chứng khoán ngày 29/7: Khó chen lệnh mua vào

Lan Ngọc

Tin tưởng vào một đợt tăng mới, lệnh mua cùng ồ ạt vào sàn nhưng khó khớp thành công

Cầu đã trở lại, thị trường đang định hình đợt tăng mới.
Cầu đã trở lại, thị trường đang định hình đợt tăng mới.
Tin tưởng vào một đợt tăng mới, lệnh mua cùng ồ ạt vào sàn nhưng khó khớp thành công.

Dư mua ở giá trần bắt đầu xuất hiện ở phần lớn các blue-chip trên sàn, trong khi đó dư bán đã kiềm chế và lượng bán ra của nhiều mã đã bị hốt gọn.

Phiên đảo chiều đầu tuần đã tạo sức thúc đẩy mạnh đối với phiên này. Trong báo cáo giao dịch hàng ngày của nhiều công ty chứng khoán, nhận định chung được đưa ra là sự tăng điểm của thị trường đã có ý nghĩa lớn trong việc ổn định hơn tâm lý của nhà đầu tư.

Mở cửa phiên hôm nay, thị trường ghi nhận sự tăng giá ồ ạt của khoảng 60% mã niêm yết trên sàn, trong đó nhóm đầu tàu vẫn là những blue-chip đã lên tiếng trong phiên liền trước, cùng với sự trở lại của những tên tuổi lớn. Đợt 1, bỏ qua bước thăm dò, VN-Index tăng mạnh hơn 2%, thêm 8,81 điểm.

Đà tăng được đẩy lên cao hơn khi lệnh mua vào sàn mạnh trong đợt 2; VN-Index tăng 10,14 điểm. Và kết thúc phiên, chỉ số này ấn định mức tăng 9,76 điểm, lên 444,4 điểm, hướng tới mốc gần kề 450 điểm.

Khối lượng giao dịch phiên này tiếp tục duy trì ở mức cao với 15,8 triệu đơn vị, trị giá 422 tỷ đồng. Những con số này không đi cùng với xu hướng mua vào mạnh, mà nghiêng về kết quả kìm bán ra của nhà đầu tư khi nhận thấy khả năng có đợt tăng mới.

Dư mua khối lượng lớn ở giá trần tập trung ở những mã có ảnh hưởng trên sàn, nổi bật ở HPG, STB, DPM, FPT, PET, PVD… hay ở những mã vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm ấn tượng, tiêu biểu như VIS. Và khá đặc biệt khi dư mua giá trần lớn cũng xuất hiện ở REE, SJS.

Có thể đó là một yếu tố cho thấy sự chọn lọc của nhà đầu tư ở thời điểm này; tập trung ở những cổ phiếu của doanh nghiệp làm ăn tốt, thanh khoản cao, nhất là sau khi có cơ sở từ báo cáo tài chính quý 2/2008. Ở đây cũng thể hiện một phần cầu mạnh trong một phiên khó mua vào.

Trên bảng điện tử, màu xanh đã thực sự trở lại là gam chủ đạo, khi có tới 111 mã tăng giá, 4 mã ở giá tham chiếu và chỉ còn 45 mã giảm giá.

Trong nhóm 111 mã tăng có thể thấy sự góp mặt của hầu hết những tên tuổi lớn. Bên cạnh VNM, STB, FPT, VIC, PVD, DPM, HPG…, hôm nay thị trường đón nhận sự trở lại của hai blue-chip SSI và ITA, cùng tăng giá trần để tạo sức tăng mạnh cho VN-Index.

Hôm nay, sàn Tp.HCM đón nhận thêm thành viên mới tham gia niêm yết. Cổ phiếu VNS của Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) chào sàn với khối lượng niêm yết 17 triệu đơn vị; giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên lầ 60.000 đồng/cổ phiếu. Kết thúc phiên, giá cổ phiếu này giảm hết 20% biên độ cho phép, giảm 12.000 đồng xuống còn 48.000 đồng/cổ phiếu.

Phiên thứ hai tăng điểm liên tiếp, VN-Index đang tiến gần mốc 450 điểm. Trao đổi với một số nhà đầu tư và chuyên viên phân tích của công ty chứng khoán sau phiên giao dịch này cho thấy, mốc 490 điểm đang được xem là một thách thức. Nhận định chung của họ là khả năng thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm, nhưng áp lực “lướt sóng” T+4 vẫn là một trở ngại. Điểm được đánh giá cao qua phiên này là tâm lý nhà đầu tư đã ổn định hơn, thậm chí đã có hưng phấn thuận lợi ở lực cầu. Đây là yếu tố cần cho thị trường thời điểm này.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HASTC-Index đã bất ngờ đảo chiều, mất 1,49 điểm, còn 143,1 điểm. Một kết quả “không công bằng” khi trên sàn nhiều mã đã đồng loạt tăng giá, trong đó có hầu hết những tên tuổi lớn. Điều này được giải thích từ cách tính giá bình quân cổ phiếu tại đây, trong khi HASTC-Index thể hiện xu thế của thị trường.

Cuối phiên, nhiều cổ phiếu lớn giảm giá trở lại, níu kéo HASTC-Index. Trong số đó, KBC được xác định là nguyên nhân trực tiếp nhất. Cổ phiếu này đã nỗ lực tăng giá mạnh những phiên trước và nay được nhiều nhà đầu tư bán ra cụ thể hóa lợi nhuận; giá giảm cuối phiên lấy điểm của chỉ số chung. Trong phiên, KBC từng đạt tới mức giá 155.000 đồng/cổ phiếu, nhưng cũng thoái xuống mức giá 143.200 đồng/cổ phiếu. Một lần nữa KBC cho thấy khả năng ảnh hưởng của mình tới chỉ số chung của thị trường.

Kết thúc phiên, sàn Hà Nội tiếp tục ghi nhận một phiên giao dịch sôi động khi có tới 8 triệu đơn vị giao dịch thành công, trị giá 208,7 tỷ đồng.