13:16 30/07/2008

Chứng khoán ngày 30/7: Chật vật tăng điểm

Lan Ngọc

Một phiên tăng điểm chật vật với nhiều cảm xúc đổi màu. Mốc 500 điểm chưa thể vươn tới

Tình thanh khoản tiếp tục tạo thuận lợi cho nhà đầu tư phiên này.
Tình thanh khoản tiếp tục tạo thuận lợi cho nhà đầu tư phiên này.
Một phiên tăng điểm chật vật với nhiều cảm xúc đổi màu. Mốc 500 điểm chưa thể vươn tới.

Không còn đà tăng mạnh như phiên liền trước, VN-Index báo hiệu một phiên khó khăn giành điểm số khi chỉ tăng 3,99 điểm trong đợt 1. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất trong phiên, khi lượng mã giảm đã trở lại áp đảo, trong đó có nhiều cổ phiếu lớn.

Một sự hụt hẫng nhất định đến từ đầu đợt 2, thị trường bước vào khớp lệnh liên tục và VN-Index bất ngờ đảo chiều, giảm 1,4 điểm. Tuy nhiên, thế trận được xoay chuyển nhanh chóng khi chỉ số này đổi màu, tăng nhẹ trở lại ngay sau đó.

Kết thúc phiên, VN-Index ấn định mức tăng 3,87 điểm, lên 448,27 điểm, chưa thể chạm tới mốc 450 điểm. Đây là kết quả của sự giằng co liên tục ở nhiều cổ phiếu lớn, tạo nhiều cảm xúc cục bộ trong phiên.

VNM, FPT, HPG, DHG, BMC, TCT, DDM, SJS, VIS, LBM… là những cổ phiếu có hướng tăng giá dứt khoát trong phiên này. Trong khi đó, VPL, VIC, STB, ITA… và ngay cả DPM liên tục chứng kiến những mức giá thay đổi nhanh, ảnh hưởng chung đến VN-Index.

Trong hơn nửa đầu của phiên, STB tăng giá nhẹ nhưng dần đuối ở cuối phiên để rồi giảm nhẹ 100 đồng/cổ phiếu. Tiêu biểu cho sự giằng co và bám trụ là VIC của Vincom. Cổ phiếu này có một phiên giữ giá tham chiếu thành công khi trong phiên nhiều lần giảm giá khá mạnh. VPL cũng biết đến giá sàn nhưng bật lên vào cuối phiên để có thêm 2.000 đồng/cổ phiếu. ITA kết thúc ấn tượng bằng mức tăng trần, dù phần lớn thời gian trước đó giảm giá khá mạnh.

DPM hay REE giữ được màu xanh thông suốt, nhưng mức tăng cũng liên tục thay đổi; riêng REE giữ được mức tăng trần kết thúc phiên, còn DPM chung cuộc chỉ tăng 1.000 đồng/cổ phiếu. PVD cũng gây chú ý khi từng bước nâng mức tăng từ 1.000 đồng lên 1.500 và 2.000 đồng.

Trong nhóm giảm giá, ngoài sự thoái trào cuối phiên của STB, SSI cũng thể hiện sức gượng lên trong suốt thời gian giao dịch nhưng vẫn không tránh khỏi giá sàn, mất 1.300 đồng/cổ phiếu. Tân binh VNS phiên thứ hai liên tiếp biết đến giảm sàn, mất 1.400 đồng/cổ phiếu. TAC trước thềm đại hội cổ đông bất thường vẫn tiếp tục giảm giá sàn mất 1.500 đồng/cổ phiếu…

Tính chung, lượng mã giảm đã áp đảo ở 87 thành viên, nhưng xu hướng đi lên của VN-Index thuộc về 63 mã tăng giá; còn lại chẵn 10 mã ở giá tham chiếu.

Một phiên có nhiều biến động cục bộ ở nhiều mã, sôi động trong giao dịch. Khối lượng hôm nay đã có bước chuyển mạnh, tách biệt với những phiên đầu tuần khi có tới trên 21 triệu đơn vị, trị giá gần 690 tỷ đồng. Tính thanh khoản tiếp tục là một yếu tố thuận lợi.

Về sự giằng co hôm nay, có thể nhìn nhận từ lượng bán ra tranh thủ đà tăng hiện tại, cũng như ý đồ cơ cấu danh mục của nhà đầu tư. Trong phản hồi về VnEconomy, một số nhà đầu tư đề cập đến những quan điểm khác nhau về tác động của những giao dịch đầu cơ ngắn hạn, lướt sóng. Nhưng, ảnh hưởng của các kỳ hạn thanh toán đến các phiên cụ thể khó loại trừ.

Liên quan đến tác động của dòng đầu tư này, VnEconomy mong muốn nhà đầu tư tiếp tục chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm để cung cấp tới bạn đọc thông tin đa chiều hơn.

Trở lại phiên hôm nay, khối lượng tiếp tục là một điểm nổi bật trên sàn Hà Nội. Tại đây có tới gần 10 triệu đơn vị khớp thành công, trị giá 377 tỷ đồng. HASTC-Index đã tăng trở lại, thêm 2,36 điểm, lên 145,46 điểm.

KBC tiếp tục là cổ phiếu thu hút sự chú ý, phiên này giảm mạnh 6.100 đồng/cổ phiếu và là mã có mức giảm mạnh nhất về giá trị tuyệt đối trên toàn thị trường. Nhưng, sức ảnh hưởng của KBC đối với chỉ số chung đã được cân đối ở sức bật từ những cổ phiếu lớn khác, tiêu biểu như ACB, NTP, PVS, PVI… cũng như xu hướng đi lên vào cuối phiên của nhiều cổ phiếu khác.