16:39 08/02/2010

Chứng khoán ngày 8/2: Hiện tượng bộ ba trọng điểm

Lan Ngọc

ACB, STB, EIB tạo một bất ngờ lớn để cải thiện không khí ảm đạm của thị trường mở đầu tuần mới - tuần cuối của năm cũ

Phiên hôm nay, dù ảm đạm về khối lượng và giá trị, nhưng thị trường vẫn tạo được những biến động để có thể tạo sự hài lòng cho cả bên mua lẫn bên bán, hay nhu cầu đảo hàng mua thấp bán cao - Ảnh: Quang Liên.
Phiên hôm nay, dù ảm đạm về khối lượng và giá trị, nhưng thị trường vẫn tạo được những biến động để có thể tạo sự hài lòng cho cả bên mua lẫn bên bán, hay nhu cầu đảo hàng mua thấp bán cao - Ảnh: Quang Liên.
ACB, STB, EIB tạo một bất ngờ lớn để cải thiện không khí ảm đạm của thị trường mở đầu tuần mới - tuần cuối của năm cũ.

Năm 2010 đã trôi qua hơn một tháng, thị trường hẳn sẽ đặt mốc ngày 8/2 để có sự quy chiếu cho tương lai. Đó là con số 44,4 tỷ đồng giá trị giao dịch trong đợt 1 trên HOSE!

Con số đó nói lên nhiều điều: Thị trường đang rơi vào trạng thái nghỉ ngơi đón Tết Nguyên đán? Với nhà đầu tư chuyên nghiệp, trạng thái này hẳn không tồn tại. Với nhà đầu tư lướt sóng ngắn, trạng thái này không có nhiều ủng hộ cho kỳ thanh toán T+ (nếu đầu tư một cách chân phương). Bù lại, nhiều nhà môi giới cho rằng đây là thời điểm của nhà đầu tư giá trị, theo trung và dài hạn.

Nhưng nếu xét về tâm lý, trạng thái đó hẳn tạo sự chần chừ, thăm dò ở nhiều nhà đầu tư khi bước vào phiên giao dịch này.

Đặt trong bối cảnh đó, hiện tượng bộ ba trọng điểm dậy sóng thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư.

Quá nửa thời gian ACB, EIB và STB trụ ở tham chiếu, dưới tham chiếu hoặc hướng tăng nhẹ nửa vời. Nhưng, 10h05, STB và EIB bất ngờ tạo một chuyển động chóng vánh: lệnh mua dồn dập vào sàn, khối lượng giao dịch chuyển biến cực nhanh, và giá tăng vọt (so với trạng thái lình xình của nhóm này thời gian gần đây).

Nhưng trước hết, sớm hơn, tín hiệu được phát ra từ ACB. Từ 9h48 đến kết thúc phiên là chuỗi giao dịch bùng nổ về khối lượng và giá; có 609.400 đơn vị, chiếm tới gần 89% khối lượng toàn phiên, trong khoảng thời gian này. Giá ACB vọt lên mức cao nhất trong phiên 35.800 đồng/cổ phiếu (tương ứng với mức tăng 800 đồng/cổ phiếu).

Dễ thấy sức cầu vào sàn tại ACB nhanh và rải rác lệnh lô lớn. Thông điệp này nhanh chóng tạo sự nắm bắt, đúng hơn là sự cộng hưởng, để chuyển tình thế trong hơn nửa giờ giao dịch trước đó sang một thái cực khác: dồn dập khớp lệnh trong ngày đầu tiên HNX triển khai giao dịch trực tuyến (giao dịch này một số nhà đầu tư cho rằng VnEconomy nhầm khái niệm; trên thực tế, thời gian qua giao dịch trực tuyến với HNX mới chỉ dừng lại ở hai đầu mối giữa nhà đầu tư với công ty chứng khoán), có tới 609.400 đơn vị được chuyển nhượng trong khoảng thời gian đó, chiếm tới gần 89% khối lượng toàn phiên.

Trên HOSE, thành viên tiếp theo của bộ ba trọng điểm là STB. Phân nửa thời gian giao dịch của phiên cổ phiếu của Sacombank chìm dưới tham chiếu. Nhưng, từ 10h05, có thể nói cổ phiếu này dậy sóng khi giá đột ngột tăng rất mạnh, lượng khớp dồn dập. Tính từ 10h05 đến kết thúc đợt khớp lệnh đóng cửa, có tới hơn 1 triệu đơn vị được chuyển nhượng, chiếm tới 57,4% tổng khối lượng giao dịch toàn phiên! Giá STB vươn tới mức cao nhất trong ngày, tăng 600 đồng/cổ phiếu.

Thành viên còn lại là EIB của Eximbank. Cũng tại thời điểm 10h05, hướng tăng giá của EIB được củng cố thay vì sự chập chờn đến nhàm chán trước đó. Từ mức tăng 100 đồng vọt lên mức 400 đồng/cổ phiếu chốt phiên, mức tăng cao nhất ghi nhận ở 500 đồng/cổ phiếu. Tất nhiên, chuyển biến này phải có từ sức cầu mạnh bạo tới tấp vào sàn. Khối lượng EIB tăng vọt, từ khoảng 600.000 đơn vị quá nửa thời gian giao dịch lên đến hơn 2,5 triệu đơn vị. Đáng chú ý là trong sự bùng nổ này không có mặt khối ngoại khi “room” đã đầy.

ACB, STB và EIB là bộ ba trọng điểm tạo sự khuấy động cho một phiên tẻ nhạt. Trọng điểm bởi đây là những blue-chips có ảnh hưởng lớn đến chỉ số. Và diễn biến của nhóm này gợi những suy tính, không loại trừ là câu hỏi lớn, ở nhiều nhà đầu tư.

Vì sao có sự bất ngờ và đột biến như vậy? Một số dự đoán hướng về khả năng Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại như kiến nghị của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA). Giả thiết này có vẻ không khả thi, khi cơ quan này đang tập trung mục tiêu chống lạm phát cao quay trở lại. Chống lạm phát, một giải pháp cổ điển vẫn là tăng dự trữ bắt buộc thay vì giảm.

Ở một hướng khác, suy tính về sự đón đầu sự khả quan của nguồn vốn và hoạt động của các ngân hàng nói chung sau kỳ nghỉ Tết cũng không phải là suy diễn đơn thuần; với dự báo nguồn vốn sẽ dần trở lại nhà băng thay vì tập trung đáo hạn trong những tháng cận Tết.

Với nhà đầu tư giá trị, có thể họ tìm đến nhóm cổ phiếu này khi sự tích lũy, đúng hơn là sự hụt hơi, đã kéo dài trong nửa sau năm 2009 đến tận hôm nay. Hay khi thị trường ảm đạm, cần một lực kéo, khối ngân hàng hoàn toàn có thể đảm nhiệm vai trò đó. Nhưng trong phiên này, ngoài can thiệp đà giảm của chỉ số, tính lôi kéo của bộ ba đó chưa thực sự mở rộng.

Là một giả thiết, chỉ là giả thiết, thị trường đang có một ý đồ nào đó đánh lên (dù chưa tìm được sự đồng thuận lớn) thì việc tập trung vào nhóm trọng điểm có ảnh hưởng đến chỉ số là một lựa chọn ưu tiên, và dễ hiện thực khi mà quy mô bán ra khá thấp như hiện nay. Nếu điều này có thật, ACB, EIB và STB đã góp công lớn trong đà trượt nhẹ của hai chỉ số sáng nay. Đây cũng chính là những cổ phiếu có được khối lượng giao dịch cao trong một phiên HOSE nằm dưới mốc 1.000 tỷ đồng giá trị (tính cả giao dịch thỏa thuận), HNX nằm dưới mốc 350 tỷ đồng.

Về phiên hôm nay, dù ảm đạm về khối lượng và giá trị, nhưng thị trường vẫn tạo được những biến động để có thể tạo sự hài lòng cho cả bên mua lẫn bên bán, hay nhu cầu đảo hàng mua thấp bán cao.

Trong khi đó, khối ngoại đã tạm thời thu hẹp quy mô giao dịch, vẫn mua ròng về giá trị trên HOSE sau tuần mua ròng kỷ lục trong khoảng một năm qua.