12:09 22/10/2014

Chứng khoán sáng 22/10: Chốt lời bắt đầu tăng

Lan Ngọc

Không chỉ một số cổ phiếu vốn hóa lớn, áp lực bán tăng lên ở vùng giá cao trên hầu hết cổ phiếu

VN-Index đang bị VIC, GAS, MSN, VNM gây tác dụng ngược.
VN-Index đang bị VIC, GAS, MSN, VNM gây tác dụng ngược.
Nhân đà hưng phấn diễn ra trong sáng nay, nhà đầu tư bắt đầu đẩy mạnh bán ra. Không chỉ một số cổ phiếu vốn hóa lớn, áp lực bán tăng lên ở vùng giá cao trên hầu hết cổ phiếu. Điều này giúp thanh khoản tăng khá tốt.

VN-Index đã không thể giữ được màu xanh cho đến lúc kết thúc phiên. Chỉ số đang giảm 0,23% so với tham chiếu mặc dù độ rộng khá tốt: 126 mã tăng/74 mã giảm. VN30-Index cũng chỉ còn tăng nhẹ 0,3% với 19 mã tăng, 7 mã giảm.

Ảnh hưởng của GAS, VIC, MSN và VNM là rất rõ. Thị trường đã biến động trái ngược với hai phiên trước, khi các trụ này kéo điểm số lên. GAS đang giảm 1,83%, VIC giảm 0,61%, MSN giảm 0,63%, VNM giảm 0,93%. Trong rổ blue-chips của HSX, chỉ có thêm CSM, FLC, HSG và STB giảm giá.

Áp lực bán ra tăng lên ở các cổ phiếu còn lại chưa đủ lớn để đè giá xuống dưới tham chiếu. Tuy nhiên đà giảm tương đối rõ. VN-Index lúc 10h tăng 0,57% so với tham chiếu mặc dù thời điểm đó GAS mới giảm 0,92%, VNM đứng tham chiếu, MSN thậm chí tăng 0,63%, VIC tăng 0,21%.

VN-Index đạt đỉnh không hẳn nhờ các cổ phiếu trụ, mà nhờ số lớn các mã khác tăng giá. VN30-Index không có lực kéo của VIC cũng đạt đỉnh cùng lúc với VN-Index, tăng 0,91% trên tham chiếu.

Đà giảm liên tục kéo dài suốt thời gian còn lại của phiên sáng ngoài việc các mã trụ suy yếu, còn là sự thu hẹp đà tăng ở các cổ phiếu blue-chips khác. Tuy vậy độ rộng của HSX nói chung và VN30 nói riêng vẫn chưa xác nhận một mức giảm quá lớn, đa số cổ phiếu vẫn nằm trên tham chiếu.

Những cổ phiếu trong VN30 đang tăng tốt nhất là BVH tăng 1,02%, CII tăng 1,03%, FPT tăng 1%, HAG tăng 1,21%, HCM tăng 1,63%, IJC tăng 1,52%, ITA tăng 1,16%, KDC tăng 3,36%, PPC tăng 1,69%, PVT tăng 1,18%, SSI tăng 1,38%, VSH tăng 2,11%. Mặc dù tỷ lệ tăng giá đều trên 1% trong những cổ phiếu này, nhưng chỉ có 10 mã tăng được quá hai bước giá so với tham chiếu.

Biến động của các chỉ số thành phần trên HSX cho thấy diễn biến suy yếu xuất hiện ở tất cả các nhóm cổ phiếu. Cả VNSmallcap lẫn VNMidcap đều đang điều chỉnh về cuối phiên, sau khi đã đạt đỉnh cao trong khoảng 10h cùng với các chỉ số quan trọng khác.

Sàn Hà Nội lại có một phiên giao dịch khá tốt sáng nay, khác hẳn hai phiên trước. HNX-Index đang tăng 0,9%, HNX30-Index tăng 1,46%. Rổ blue-chips ở HNX nổi lên vai trò nâng đỡ của các cổ phiếu chứng khoán, dầu khí. 

Đặc biệt các cổ phiếu dầu khí tăng khá đều: PVS tăng 2,49%, PVC tăng 1,98%, PLC tăng 1,61%, PGS tăng 1,78%, PVG tăng 2,59%. Các cổ phiếu chứng khoán lớn cũng tăng giá: VND tăng 1,91%, BVS tăng 2,1%, KLS tăng 1,74%, SHS tăng 1,74%.

Mặc dù áp lực bán cũng xuất hiện trên HNX tương tự với sàn HSX, nhưng sức ép thấp hơn. HNX-Index lúc cao nhất tăng 1,25%, nghĩa là mức điều chỉnh về cuối phiên không đáng kể. HNX30-Index tại đỉnh cũng tăng 1,94%.

Giao dịch khá cởi mở trong phiên sáng và sự mạnh danh của cả người mua lẫn người bán đã đẩy thanh khoản tăng tốt. Giá trị khớp lệnh thị trường tăng gần 25% so với sáng hôm qua, đạt 1.490,5 tỷ đồng. Đây là mức giao dịch cao nhất từ đầu tuần.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng mua vào mạnh sáng nay, đặc biệt trong rổ VN30. Khối lượng mua đã tăng gần 57% so với sáng hôm qua và là nhân tố quan trọng đẩy thanh khoản chung của rổ tăng 41%. Tỷ trọng mua chiếm xấp xỉ 8% thanh khoản của rổ. VIC, PVD, PPC, ITA, HSG, HPG, HAG là những cổ phiếu được mua lớn nhất.

Giao dịch ổn định ở các blue-chips đã giúp nhóm cổ phiếu nhỏ biến động rất mạnh và tích cực. Hai sàn ghi nhận 23 mã kịch trần. Tuy nhiên rất ít mã trong số này có được thanh khoản đủ tốt lớn như KSA, VOS, PTL, NAG.