12:07 22/09/2014

Chứng khoán sáng 22/9: Thanh khoản sụt giảm

Lan Ngọc

Blue-chips ở hai sàn đã phục hồi nhẹ, nâng đỡ các chỉ số hai sàn trong phiên đầu tuần

VN-Index suy yếu dần về cuối phiên do không giữ được lực cầu đủ lớn.
VN-Index suy yếu dần về cuối phiên do không giữ được lực cầu đủ lớn.
Blue-chips ở hai sàn đã phục hồi nhẹ, nâng đỡ các chỉ số hai sàn trong phiên đầu tuần. Một số cổ phiếu đột biến giá nhưng thanh khoản chung vẫn sụt giảm mạnh.

Phiên đầu tiên sau kỳ tái cân bằng danh mục của hai quỹ ETF kết thúc, thị trường đã trở lại trạng thái bình thường và giao dịch trầm lắng. Ít phút đầu phiên các chỉ số vọt tăng khá tốt, nhưng không được yếu tố thanh khoản hỗ trợ. Các biến động đầu phiên hầu như chỉ mang tính thời điểm, khi nhà đầu tư cho rằng áp lực bán đã giảm đi, đồng thời trong phiên cuối tuần, dòng tiền vào rất tốt để cân bằng lại các giao dịch bán lớn của quỹ.

VN-Index lúc cao nhất đầu phiên tăng 1,32% so với tham chiếu nhưng thời điểm chốt phiên sáng, mức tăng chỉ còn 0,45%. HNX-Index cũng thu hẹp mức tăng từ 1,24% còn 0,32%. Rất nhiều cổ phiếu bật tăng mạnh đầu phiên đã suy yếu trở lại, kể cả các blue-chips lớn.

Thị trường giữ được trạng thái cân bằng khá tích cực sáng nay chủ yếu là nhờ sức mạnh của những cổ phiếu vốn hóa lớn. Trên sàn HSX, VN30-Index tăng 0,42% với độ rộng mở rộng: 20 mã tăng, 7 mã giảm. Không nhiều cổ phiếu vốn hóa thực sự lớn mất giá nên áp lực lên chỉ số ở mức độ nhẹ: MSN giảm 1,19%, SSI giảm 0,67%, KDC giảm 2,42% là những mã đáng chú ý nhất.

Ngược lại, số lớn cổ phiếu tăng giá, trong đó VNM tăng 0,94%, VCB tăng 1,9%, DPM tăng 1,64%, BVH tăng 2,5%, PVD tăng 1%... Nhìn chung các blue-chips tăng giá hầu hết là có mức tăng cao hơn chỉ số, trong đó DRC có lúc áp sát giá trần.

Trên sàn HNX, một số cổ phiếu dầu khí trọng điểm cũng phục hồi tốt: PVS tăng 2,38%, PVC tăng 3,89%, đồng thời SHB tăng 1,1%. Thực tế các blue-chips trong rổ HNX30 còn xa mới có sức mạnh bằng VN30, nhưng chênh lệch vốn hóa lại cao hơn hẳn. Chính vì vậy mặc dù 14 cổ phiếu giảm giá, 8 mã tăng trong rổ này nhưng HNX-Index vẫn tăng 0,32%, HNX30-Index tăng 0,31%.

Diễn biến khá giống nhau ở các blue-chips hai sàn là đà tăng suy yếu dần trong phiên. Điều này đặc biệt rõ ở các cổ phiếu chứng khoán, khi lượng hàng rất lớn về đến tài khoản. SSI trên sàn HSX đầu phiên leo lên 30.000 đồng, tăng 0,67% so với tham chiếu. Lực bán nhanh chóng xuất hiện với cường độ lớn đã ép giá giảm 0,67% về cuối phiên. HCM từ 40.300 đồng  về 39.300 đồng. VND từ 16.900 đồng còn 16.500 đồng, KLS từ 13.200 đồng về 12.800 đồng…

Hai mã dầu khí nổi bật ở HNX là PVS và PVC cũng có dấu hiệu bị bán, mặc dù giá chốt phiên sáng vẫn tích cực hơn các mã chứng khoán. PVS bị ép từ 43.900 đồng về 43.000 đồng và PVC từ 41.000 đồng còn 40.100 đồng.

Áp lực bán tăng dần theo thời gian là điều không mấy bất ngờ, vì bên cạnh nhà đầu tư tích cực mua, những nhà đầu tư đang bị lỗ bắt đầu tranh thủ giá phục hồi để thoát ra giảm thiệt hại. Đặc biệt ở các cổ phiếu chứng khoán, dầu khí, khối lượng hàng quá lớn những ngày qua tạo sức ép rất mạnh. Giá tăng là cơ hội rất tốt để nhà đầu tư bán được giá tốt.

Nhìn tổng thể, thị trường sáng nay tuy được các cổ phiếu blue-chips nâng đỡ, nhưng giao dịch chỉ ở mức cân bằng. HSX ghi nhận 93 mã giảm, 93 mã tăng và khác biệt nằm ở rổ VN30. HNX khá tiêu cực với 102 mã giảm, 74 mã tăng, thậm chí HNX30 cũng rất kém. Lực đỡ chủ yếu ở PVS, SHB.

Đà tăng sáng nay ở nhiều cổ phiếu đã không có được mức thanh khoản đủ tốt để hỗ trợ do dòng tiền mua trở nên thận trọng. Duy nhất một cổ phiếu khớp lệnh trên 100 tỷ đồng sáng nay là FLC, đáng tiếc giá lại giảm 1,67% do lượng xả quá nhiều. PVS đứng thứ hai với gần 96,1 tỷ đồng giá trị khớp lệnh là cổ phiếu hiếm hoi chịu được lực xả, dù giá đang yếu dần. 

Đột biến giá xuất hiện ở một số mã, chẳng hạn SAM trên HSX. Cổ phiếu này bất ngờ kịch trần sau tin Tổng giám đốc đã bán gần hết trong số 4 triệu cổ phiếu đăng ký. SAM tăng giá kịch trần với thanh khoản đứng thứ ba sàn HSX, đạt 41,9 tỷ đồng (3,5 triệu cổ phiếu). SAM đã có tuần trước đáng thất vọng với mức giảm cả tuần 9,5%.

HVG không phải là cổ phiếu có đột biến về thanh khoản, nhưng độ phục hồi giá cũng rất mạnh, lên mức kịch trần. HVG trải qua 3 phiên cuối tuần trước lao dốc hơn 16% và hôm nay lấy lại được 6,67%.

Hai sàn sáng nay có 19 mã trần thì đa số là thanh khoản rất kém và đều thuộc các cổ phiếu thị giá thấp. Quy mô chung hai sàn khớp lệnh sáng nay cũng giảm 13% so với sáng phiên thứ Sáu, đạt 1.547,7 tỷ đồng.

Một phần nguyên nhân khiến thanh khoản giảm là khối ngoại giảm mua vào. Sau đợt tái cân bằng, các giao dịch mua chỉ còn là những hoạt động thông thường và hướng trọng điểm vào số ít cổ phiếu. CTG, DRC, HPG, VCB, VSH. PVD được giao dịch lớn nhưng là thỏa thuận. Nếu tính riêng các giao dịch khớp lệnh, khối ngoại mua tại rổ VN30 chỉ chiếm gần 4% thanh khoản.