09:05 07/01/2008

Chứng khoán thế giới: Ảm đạm

Lê Hường

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc tuần đầu năm mới thậm tệ nhất kể từ năm 2000

Các thị trường lớn ở châu Á cũng bị tác động mạnh từ những tin tức kinh tế không mấy khả quan.
Các thị trường lớn ở châu Á cũng bị tác động mạnh từ những tin tức kinh tế không mấy khả quan.
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc tuần đầu năm mới thậm tệ nhất kể từ năm 2000 sau khi chính phủ nước này đưa ra báo cáo về tình trạng việc làm và sản xuất không mấy lạc quan.

S&P 500 mất 35,53 điểm (2,5%) xuống mức 1.411,63 điểm, nâng tổng mức tổn thất trong ba ngày lên 3,9%, đây là mức cao nhất kể từ năm 2000 khi con số mất mát của tuần đầu năm mới là 4,6%, và gần như quét sạch những thành quả đã đạt được trong năm ngoái.

Dow giảm 256,54 điểm (2%) xuống mức 12.800,18 điểm, đánh dấu điểm tối nhất trong những phiên giao dịch đầu năm kể từ năm 1904. Trên thị trường giao dịch New York, số cổ phiếu giảm giá áp đảo tuyệt đối cổ phiếu tăng giá với tỷ lệ 10:1.

Những cổ phiếu “họ” máy tính là mất điểm mạnh nhất, đẩy chỉ số Nasdaq tụt mất 98,03 điểm (3,8%) còn ở mức 2.504,65 điểm. 5,6% hao hụt trong tuần đầu năm mới này của thước đo là mức tồi tệ nhất kể từ khi thị trường giao dịch điện tử được mở cửa năm 1971.

Apple, cổ phiếu công nghệ thăng tiến nhất trong hàn thử biểu S&P 500 năm ngoái, đã mất 7,6% xuống mức 180,05 USD. Intel cũng mất 8,1% còn 22,67 USD, giá thấp nhất kể từ tháng 6/2007. Research In Motion Ltd., nhà tạo lập công cụ email BlackBerry, cũng mất mát 8,4% còn 103,35 USD.

Các cửa hàng liên hoàn và các cửa hàng bán giảm giá tham gia vào S&P 500 cũng mất 3,9%, bước tụt lùi thứ bảy liên tiếp. Cổ phiếu của các nhà bán lẻ, các công ty xây dựng và các nhà sản xuất ô tô trong chỉ số S&P 500 đã giảm 6,2% tính từ 31/12/2007, đây là nhóm ngành hoạt động “đuối” thứ hai (sau ngành công nghệ) trong 10 nhóm ngành của chỉ số này.

Năm ngoái, nhóm này đã mất 14%, chỉ sau nhóm tài chính với 21% hao tổn. “Rõ ràng nền kinh tế đang đi xuống nhanh chóng. Đám mây giông tố đang lơ lửng trên thị trường vốn”. James Swanson, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại MFS Investment Management ở Boston nhận định.

Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, con số việc làm trong tháng trước tăng 18.000, chỉ được khoảng ¼ con số ước tính của các nhà kinh tế, và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 5%, mức cao nhất trong 5 năm qua. Thêm vào đó, ngày 2/1, Viện Quản lý nguồn cung của quốc gia này cũng cho biết, chỉ số sản xuất tháng 12 đã giảm mạnh nhất trong 5 năm qua, chỉ còn 47,7%.

“Mọi người chỉ còn đặt hy vọng vào thị trường lao động để nền kinh tế tránh được một cuộc suy thoái. Thế nhưng, con số này lại gây thêm lo lắng”. Daniel Manion, chuyên viên quản lý quỹ tại Sentinel Common Stock Fund ở Montpelier, Vermont nói.

Lợi tức của trái phiếu kho bạc kỳ hạn hai năm cũng rơi xuống con số thấp nhất kể từ 11/2004 khi giới đầu tư “đồ” rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm chi phí cho vay. Đồng USD chạm đến đáy thấp nhất so với đồng Euro và Yên.

The Russell 2000 Index, hàn thử biểu của các công ty tầm trung với giá trị thị trường khoảng 541 triệu USD, mất 3,1% xuống mức 721,6 điểm. Dow Jones Wilshire 5000, thước đo rộng nhất của các cổ phiếu ở Mỹ giảm 2,6%, còn 14.210,85 điểm. Cùng với sự sụt giảm này, giá trị các cổ phiếu mất 471,3 tỷ USD.

Cùng đà suy thoái của thị trường Mỹ, các thị trường ở châu Á cũng trải qua phiên giao dịch đầu năm rất ảm đạm. Dẫn đầu là các ông chủ xuất khẩu lớn như Toyota Motor Corp. và Samsung Electronics Co., sau khi thị trường nhận được các báo cáo cho thấy sự tăng trưởng của các nước châu Á và Mỹ đang chậm lại.

“Năm nay, tác động tiêu cực của những rủi ro bên ngoài đối với những nền kinh tế châu Á sẽ trầm trọng hơn. Sự chuyển biến của thị trường chứng khoán thể hiện môi trường xung quanh” Kwon Hyeuk Boo, Giám đốc quản lý quỹ tại Daishin Investment Trust Management Co. ở Seoul, Hàn Quốc nhận xét.

Tuần này, chỉ số MSCI – châu Á - Thái Bình Dương mất 0,1% xuống mức 156,05 điểm, sau khi tăng được 1,8% trong tuần trước. Nikkei 225 của Nhật mất 4% chỉ còn 14.691,41 điểm, nấc thang thấp nhất kể từ tháng 7/2006. Các hàn thử biểu trên khắp khu vực đều sụt giảm trừ Trung Quốc, Hồng Kông, Malaysia và Ấn Độ. Chỉ số Karachi Stock Exchange 100 của Pakistan đã mất 4,2% sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Benazir Bhutto.

Chứng khoán Nhật mở hàng năm mới tồi tệ sau khi các báo cáo về kinh tế của Mỹ cho thấy nguy cơ suy thoái kinh tế rất cao và đồng Yên leo lên mức kỷ lục nhất trong một tháng so với đồng USD. Hôm 3/1, một USD đổi được 108,25 Yên, con số cao chưa từng có kể từ 27/11.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (Ngày 4/1, thị trường Nhật chỉ giao dịch trong buổi sáng), Nikkei 225 mất 601,37 điểm (4,03%), xuống 14.691,41 điểm. Chỉ số rộng hơn là Topix cũng giảm 63,77 điểm (4,32%), còn ở mức 1.411,91 điểm, phiên giao dịch đầu năm “bi bét” nhất kể từ ngày chỉ số này “chào đời” năm 1949. Và hôm nay cũng là phiên giao dịch năm mới đầu tiên mà cả hai chỉ số này cùng mất điểm.

Toyota, ông chủ sản xuất ô tô lớn nhất nước Nhật, giảm 4,3% còn 5.780 Yen, giá thấp nhất kể từ 07/2006. Samsung Electronics Co., công ty có doanh số xuất khẩu lớn nhất Hàn Quốc, trượt 3,1%, còn 539.000 Won.

Các thị trường lớn khác ở châu Á cũng bị tác động mạnh từ những tin tức kinh tế không mấy khả quan. Mức tăng trưởng doanh thu xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 12 đã chậm hơn dự đoán và Bộ trưởng Tài chính của nước này cho biết, nền kinh tế sẽ lớn lên trên 4% trong năm 2008, thấp hơn hẳn con số ước tính 5%. GDP quý 4/2007 của Singapore lần đầu tiên giảm trong 18 quý, trong khi đó các nhà kinh tế học đã từng dự đoán, giá trị này sẽ tăng trưởng 3,1%.