10:20 07/01/2008

Chứng khoán tuần qua: Giao dịch tiếp tục đi xuống

Hải Bằng

Tuần đầu tiên của năm 2008 chỉ có 3 phiên giao dịch, không khí còn buồn tẻ hơn cả tuần cuối cùng năm cũ

Tuần qua, thị trường bị tác động khá mạnh bởi một số thông tin bất lợi.
Tuần qua, thị trường bị tác động khá mạnh bởi một số thông tin bất lợi.
Tuần đầu tiên của năm 2008 chỉ có 3 phiên giao dịch, không khí còn buồn tẻ hơn cả tuần cuối cùng năm cũ.

Khối lượng và giá trị giao dịch tiếp tục giảm, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm ngoái đến nay. Cả 3 phiên, chỉ số giá 2 sàn giảm khá mạnh do hàng loạt cổ phiếu lớn giảm giá.

Tuần qua, thị trường bị tác động khá mạnh bởi một số thông tin bất lợi: Giá dầu thô thế giới đã tăng lên mức kỷ lục 100 USD/thùng, giá vàng thế giới và trong nước cũng vọt lên mức kỷ lục, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2007 tăng cao, hàng loạt những công ty lớn sẽ IPO trong tháng 1 và quý 1/2008.

Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong năm 2007, quy mô thị trường đã tăng gấp đôi so với năm 2006. Lượng huy động vốn từ thị trường chứng khoán đã lên tới 90.000 tỷ đồng, gấp rất nhiều lần so với các năm trước đó.

Đây chính là “tăng trưởng” một lượng cung khổng lồ trong thời gian chỉ có vài tháng, trong khi lượng cầu cổ phiếu tăng chậm hơn nhiều trong bối cảnh nguồn vốn của các nhà đầu tư đã được giải ngân nhiều trong năm 2007 với những đợt IPO quy mô rất lớn như Bảo Việt, PVFC, Vietcombank...

Chưa hết, theo kế hoạch, chỉ ngay trong tháng đầu tiên của năm 2008, thị trường sẽ đón nhận thêm rất nhiều cổ phiếu lên sàn với những gương mặt như Gỗ Trường Thành, Bóng đèn Điện Quang, Mía đường Lam Sơn, Mía đường Bourbon Tây Ninh... Hơn nữa, Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước đã thắt lại đáng kể lượng tiền ngân hàng thương mại cho vay cầm cố đầu tư chứng khoán.

Trong tuần qua, chỉ có 3 phiên giao dịch, VN-Index giảm điểm cả 3 phiên và lùi sát ngưỡng 900 điểm, phiên cuối tuần đóng cửa ở 903,09 điểm, giảm 23,93 điểm, tương đương giảm 2,58% so với phiên giao dịch cuối cùng của năm ngoái. Số lượng mã chứng khoán giảm giá chiếm áp đảo với số lượng 124, chỉ có 10 mã tăng giá và 7 mã đứng giá, không có cổ phiếu nào mới niêm yết.

Tăng giá mạnh nhất là cổ phiếu RIC với mức tăng 9,33%, phiên giao dịch cuối tuần RIC đạt mức giá 82.000 đồng/cổ phiếu, các cổ phiếu khác chỉ tăng nhẹ từ 300 đồng đến 4.000 đồng. Cổ phiếu DNP có mức giảm nhiều nhất, giảm 10,53% sau 3 phiên, tiếp đến là VID giảm 10,18%.

Hàng lọat các cổ phiếu lớn khác đều giảm điểm: SSI giảm 3.000 đồng/cổ phiếu, FPT giảm 11.000 đồng/cổ phiếu, VNM giảm 4.000 đồng/cổ phiếu. Ba chứng chỉ quỹ đều giảm giá, PF1 giảm 300 đồng, BF1 giảm 100 đồng và VF1 giảm 400 đồng.

Khối lượng giao dịch khớp lệnh cổ phiếu và chứng chỉ quỹ chỉ đạt gần 5 triệu đơn vị/phiên, trị giá chỉ có hơn 400 tỷ đồng/phiên. Sau 3 phiên, tổng cộng chỉ có 13,8 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, trị giá gần 1.400 tỷ đồng. Lượng cổ phiếu đặt mua đạt 23,43 triệu cổ phiếu, xấp xỉ lượng đặt bán là 23,63 triệu cổ phiếu.

Giao dịch khớp lệnh chứng chỉ quỹ đạt 399.880 cổ phiếu, lượng đặt bán cao hơn chút ít lượng đặt mua. Giao dịch thỏa thuận đạt 632.902 cổ phiếu, trị giá 49,733 tỷ đồng và 8,494 triệu TP, trị giá 903 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều hơn bán, tổng cộng 3 phiên họ mua khớp lệnh 2,319 triệu cổ phiếu, cổ phiếu và bán khớp lệnh 1,514 triệu cổ phiếu, cổ phiếu. Họ còn mua thỏa thuận cùng khối 202.952 VIP, 30.000 PAC và mua thỏa thuận 130.000 DPM, 23.700 HAP.

Trên sàn Hà Nội, sau 3 phiên, HASTC-Index giảm 13,10 điểm, xuống 310,45 điểm, khối lượng giao dịch rất thấp, chỉ đạt hơn 5 triệu cổ phiếu, trị giá 476,478 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài mua vào 109.500 cổ phiếu, trị giá 10,295 tỷ đồng và bán 241.900 cổ phiếu, trị giá 24,157 tỷ đồng.