10:33 30/01/2009

Chứng khoán Việt Nam 2009: Khó khăn liệu đã hết?

Lan Hương - Tú Uyên

Đại diện cơ quan quản lý, hiệp hội và lãnh đạo một số công ty chứng khoán chia sẻ những cảm nhận thị trường

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SSI.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SSI.
Năm 2008 được đánh giá là một năm đầy sóng gió đối với thị trường chứng khoán Việt Nam và được xem là xấu nhất trong suốt hơn 8 năm hoạt động, do chịu ảnh hưởng từ những biến động lớn của kinh tế thế giới và trong nước.

Sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán thể hiện rõ nhất qua chỉ số giá chứng khoán tại hai sàn niêm yết HASTC và HOSE.

So với thời điểm đầu năm 2008, HaSTC-Index và VN-Index giảm tương ứng 67,2% và 66,9%. Các công ty chứng khoán là những người hơn ai hết hiểu rõ nhất những khó khăn này.

Liệu khó khăn của năm 2008 có còn kéo dài đến năm 2009 không? Đại diện cơ quan quản lý, hiệp hội và lãnh đạo một số công ty chứng khoán đã chia sẻ với chúng tôi những cảm nhận thị trường trong ngày đầu xuân Kỷ Sửu.

“Năm 2008 chưa phải là đáy"

(Ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - SSI)

"Theo tôi, năm 2009 sẽ nhiều khó khăn hơn năm 2008. Những vấn đề mà nền kinh tế sẽ phải đối mặt là thiểu phát, thiếu vốn, khó khăn trong việc tìm nguồn tiền cân bằng cán cân thanh toán và thậm chí cả mối đe doạ lạm phát trở lại...

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong năm 2008 được nhiều người nhìn nhận còn lớn hơn cuộc khủng hoảng năm 1929 và kinh khủng hơn cả năm 1997.

Điều này có nghĩa là những gì diễn ra trong năm 2008 chưa phải là đáy.

Đối với SSI, chúng tôi cũng đang thu thập thông tin để phân tích và xây dựng chiến lược cho riêng mình.

Tuy nhiên, mục tiêu mà chúng tôi hướng tới trong năm 2009 là giữ vững để qua cơn bão hơn là tăng trưởng. Để làm được việc này thì việc đầu tiên là siết lại hệ thống.

SSI cũng xác định khó khăn chỉ là trước mắt, việc lên kế hoạch sẽ ngắn hạn, 3-6 tháng sẽ điều chỉnh chiến lược theo điều kiện và hoàn cảnh. Năm 2009, SSI sẽ tập trung đầu tư vào những doanh nghiệp hàng đầu với giá xoay quanh giá trị sổ sách.

Mua cổ phiếu của các doanh nghiệp loại này với giá trị sổ sách có thể ví như cơ hội góp vốn làm cùng vì người mua không phải trả những chi phí cơ hội để gây dựng doanh nghiệp trước đó.

Bên cạnh đó, trong năm 2009, SSI cũng sẽ trình làng những sản phẩm đầu tư tài chính hoàn toàn mới trên cơ sở kỳ vọng và suy nghĩ của những người có tiền”

“Tin rằng sẽ có thêm cơ hội”

(Bà Josephine Yei, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SaigonBank Berjaya - SBBS)

“Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại đang trong giai đoạn bất lợi cho tất cả các công ty chứng khoán, song điều quan trọng nhất là tình hình này ảnh hưởng như thế nào đến từng công ty.

Khi SBBS bắt đầu đi vào hoạt động, Việt Nam và đặc biệt là thị trường chứng khoán trong thời gian đó rất mất ổn định, chỉ số VN-Index giảm hơn 60% so với cùng kỳ đầu năm, bản thân chúng tôi cũng không dám khẳng định liệu thị trường chứng khoán sẽ hồi phục hay còn tuột dốc nặng nề hơn.

Chúng tôi đã từng vượt qua nhiều giai đoạn khủng hoảng tại đất nước của mình, ví dụ như khủng hoảng tài chính đánh vào Malaysia năm 1997.

Bởi thế, chế ngự rủi ro và bảo toàn vốn luôn là nhiệm vụ hàng đầu của chúng tôi trong việc quản lý mọi hoạt động tính theo đơn vị ngày.

Năm 2009 là một năm khó khăn cho thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như những thị trường chứng khoán khác trên thế giới. Đây là vấn đề không chỉ của Việt Nam mà còn của toàn thế giới.

Điều này tùy thuộc rất nhiều vào Chính phủ, các cơ quan chức năng và tất cả các tổ chức trung gian trên thị trường chứng khoán trong đó có các công ty chứng khoán, họ phải làm việc cùng nhau để giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục nhanh hơn và thu hút nhiều nhà đầu tư hơn những thị trường khác.

Điều này cần sự hỗ trợ từ nhiều phía và không thể chỉ phụ thuộc vào cá nhân bên nào. Chúng ta phải tích cực thúc đẩy thị trường hồi phục chứ không chỉ khoanh tay ngồi chờ đợi.

Một khi nền kinh tế thế giới đã phục hồi, chúng ta đã phải trong tư thế sẵn sàng cạnh tranh để thu hút nhiều nguồn đầu tư nước ngoài về Việt Nam thay vì vào những nước khác...

Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy thị trường Việt Nam có những tiềm năng cực kỳ lớn để phát triển. Số lượng những tài khoản giao dịch chứng khoán được mở hiện nay chỉ chiếm khoảng 0,6% dân số và giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán chỉ chiếm khoảng 15% GDP Việt Nam nếu so với thị trường chứng khoán các nước trong khu vực (chiếm bình quân 45% GDP).

Ngoài ra, sẽ có thêm hơn 800 doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa trong vòng 3 năm tới. Chúng tôi tin tưởng rằng sẽ có thêm nhiều cơ hội cho hoạt động chứng khoán phát triển và trở nên thịnh vượng tại Việt Nam”.

“Quy trình IPO có nhiều bất cập”

(Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Trưởng ban Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán)

“Việc cổ phiếu của các công ty niêm yết mất giá đến 70% trên thị trường là kết quả của việc giá cổ phiếu được đẩy lên quá cao, gây ra hiện tượng bong bóng.

Nay tình hình đã ở chiều hướng ngược lại, tuy nhiên việc giá trị cổ phiếu đã bị pha loãng quá nhiều trong thời gian vừa qua vẫn chưa được khắc phục.

Do đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể yêu cầu các công ty đại chúng thực hiện việc mua lại cổ phiếu của chính mình song song với việc giảm vốn điều lệ chứ không làm cổ phiếu quỹ như trước đây, hạn chế hoặc cấm việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt, không khuyến khích các công ty có lợi nhuận thấp trong năm trích quỹ khen thưởng cho nhân viên. Để thị trường chứng khoán hồi phục và tăng trưởng trong thời gian tới, chúng tôi cũng có đề xuất nên có mức độ xử phạt nặng tính theo tỷ lệ doanh thu của doanh nghiệp.

Chúng tôi cũng đồng tình với ý kiến là quy trình thực hiện IPO ở các doanh nghiệp nhà nước đang có nhiều bất cập, cản trở kế hoạch thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, cần làm rõ khái niệm thế nào là nhà đầu tư chiến lược, bởi có nhiều nhà đầu tư chiến lược cả nước ngoài lẫn trong nước đều không có nhiều đóng góp cho doanh nghiệp, tức vai trò cũng chỉ như nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Vấn đề không phải nằm ở quy trình thực hiện IPO mà nằm ở chiến lược cổ phần hóa doanh nghiệp.

Mục đích chính của cổ phần hóa doanh nghiệp không chỉ nằm ở đa dạng hóa sở hữu, mà là nâng cao hiệu quả hoạt động của chính các doanh nghiệp được cổ phần hóa.

Nhưng với cách làm như hiện nay, bộ máy quản lý của các doanh nghiệp không có gì thay đổi so với trước cổ phần hóa nên đã đánh mất ý nghĩa của việc cổ phần hóa.

Đối với vấn đề này, chúng tôi đề xuất thực hiện bán trọn gói kiểm soát cho một nhà đầu tư chiến lược thông qua phương thức đấu giá công khai, đi kèm với các cam kết đầu tư và phát triển doanh nghiệp.

Sau khi thực hiện bán cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược, Nhà nước sẽ thực hiện theo từng giai đoạn việc bán cổ phần còn lại của mình cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề xuất ngừng việc chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước thành các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hay chỉ cổ phần hóa một tỷ lệ rất nhỏ dưới 20%. Việc chuyển đổi như thế này đã tạo ra một lỗ hổng trong cơ chế quản lý”.

“Phá sản đối với công ty chứng khoán sẽ dễ hơn sáp nhập”

(Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán)

“Vừa qua, Chính phủ đã thông qua gói kích cầu để hỗ trợ nền kinh tế. Nếu việc kích cầu này hiệu quả sẽ giúp ích cho doanh nghiệp rất nhiều. Nếu nền kinh tế khởi sắc sẽ tạo đà cho sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, nếu chỉ “kích” vào khu vực sản xuất, kinh doanh vẫn là chưa đủ và cần phải “kích” cả tiêu dùng.

Đối với các công ty chứng khoán, theo tôi, với các giải pháp vừa qua (kích cầu sản xuất kinh doanh; giãn, giảm thuế...) các công ty chứng khoán không được hưởng lợi nhiều.

Trong khi, công ty chứng khoán là tổ chức quan trọng trên thị trường chứng khoán.

Và nếu Chính phủ thực sự quan tâm hay quan tâm đầy đủ đến thị trường chứng khoán thì cũng nên kiến nghị, bỏ đánh thuế thu nhập đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán.

Ngoài ra, Nhà nước cũng nên có các biện pháp hỗ trợ các công ty chứng khoán như cho phép họ mở ra các nghiệp vụ khác như phái sinh, tất nhiên, điều này cũng sẽ đụng đến chính sách. Tôi cũng nghĩ rằng, vai trò của Ủy ban Chứng khoán cũng cần phải được đề cao hơn nữa.

Năm 2009, theo tôi, nếu gặp khó khăn thì chuyện phá sản đối với công ty chứng khoán sẽ dễ hơn việc sáp nhập bởi đặc thù của văn hóa Việt Nam khác với nhiều nước khác.

Chuyện một công ty chứng khoán trong nước sáp nhập công ty chứng khoán  khác hay mua một phần công ty chứng khoán  là rất khó dù rằng có cơ chế".