05:59 25/03/2013

Cổ phiếu khoáng sản có bị làm giá?

Hoàng Lộc

Giới đầu tư tỏ ra nghi ngờ và lo ngại về một làn sóng làm giá cổ phiếu khoáng sản sẽ lặp lại

Một số chuyên gia cảnh báo, nhà đầu tư không nên đặt kỳ vọng quá lớn vào cổ phiếu khoáng sản.
Một số chuyên gia cảnh báo, nhà đầu tư không nên đặt kỳ vọng quá lớn vào cổ phiếu khoáng sản.
Từ đầu tháng 3 đến nay, trong số 17 cổ phiếu khoáng sản niêm yết, chỉ có 6 cổ phiếu tăng giá, nhưng chỉ có 3 cổ phiếu trong số này tăng mạnh và có lý do thuyết phục khi tỷ lệ chia cổ tức ở mức kỷ lục và lợi nhuận tăng đột biến. Giới đầu tư tỏ ra nghi ngờ và lo ngại về một làn sóng làm giá cổ phiếu khoáng sản sẽ lặp lại.

Giá cổ phiếu Công ty Cổ phần cơ khí và khoáng sản Hà Giang (mã HGM-HNX) liên tục tăng, từ 94.000 đồng (phiên 26/2) lên tới 110.000 đồng vào phiên 22/3, tăng tới 17% khi Hội đồng Quản trị HGM vừa quyết định đề nghị đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2013 biểu quyết thông qua chia cổ tức 100% bằng tiền mặt năm 2012 và phấn đấu chia tối thiểu 50% trong năm 2013.

Theo tài liệu dự kiến trình đại hội đồng cổ đông, năm 2012, HGM đạt lợi nhuận sau thuế 138 tỷ đồng, tương đương lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) thuộc loại cao là 21.950 đồng. HGM hiện là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đang khai thác, chế biến và xuất khẩu kim loại quý hiếm antimony ở quy mô công nghiệp. Tuy nhiên, lợi thế của HGM có thể giảm nếu Việt Nam có thêm những nhà khai thác antimony mới hoặc Trung Quốc bãi bỏ việc hạn chế xuất khẩu antimony.

Công ty Cổ phần Đá Núi Nhỏ (mã NNC-HOSE) cũng vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2013, trong đó mức chia cổ tức năm 2012 là 70% (đã tạm ứng 43%, dự kiến chia tiếp 27% còn lại vào ngày 15/4) và phấn đấu mức chia cổ tức năm 2013 từ 55% đến 70%.

Theo báo cáo của Hội đồng Quản trị, năm 2012, Công ty đạt lợi nhuận sau thuế 77,65 tỷ đồng, tương đương lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 9.313 đồng. Giá cổ phiếu NNC cũng tăng vọt, từ 38.000 đồng (phiên 1/3) lên tới 45.000 đồng vào phiên 22/3, tăng tới 18,4%.

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2012 của Công ty Cổ phần Than Vàng Danh-Vinacomin (mã TVD-HNX) ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 57,47 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần so với năm trước. Giá cổ phiếu TVD cũng tăng mạnh, tăng tới 21% từ 1/3 đến 22/3 với lực mua áp đảo trong hầu hết các phiên.

Sự tăng giá của 3 cổ phiếu khoáng sản nói trên được coi là do kỳ vọng vào mức cổ tức cao bằng tiền mặt sẽ khiến nhà đầu tư sẵn sàng mở hầu bao. Tuy nhiên, một số cổ phiếu tăng giá khác kiểu “ăn theo” đang bị giới phân tích nghi ngờ bởi những thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của các cổ phiếu này được công bố ra thị trường lúc này khá “ảm đạm”.

Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn (mã BKC-HNX) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2012 với khoản lỗ ròng 5,63 tỷ đồng, ghi nhận mức lỗ trong 5 quý liên tiếp gần đây nhất kể từ quý IV/2011, cả năm 2012 lỗ 15,7 tỷ đồng, nhưng giá tăng từ 9.000 đồng (ngày 28/2), lên 12.800 đồng vào phiên 22/3, tăng 43%.

Cổ phiếu MIC của Công ty Cổ phần Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam bị lỗ 2 năm 2011 và 2012 với 20,8 tỷ đồng nhưng giá bị đẩy lên từ 12.900 đồng (phiên 1/3), lên tới 17.300 đồng (phiên 12/3), tăng tới 35%, nhưng sau đó lại giảm về giá 14.300 đồng vào phiên 22/3.

Từ đầu tháng 3 đến 22/3, giá cổ phiếu của Công ty Cổ phần Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (mã KSA-HOSE) cũng tăng 10%, từ 9.900 đồng lên 10.900 đồng mặc dù lần thứ ba công ty dời ngày thanh toán cổ tức năm 2011 bằng tiền, tỷ lệ 10% và lãi ròng năm 2012 chỉ tăng nhẹ lên 11,4 tỷ đồng.

Hàng loạt cổ phiếu khoáng sản khác đều đứng và giảm giá trong tháng 3, bất chấp lợi nhuận 2012 tăng mạnh.

Điển hình là cổ phiếu DHM của Công ty Cổ phần Thương mại & Khai thác khoáng sản Dương Hiếu (mã DHM-HOSE) giảm từ 13.800 đồng (ngày 1/3) xuống 13.300 đồng trong phiên 22/3, mặc dù lợi nhuận sau thuế năm 2012 tăng vọt, lên 47 tỷ đồng, năm 2011 chỉ lãi có 1,7 tỷ đồng.

Một số chuyên gia cảnh báo, nhà đầu tư không nên đặt kỳ vọng quá lớn vào cổ phiếu khoáng sản. Khi đánh giá những cổ phiếu này không chỉ dựa trên các chỉ số định giá thông thường trên thị trường chứng khoán (P/E, P/B, ROE...) mà còn phải dựa trên bốn yếu tố rất quan trọng, gồm: tính khan hiếm của loại khoáng sản cụ thể (nhất là khoáng sản quý hiếm) trong tương lai, tính độc quyền của giấy phép khai thác mỏ, trữ lượng mỏ khoáng sản và triển vọng thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu trong những năm tới.

Trong khi đó, yếu tố quan trọng nhất là trữ lượng các mỏ khoáng sản rất khó cân đong đo đếm chính xác. Hầu hết các công ty đều “vẽ” lên con số trữ lượng mà không dẫn nguồn điều tra, khảo sát của cơ quan cụ thể nào...

Giám đốc một quỹ đầu tư cho biết, việc xác định trữ lượng một cách chính xác của các mỏ quặng mà doanh nghiệp công bố là điều không hề đơn giản, mất rất nhiều thời gian. Yếu tố trữ lượng hư hư ảo ảo và siêu lợi nhuận của một vài công ty khoáng sản là nguyên nhân chính tạo nên các cơn sốt cổ phiếu khoáng sản trong những năm vừa qua, nhất là những công ty đang khai thác khoáng sản qúy hiếm như vàng, vonfram, titan zircon, đất hiếm, antimony.