09:13 22/01/2007

Diễn biến thị trường chứng khoán: Nội - ngoại đối đầu

Diễn biến thú vị nhất trong tuần giao dịch vừa qua là sự tranh chấp giữa lực lượng mua vào và lực lượng bán ra

Diễn biến thú vị nhất trong tuần giao dịch vừa qua là sự tranh chấp giữa lực lượng mua vào và lực lượng bán ra.

Phá sản nhiều toan tính

Đặc biệt, động thái bán ra rất mạnh một số cổ phiếu dẫn dắt thị trường của nhóm nhà đầu cơ nước ngoài nhằm thúc đẩy xu hướng bán ra theo của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã không thành khi một lượng cầu bổ sung cực lớn đã "hốt" toàn bộ số cổ phiếu.

Thống kê giao dịch cho thấy lượng bán ra rất mạnh của nhà đầu tư nước ngoài xuất hiện từ đầu tuần và đỉnh điểm là ngày 18.1 với giá trị trên 490 tỉ đồng, tương đương gần 2,83 triệu cổ phiếu.

Danh sách bán ra bao gồm 37 mã, trong đó đáng chú ý là VNM (784.800 cổ phiếu), VSH (322.340 cổ phiếu), GMD (294.630 cổ phiếu), BMP (234.070 cổ phiếu), SAM (216.620 cổ phiếu). Đây cũng là những cổ phiếu thuộc nhóm có tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu tính VN-Index. Giá trị bán ra ngày 18/1 lớn gấp gần 5 lần phiên ngày 17/1 và khối lượng cũng gấp 3 lần.

Thị trường chứng khoán tuần qua diễn biến hết sức ngoạn mục với cuộc chiến cung - cầu từ hai khối nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Theo nhận xét của một chuyên gia phân tích thị trường tại một công ty chứng khoán, "đòn" kéo giá của một vài tổ chức đầu tư nước ngoài đã không thành khi VN-Index tiếp tục vượt mốc 1.000 điểm.

Ý đồ kéo giá đã không thành khi xuất hiện lượng cầu "đón lõng" rất lớn của cả nhà đầu tư trong nước lẫn một bộ phận nhà đầu tư nước ngoài. Riêng khối nhà đầu tư nước ngoài, hơn 273,3 tỉ đồng đã được "quăng" vào bên mua, với khối lượng khớp 1,67 triệu chứng khoán.

Các mã mua vào mạnh nhất cũng chính là những mã được bán ra: VSH (294.700 cổ phiếu), BMP (170.000 cổ phiếu), VNM (162.510 cổ phiếu), PVD (129.820 cổ phiếu)...

Nhà đầu tư trong nước đã tạo nên một phiên giao dịch bất ngờ đối với nhóm đầu cơ nước ngoài khi lượng bán ra được tiết giảm mạnh - trái với mong đợi về một làn sóng bán theo tâm lý bầy đàn - trong khi mua vào tăng vọt. Tổng khối lượng đặt bán toàn thị trường vào khoảng 14,3 triệu chứng khoán, giảm xấp xỉ 21% so với phiên ngày 17/1.

Nếu không tính lượng bán ra của nhà đầu tư nước ngoài, cung từ nhà đầu tư trong nước chỉ có 11,5 triệu chứng khoán, giảm tới 33%, trong khi lượng mua vào đạt 16 triệu chứng khoán, tăng 30%.

Theo nhận định của một chuyên gia phân tích thị trường, xu hướng bán ra của nhóm đầu cơ nước ngoài vẫn khá mạnh (khoảng 1,1 triệu chứng khoán phiên ngày 19.1), nhưng tương quan đã nghiêng về bên mua (1,84 triệu chứng khoán). Đây có thể là biểu hiện "đối đầu" cả giữa khối nhà đầu tư nước ngoài với nhau.

Đặc biệt, yếu tố "nội" mới tham gia, nhưng đang hình thành một lực mua rất mạnh có thể tạo ra bất ngờ và làm "phá sản" nhiều toan tính.

Phong trào mạnh hơn chuyên nghiệp

Trong những diễn biến hết sức khó lường của thị trường, hầu hết chuyên gia đều... tắt máy hoặc từ chối đưa ra nhận định dù chỉ dưới góc độ cá nhân.

Tuy nhiên, những ý kiến không chính thức vẫn cho rằng ngưỡng 1.000 điểm của VN-Index mang yếu tố tâm lý nhiều hơn không chỉ vì đây là một con số chưa từng có mà còn vì thị trường đạt tới quá nhanh. Xung quanh mốc này, tương quan cung - cầu hết sức nhạy cảm và sẽ quyết định các phiên điều chỉnh hay phục hồi của thị trường, thậm chí có thể là những biến động đột ngột.

Một trong những yếu tố rủi ro là tính chất đầu cơ ngắn hạn quá phổ biến trong thị trường lên giá như hiện tại. Với một thị trường đầu cơ thì giá lên -xuống chủ yếu phụ thuộc vào cung - cầu và lợi nhuận của nhà đầu tư phụ thuộc vào thời điểm gia nhập thị trường.

Theo đại diện của một công ty chứng khoán, không có thị trường chứng khoán nào toàn thắng cả và với mức giá tăng liên tục, tâm lý nhà đầu tư có thể thay đổi rất nhanh.

Theo ý kiến này, "chất lượng" của nguồn tiền mới tham gia thị trường gần đây là điều cần xem xét. Rõ ràng yếu tố phong trào vẫn mạnh hơn là yếu tố chuyên nghiệp. Mặc dù "nghiệp dư" có thể tạo nên một làn sóng bất ngờ như trong phiên ngày 18/1 vừa qua hoặc có thể đưa VN-Index bứt phá, nhưng cũng có thể tạo nên đổ vỡ nhanh chóng do sự thiếu ổn định trong chiến lược đầu tư.