21:46 27/07/2012

“Điều tôi lo nhất là tính thanh khoản của thị trường”

Tú Uyên

“Từ đầu năm đến nay, kinh tế nước ta vẫn đang đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng”

TS. Trần Đắc Sinh: "Tôi cho rằng thách thức lớn nhất là việc chuyển đổi từ một thị trường đang phát triển thiên về chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu và cấu trúc lại thị trường".
TS. Trần Đắc Sinh: "Tôi cho rằng thách thức lớn nhất là việc chuyển đổi từ một thị trường đang phát triển thiên về chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu và cấu trúc lại thị trường".
Kể từ phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên được khai trương tại Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM ngày 28/7/2000, đến nay quy mô thị trường và sự tham gia của các nhà đầu tư đã tăng lên gấp bội.

Là một trong những người điều hành thị trường ngay từ những ngày đầu, TS. Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM đã chia sẻ về những thăng trầm của hành trình 12 năm qua.

Đồng hành cùng thị trường chứng khoán trong thời gian dài, ông nhận định thế nào về bối cảnh thị trường hiện nay?

Từ đầu năm đến nay, kinh tế nước ta vẫn đang đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng. Nguy cơ giảm phát hiện hữu, sức cầu giảm mạnh, tình hình hàng tồn kho cao. Trong bối cảnh này, thị trường chứng khoán có những “nốt trầm” là điều không khó hiểu. Chỉ số giảm sút, nhiều cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá, thanh khoản kém...

Điều làm tôi lo lắng nhất chính là tính thanh khoản trên thị trường. Thị trường lên xuống là rất bình thường bởi nó phản ánh tình hình hoạt động của doanh nghiệp và sức khỏe của nền kinh tế. Tuy nhiên, khi thị trường giảm tính thanh khoản là lúc những nhà tổ chức thị trường phải lo ngại bởi thanh khoản thể hiện niềm tin của nhà đầu tư, là cơ sở cho các doanh nghiệp sử dụng kênh thị trường chứng khoán huy động vốn. Thanh khoản tốt làm cho giá cả phản ánh thực chất cung cầu mà không bị bóp méo bởi các giao dịch thao túng, làm giá trên thị trường.

Không phủ nhận những chính sách của Chính phủ trong việc điều tiết kinh tế vĩ mô có tác động đến dòng tiền vào thị trường chứng khoán, song là đơn vị tổ chức thị trường, ngoài những kiến nghị về chính sách vĩ mô, chúng tôi luôn quan tâm đến các giải pháp tăng tính thanh khoản cho thị trường.

Đó không chỉ là những hoạt động nâng cao tính công bằng, công khai, minh bạch cho thị trường mà việc tổ chức cuộc bình chọn báo cáo thường niên của các doanh nghiệp niêm yết diễn ra từ năm 2007 là một ví dụ điển hình.
Đồng thời là những giải pháp về kỹ thuật giao dịch, về hàng hóa như giao dịch trực tuyến, kéo dài thời gian giao dịch, lệnh thị trường, chỉ số mới, sản phẩm phái sinh...

Để cải thiện và nâng cao thanh khoản, theo tôi, những chính sách của Chính phủ trong việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa của Ngân hàng Nhà nước là giải pháp căn cơ lâu dài để hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển bền vững.

Thưa ông, vấn đề lớn nhất mà thị trường chứng khoán Việt Nam đang phải đối mặt là gì?

Sau giai đoạn phát triển mạnh mẽ và rộng khắp, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đối diện nhiều vấn đề mà thị trường mới nổi non trẻ nào cũng gặp phải.

Đó là quy định pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán còn chậm ban hành, chưa theo kịp diễn biến thị trường. Các tổ chức trung gian hoạt động chưa chuyên nghiệp, chất lượng quản trị điều hành, quản trị rủi ro còn kém. Các đơn vị tổ chức thị trường chưa được tổ chức tập trung dẫn đến việc phân tán nguồn lực khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho thị trường chứng khoán, đặc biệt là mảng công nghệ...

Tôi cho rằng thách thức lớn nhất là việc chuyển đổi từ một thị trường đang phát triển thiên về chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu và cấu trúc lại thị trường.

Sau 12 năm phát triển, quy mô thị trường đã có hơn 100 công ty chứng khoán, 2 Sở giao dịch chứng khoán, hơn 700 công ty niêm yết và 131 công ty đăng ký giao dịch. thị trường chứng khoán Việt Nam cần chuyển sang tập trung vào chất lượng và việc tái cấu trúc thị trường là điều kiện cần thiết để phát triển theo định hướng đó. Tuy nhiên, giảm từ hơn 100 xuống còn vài chục công ty chứng khoán là một quá trình đòi hỏi sự cương quyết, triệt để nhưng cũng linh hoạt và khéo léo trong cách xử lý.

Việc hợp nhất hai Sở giao dịch phải giải quyết tốt bài toán về lợi ích và tái cấu trúc thị trường niêm yết cần có một giai đoạn quá độ cần thiết. Khi đã xác định được vấn đề của thị trường và quyết tâm thực hiện, tôi tin rằng chúng ta sẽ thực hiện tốt, theo thông lệ quốc tế và tôn trọng các quy luật của thị trường.

Là người trực tiếp điều hành thị trường, điều gì khiến ông cảm thấy còn băn khoăn, trăn trở vì chưa thể hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư?

Do thị trường chứng khoán Việt Nam chưa phải là một thị trường phát triển, thậm chí chưa được xếp vào thị trường mới nổi như các thị trường trong khu vực nên còn nhiều điều mà cá nhân tôi nói riêng và các cơ quan quản lý nói chung chưa làm được, cho dù do nhiều nguyên nhân khách quan.

Đối với doanh nghiệp, chúng tôi chưa tổ chức được những sự kiện mang tầm cỡ quốc tế để thu hút sự quan tâm các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các doanh nghiệp niêm yết và vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện nay, chúng tôi đang học hỏi kinh nghiệm từ các thị trường chứng khoán khu vực như Invest Malay, Invest ASEAN hay Thailand Focus để tổ chức những sự kiện tương tự cho Việt Nam.

Với các nhà đầu tư, phần giáo dục, phổ biến kiến thức của Sở giao dịch còn thiếu tính chất hệ thống mặc dù việc triển khai các giải pháp kỹ thuật mới, các hàng hóa mới khá tốt. Để việc đào tạo, phổ biến kiến thức thực hiện một cách bài bản, định kỳ, hướng tới nhiều đối tượng khác nhau, thời gian tới, sẽ được đề ra cụ thể trong chiến lược phát triển.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)