06:00 14/11/2013

Đua nhau phát hành cổ phiếu cấn trừ nợ

Hoàng Lộc

Một số doanh nghiệp niêm yết lớn nợ đầm đìa, gần tới mức báo động đã lên phương án phát hành cổ phiếu để cấn trừ nợ

Lần đầu tiên, một công ty con là HT1 phát hành cổ phiếu cấn trừ nợ cho công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước - Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ.<b><br></b>
Lần đầu tiên, một công ty con là HT1 phát hành cổ phiếu cấn trừ nợ cho công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước - Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ.<b><br></b>
Một số doanh nghiệp niêm yết lớn nợ đầm đìa, gần tới mức báo động đã lên phương án phát hành cổ phiếu để cấn trừ nợ cho ngân hàng, đối tác chiến lược và doanh nghiệp khác. Lần đầu tiên, một công ty con là HT1 phát hành cổ phiếu cấn trừ nợ cho công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước.

Đầu năm 2013, ITA nổ phát pháo đầu tiên phát hành thêm 116 triệu cổ phiếu để cấn trừ hơn 1.156 tỷ đồng công nợ với Công ty Cổ phần Đại học Tân Tạo, Công ty Cổ phần Delta miền Nam, Công ty Cổ phần Truyền thông giải trí và sản xuất Media Ban Mai và Quỹ ITA Vì tương lai.
 
Hội đồng Quản trị Tập đoàn Mai Linh (MLG) bất ngờ đề xuất với cổ đông phát hành 100 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược để thanh toán nợ vay ngắn hạn và dùng cho đầu tư phát triển. MLG chưa có báo cáo tài chính quý 3 nhưng tính đến 30/6/2013, lợi nhuận chưa phân phối bị âm 122,8 tỷ đồng, nợ phải trả tới 2.182 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ 707 tỷ đồng.

Nhằm cấn trừ nợ và chuyển một phần nghĩa vụ trả nợ, HQC phát hành 18 triệu cổ phiếu cho hai công ty liên kết là Công ty Cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân Mê Kông và Công ty Cổ phần Việt Kiến trúc. Đến cuối tháng 9, nợ phải trả của HQC vẫn ở mức 1.298 tỷ đồng.

CMI cũng sẽ phát hành riêng lẻ để cấn trừ công nợ khi nợ phải trả đến 30/09/2013 là 124 tỷ đồng, chiếm 65% tổng tài sản, lợi nhuận chưa phân phối hiện âm 11 tỷ đồng.

Một trường hợp khác, đại hội cổ đông bất thường năm 2013 của Công ty Chứng khoán Golden Bridge (GBS) đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 13,5 triệu cổ phiếu, dự kiến trong quý 4/2013. Số tiền thu được từ đợt phát hành dự kiến 135 tỷ đồng được dùng để chuyển đổi từ nghĩa vụ nợ thành vốn góp cổ phần khoảng 69 tỷ đồng và 56 tỷ đồng thanh toán nghĩa vụ nợ của công ty cho các chủ nợ.

Mới đây, ngày 5/11/2013, đại hội cổ đông KBC lấy ý kiến bằng văn bản đã thông qua phát hành 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ với quy mô 10.000 tỷ đồng để cấn trừ công nợ và bổ sung nguồn vốn kinh doanh do áp lực trả nợ rất lớn (doanh nghiệp sẽ cấn trừ công nợ vẫn chưa được công bố).

KBC chưa có báo cáo tài chính quý 3 nhưng tính đến 30/6/2013, nợ phải trả tới mức 7.172 tỷ đồng, tăng 228 tỷ so với cuối năm 2012 và chiếm 60% tổng tài sản của công ty. Trong đó, nợ ngắn hạn gần 3.367 tỷ đồng. Tổng nợ vay ngắn và dài hạn gần 4.000 tỷ đồng. Đa số khoản vay ngân hàng của KBC đều có lãi suất từ 15-18%/năm, trong khi hoạt động kinh doanh liên tục thua lỗ từ quý 2/2012 tới nay.

Gần đây nhất, ngày 10/11, Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (mã HT1-HOSE) cho biết, sắp chào bán 120 triệu cổ phiếu cho Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu nhằm tất toán và cấn trừ nợ dài hạn cho Vicem, theo nghị quyết đại hội cổ đông bất thường thông qua từ cuối tháng 8/2013.

Theo đó, sau khi phát hành Vicem tăng sở hữu từ 133.418.824 cổ phiếu (chiếm 67,38%) lên 253.418.824 cổ phiếu HT1, tương đương 79,69% vốn của HT1. Đây là trường hợp đầu tiên một công ty con phát hành cổ phiếu cấn trừ nợ cho công ty mẹ là Tập đoàn Nhà nước.

Trong quý 3/2013, HT1 lỗ ròng 72,6 tỷ đồng, tăng 42,7 tỷ so cùng kỳ năm trước. HT1 giải trình nguyên nhân chủ yếu do chi phí tài chính tăng 89 tỷ so cùng kỳ năm trước, do ảnh hưởng của khoản lỗ chênh lệch tỷ gía sau khi đánh giá vào cuối quý. Lũy kế 9 tháng, HT1 lỗ 70,4 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Tính đến 30/9/2013, HT1 có tổng nợ phải trả 11.240 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ so với đầu năm, trong đó nợ ngắn hạn 3.887 tỷ, vay và nợ dài hạn 7.253 tỷ, riêng khoản công nợ với các bên liên quan là 1.609,4 tỷ đồng, trong đó, riêng nợ với Vicem là 1.217 tỷ đồng, hàng tồn kho 945 tỷ đồng (riêng thành phẩm 333 tỷ), vốn chủ sở hữu chỉ có 1.897 tỷ đồng. Giá cổ phiếu HT1 ngày giao dịch đầu tiên (13/11/2007) là 60.500 đồng/cổ phiếu, phiên ngày 13/11/2013 chỉ còn 4.900 đồng/cổ phiế.

Theo một số nhà phân tích, một số doanh nghiệp đã phát hành cổ phiếu để cấn trừ nợ cho ngân hàng thành công, bởi vì việc phát hành này ảnh hưởng tích cực đến cả doanh nghiệp và ngân hàng, khoản nợ xấu của ngân hàng tại doanh nghiệp sẽ biến mất khỏi ngân hàng và doanh nghiệp cũng giảm bớt áp lực trả nợ.

Trường hợp HT1 là trường hợp đầu tiên công ty con phát hành cho công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước. Việc HT1 phát hành cổ phiếu cho Vicem được cho là cách duy nhất để giúp HT1 giảm áp lực chi phí tài chính, nợ ngắn hạn của HT1 ngày càng tăng trong khi nguồn tài sản ngắn hạn thì ngày càng giảm và khoản nợ với Vicem sắp đến kỳ đáo hạn.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVS), dư nợ vay của HT1 đã tăng đến 9 lần trong 5 năm trở lại đây, từ 1.001 tỉ đồng năm 2007 lên 8.920 tỉ đồng vào năm 2012, mặc dù việc mất khả năng trả nợ của HT1 chưa đến mức báo động, nhưng sẽ nguy hiểm nếu tình hình kinh doanh của HT1 không được cải thiện.

Với phương thức phát hành cổ phiếu cấn trừ nợ cho Vicem, khoản nợ sẽ được chuyển thành vốn chủ sở hữu. HT1 sẽ xóa được khoản nợ 1.200 tỉ đồng và vốn điều lệ tăng từ 1.980 tỉ đồng lên 3.180 tỉ đồng và Vicem sẽ không còn khoản phải thu dây dưa 1.200 tỉ đồng.

Phương thức này mang lại lợi ích cho cả đôi bên với một bảng cân đối kế toán đẹp hơn rất nhiều, nợ sẽ chuyển thành vốn chủ sở hữu, HT1 sẽ đỡ được một khoản đáng kể chi phí lãi vay, trong khi Vicem cũng không phải trích lập dự phòng một khoản phải thu khó đòi từ HT1.

Hơn nữa, phương thức phát hành này rất dễ được chấp nhận bởi vì hai lý do: Vicem là doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 67,38% vốn của HT1. Toàn bộ rủi ro đối với Vicem khi nhận nợ bằng cổ phiếu (mất vị trí chủ nợ), đặc biệt là rủi ro có thể mất trắng hoặc hao hụt nặng nề tài sản nếu HT1 vẫn tiếp tục kinh doanh thua lỗ sẽ thuộc về doanh nghiệp nhà nước, nên rất khó khăn truy trách nhiệm cho lãnh đạo của Vicem.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)