03:15 23/06/2009

HASTC lên HNX, có gì khác biệt?

Minh Đức

Trước mắt, chưa có nhiều khác biệt khi “chuyển sang”, nhưng sẽ có những đổi thay khi “lên” Sở

Từ ngày 22/6, website của HASTC bắt đầu khoác giao diện mới, nổi bật là logo và dòng chữ: “Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội”.
Từ ngày 22/6, website của HASTC bắt đầu khoác giao diện mới, nổi bật là logo và dòng chữ: “Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội”.
Trước mắt, chưa có nhiều khác biệt khi “chuyển sang”, nhưng sẽ có những đổi thay khi “lên” Sở.

Ngày 24/6, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC) chính thức chuyển thành Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu có hai Sở tại hai đầu Nam – Bắc.

6 tháng kể từ ngày có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, HASTC mới chính thức công bố chuyển đổi, được gắn liền với sự kiện khai trương thị trường giao dịch chứng khoán các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) sau nhiều năm chuẩn bị.

“Đây là một sự kiện lớn không chỉ đối với riêng bản thân chúng tôi, mà còn là sự kiện quan trọng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam để chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới cao hơn, chuyên nghiệp hơn”, phát biểu này của ông Trần Văn Dũng, Giám đốc HASTC, hàm ý có những đổi thay.

Với nhà đầu tư, sự thay đổi gần gũi và cụ thể nhất là cái tên chỉ số HASTC-Index quen thuộc bốn năm qua sẽ thành HNX-Index. Và từ ngày 22/6, website của HASTC cũng đã khoác giao diện mới, nổi bật là logo và dòng chữ: “Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội”.

Từ tên gọi, đó là “chuyển lên”. Trao đổi với VnEconomy hồi đầu năm, lãnh đạo HASTC cho rằng quan trọng nhất là sự chính danh. Sở là sự khẳng định vị thế, quy mô và có thể là cả hình ảnh đối với nhà đầu tư và các doanh nghiệp niêm yết.

Và khi chính danh, ông Dũng xác định hoạt động của HNX sẽ đòi hỏi phải hiệu quả hơn, tổ chức và phục vụ thị trường tốt hơn, chuyên nghiệp hơn. Đi cùng với đó là một quy mô tổ chức và quản lý lớn hơn.

Lên Sở, HNX là một đầu mối của 3 thị trường, nằm trong chương trình 3 mục tiêu đã được xác định: củng cố và phát triển thị trường niêm yết; ra mắt và phát triển thị trường UPCoM; thiết lập hệ thống giao dịch trái phiếu Chính phủ chuyên biệt (dự kiến ra mắt vào tháng 7 tới). Cả 3 thị trường này cùng dựa trên nền tảng công nghệ giao dịch từ xa, hiện cơ bản đã hoàn thiện.

Theo Giám đốc Trần Văn Dũng, điểm khác biệt lớn nhất trong sự chuyển đổi này là về cơ cấu tổ chức. “Trước đây HASTC là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Còn nay HNX là doanh nghiệp nhà nước, công ty TNHH một thành viên. Đối với công ty TNHH một thành viên thì do Bộ Tài chính thành lập và trực tiếp quản lý và đại diện chủ sở hữu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giám sát”, ông Dũng cho biết.

Là doanh nghiệp, có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, nhưng quan điểm mà lãnh đạo HNX đưa ra là doanh nghiệp này hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, mà theo yêu cầu tổ chức, quản lý và phục vụ thị trường.

Tất nhiên, một lợi thế của mô hình mới, với riêng HNX, là cơ chế của một doanh nghiệp có thể giúp cải thiện chế độ đối với người lao động, giữ chân và thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, có điều kiện để cơ cấu tổ chức tốt hơn để hoạt động hiệu quả hơn…

Là doanh nghiệp, HNX cũng có cơ chế độc lập và chủ động hơn để triển khai các sản phẩm, dịch vụ cho thị trường. Thậm chí có thể xem đó là một hoạt động “đầu tư” và Sở có thể gọi vốn từ bên ngoài để phát triển những sản phẩm, dịch vụ đó, theo hướng ưu tiên cho chất lượng, tiến độ vì lợi ích của thị trường, thay cho cơ chế hành chính trước đó.

Còn với thị trường và nhà đầu tư, về cơ bản đây là bước “chuyển sang” mô hình mới. Trước mắt, HNX vẫn sẽ kế thừa quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của HASTC trước đó; khung pháp lý vẫn được giữ nguyên, điều kiện niêm yết, cơ chế giao dịch vẫn được áp dụng như hiện tại.